- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
Dạy con, xin đừng dùng "vai ác"!
Có một quan điểm khá phổ biến khi dạy con là trong gia đình cần có một người “đóng vai ác”
Xưa kia chưa có gia đình, tôi không quan tâm lắm. Nhưng từ khi làm mẹ, tôi thấy đây là quan điểm cực kỳ sai lầm, thậm chí có thể ảnh hưởng một cách nghiêm trọng đến tình cảm của mọi người trong gia đình cũng như sự hình thành nhân cách, ý thức, cảm xúc của đứa trẻ.
Vì cớ gì mà người cha lại thường được mặc định phải là người “đóng vai ác”? Vâng, các bạn sẽ nói rằng đó là bởi vì họ là phái mạnh, họ thường nghiêm khắc và lý trí hơn trong mọi chuyện cũng như trong việc dạy dỗ con cái. Còn phụ nữ, vốn là “loài sinh vật” sở hữu trái tim mềm yếu, dễ xúc động và hay mềm lòng, nên thường không thể dạy con (nhất là lúc con hư) một cách nghiêm khắc và “đúng đắn” như cha nó. Và vì thế nên bao đời nay phụ nữ chúng tôi cứ phải nghe cái câu mà đàn ông luôn ra rả mỗi khi con trở chứng: “Đã bảo rồi mà, con hư tại mẹ, cháu hư tại bà đấy!”. Tôi cực kỳ ghét câu nói vô trách nhiệm này. Thay vì đổ lỗi cho người phụ nữ, nên chẳng cả cha và mẹ hãy cùng nhau ngồi lại bàn bạc để tìm ra cách dạy con hiệu quả nhất, có phải tốt hơn không?
Với tôi, từ khi có con, tôi xác định rõ với bản thân mình rằng: dù là cha hay mẹ, ông hay bà, cô dì hay chú bác, tất cả mọi người đều phải áp dụng cùng một cách dạy con, dạy cháu, và quan trọng hơn cả là phải thực sự thống nhất với nhau trên tinh thần hiểu biết, cởi mở. Khi con bạn hư, bạn mắng con, phạt con, nhưng bà ngoại bà nội thấy cháu khóc hờn lại xót, lại chạy đến bế bế xoa xoa rồi dỗ dành, thậm chí còn quát ngược lại các con rằng: “Tao đánh chúng mày xem chúng mày có đau không nhá? Nó bé thế biết gì mà chúng mày quát nó!” Thì thử hỏi, đứa trẻ ấy có “lĩnh hội” được những gì cha mẹ nó muốn dạy dỗ hay không?
Rõ ràng trên thực tế, mỗi khi đứa trẻ “ăn vạ” mà được ai đó dỗ dành, nó sẽ càng khóc to hơn để được nghe thêm những lời nói ngọt, những cử chỉ nựng nịu, thậm chí là đền bù bằng một hình thức nào đó, trước khi chịu nín. Và lần sau khi lặp lại chuyện gì đó không vừa lòng nó, nó sẽ tiếp tục ăn vạ. Bởi vậy khi con khóc vì không hài lòng điều gì đó mà bạn cho rằng vô lý, đừng dỗ nó, cũng đừng to tiếng quát mắng hay dọa đánh để bắt con im. Bởi làm thế sẽ chỉ khiến con bạn sợ hãi và khóc to hơn mà thôi. Thay vào đó, hãy lờ nó đi, coi như không nhìn thấy, và tiếp tục làm công việc của mình như bình thường.
Đảm bảo một lúc sau, dù lâu, con bạn sẽ tự nín. Và vì không thấy ai dỗ dành nên lần sau, dẫu có khóc, nó cũng sẽ mau nín hơn. Dần dần con bạn sẽ hạn chế được tính ăn vạ. Tôi thật sự ngám ngẩm cái cảnh những đứa trẻ lên năm lên ba nằm bò ra nền nhà ở nơi công cộng để ăn vạ vì không được đáp ứng một nhu cầu nào đó, còn cha mẹ nó thì hoặc ra sức dỗ dành, hoặc nóng tính đét cho mấy cái vào mông vì xấu hổ. Thật ra, đấy chỉ là “phần ngọn”, còn “phần gốc”, họ đã quá nuông chiều con mình trong một thời gian dài, không người này thì người khác.
Với tôi, điều quan trọng hơn cả là tìm ra được một cách dạy con phù hợp, không quá nghiêm khắc, cũng không nuông chiều, và cả gia đình cùng thống nhất điều đó, để con không oán thán bố hay mẹ sau này, cũng không cảm thấy mình chẳng được yêu thương. Rất nhiều gia đình mỗi khi con làm gì sai lại đem bố ra dọa, có phải vì thế mà rất nhiều đứa trẻ khi lớn lên không thể nào chuyện trò hay tâm sự được với bố?
Xin đừng mặc định rằng đàn ông là phải nghiêm nghị, khó tính, xin hãy dừng lối suy nghĩ ấy đi. Đã đến lúc nên học cách để trở thành bạn của con khi nó trưởng thành, thay vì là bậc bề trên chỉ biết quát nạt và khiến nó xa cách.