Giật mình với cách dạy trẻ... nói dối của người lớn

Trước khi hứa hẹn hoặc nói điều gì với trẻ, người lớn cũng nên “uốn lưỡi bảy lần” bởi nếu không cẩn thận, vô tình chúng ta lại đang trở thành tấm gương xấu xí và méo mó với con trẻ.

Với đứa trẻ, cha mẹ và người thân trong gia đình cũng chính là những người thầy đầu tiên của bé. Trẻ con chẳng khác nào trang giấy trắng. Muốn viết vẽ gì lên đó, chính là do bàn tay của người lớn. Vì vậy, mọi lời nói, hành vi hay bất cứ cư xử nào của người lớn đều ảnh hưởng tới tính cách và sự phát triển của trẻ.

Tôi thấy rất nhiều gia đình vì muốn dỗ dành con cái mà hứa hẹn nhiều điều. Chẳng hạn như, khi muốn đứa trẻ thực hiện một điều gì đó cho nhanh, thay vì khuyến khích con làm, hoặc giải thích rõ cho đứa trẻ hiểu thì họ lại hứa: “ăn hết mẹ sẽ cho đi công viên”, hay “ở nhà ngoan, lát bà mua cho mua đồ chơi”, rồi con “đi học ngoan, chiều về bố có quà”,…

Tất nhiên, đó là cách để trẻ làm theo ý muốn của người lớn nhanh chóng, mà không tiếp tục phải nghe những lời mè nheo hoặc sự phản kháng của trẻ. Dần dần, những lời hứa ấy cũng trở thành câu cửa miệng mỗi khi họ muốn trẻ thực hiện điều gì đó. Nếu họ nói và thực hiện đúng lời đã nói thì chẳng có gì đáng bàn. Nhưng đa số, người lớn chỉ nói cho qua chuyện để đạt được mục đích là trẻ nghe lời (lúc đó) mà không làm điều mình đã hứa.

Người lớn thường hứa hẹn với trẻ những điều mà họ không thực hiện. Ảnh minh họa.

Bà hàng xóm tôi thi thoảng có việc về quê. Đứa cháu trai 3 tuổi thì rất bám bà nội, thường hay đòi đi theo. Thế nên, mỗi lần về quê bà lại phải bịa ra lý do nào đó thích hợp để cháu tin. Có lần thì nói là phải đi bác sĩ tiêm, lần thì bà mang túi xách đi cho bố con, lần thì đi đám ma trẻ con không theo được,… Nhưng tôi nhớ nhất lần bà giả vờ đi vứt rác. Thằng bé vô tình xuống nhà, phát hiện ra và chạy đuổi theo chiếc xe ôm chở bà đi và khóc mãi. Từ đó về sau, mỗi khi bà nói “Bà đi đổ rác”, dù nói thật, nó cũng không tin, cứ kè kè theo dõi.

Bằng những cách nói kiểu như trên, chính chúng ta đang nói dối trẻ và đó là cách người lớn dạy trẻ nói dối người khác. Tất nhiên, sau nhiều lần bị “lừa” như vậy, trẻ sẽ khó mà tin tưởng hoàn toàn vào những lời nói hoặc hứa hẹn hoặc của người lớn nữa.

Có một bà mẹ, vì không muốn đến một cuộc gặp với bạn của mình, nên trong khi điện thoại với bạn đã nói rằng: “con gái mình đang ốm, chắc mình không tham gia được với các cậu”. Cuộc điện thoại được thực hiện ngay trước mặt cô con gái, đang rất bình thường, chẳng ốm chẳng đau gì và sau đó người mẹ cũng không có lời giải thích nào với bé. Vậy, chẳng phải người mẹ đã dạy con gái mình rằng “mẹ nói dối được, thì có lẽ mình nói dối cũng chẳng sao”.

Có một sai lầm là người lớn thường đánh giá thấp con trẻ mà cho rằng chúng chỉ nghe xong rồi thôi. Thực ra, những lời nói cho qua với người lớn, những thứ không đáng bận tâm, lại là điều to tát với trẻ con.

Hãy thử nghĩ xem, khi còn nhỏ, bạn mong chờ điều gì? Có phải là những cuộc đi chơi, những món quà bánh và đồ chơi yêu thích? Vì vậy, đừng đem những thứ ấy ra làm “mồi nhử” với trẻ con.

Đối với việc trẻ đeo bám, thay vì nói cho trẻ hiểu đây là việc cần thiết, người lớn phải làm và nói rõ mình sẽ phải đi trong bao lâu thì lại viện lý do này khác để tránh sự đeo bám. Để trẻ biết sự thật thì đã sao? Chúng có thể sẽ khóc một lúc, nhưng có phải nó còn tốt hơn là để trẻ phát hiện chúng ta đang lừa dối chúng, và bớt dần niềm tin ở người lớn.


Nói dối trẻ chính là đang dạy trẻ nói dối với người khác. Ảnh minh họa

Dạy trẻ con, có những việc tưởng chừng như rất nhỏ, nhưng nếu lặp đi lặp lại thì “chuyện nhỏ sẽ hóa to”. Rồi một ngày, có thể cha mẹ sẽ phải ngạc nhiên vì con mình có thể bắt chước mình và nói những câu chuyện không có thật một cách hồn nhiên như không. Khi ấy, chúng ta có thể trách ai, vì chính chúng ta đã vô tình “đào tạo” nên tính cách ấy của trẻ.

Sẽ rất buồn cười khi ai cũng muốn con ngoan, thật thà nhưng mình thì lại không làm được điều đó. Vì vậy, trước khi hứa hẹn hoặc nói điều gì trước mắt trẻ, người lớn cũng nên “uốn lưỡi bảy lần” bởi nếu không cẩn thận, vô tình chúng ta lại đang trở thành tấm gương xấu xí và méo mó với con trẻ.

Thu Trang/ VietNamNet

Bạn có con nhỏ? Bạn có nhiều kinh nghiệm nuôi dạy con cái hay của riêng mình? Hãy gửi email cho chúng tôi về địa chỉ tintuconline@vietnamnet.vn để những kinh nghiệm ấy được chia sẻ với nhiều người hơn nữa. Hoặc bạn có thể viết nhận xét ở phần bình luận bên dưới. Xin trân trọng cảm ơn!



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.