Kiểu cha mẹ "giết chết" sức sáng tạo của con

Một đứa trẻ tài năng chưa chắc đã phải là một đứa trẻ sáng tạo, vậy làm thế nào để nuôi dưỡng khả năng sáng tạo của một đứa trẻ?

Một đứa trẻ tài năng chưa chắc đã phải là một đứa trẻ sáng tạo, vậy làm thế nào để nuôi dưỡng khả năng sáng tạo của một đứa trẻ? Bài viết của tác giả Adam Grant đăng trên tờ New York Times tiếp tục phân tích vấn đề này.

XEM PHẦN 1

làm cha mẹ, nuôi dạy con, nuôi con sáng tạo

Một nghiên cứu so sánh các gia đình của những đứa trẻ nằm trong số 5% những cá nhân sáng tạo nhất trong hệ thống trường học của chúng với những đứa trẻ không sáng tạo lắm. Cha mẹ của trẻ bình thường có trung bình sáu nguyên tắc, như thời gian biểu cụ thể để làm bài tập về nhà và lên giường đi ngủ. Phụ huynh của trẻ rất sáng tạo có trung bình không đến một quy tắc.

Sự sáng tạo có thể khó nuôi dưỡng, nhưng lại rất dễ bị ngăn chặn. Bằng việc hạn chế các nguyên tắc, cha mẹ khuyến khích con cái tự suy nghĩ cho bản thân. Họ có xu hướng "chú trọng các giá trị đạo đức, hơn là các nguyên tắc cụ thể", Teresa Amabile, nhà tâm lý học của Đại học Harvard cho biết.

Song ngay cả khi đó, cha mẹ cũng không nhồi nhét các giá trị của mình vào đầu con cái. Khi các nhà tâm lý học so sánh các kiến trúc sư sáng tạo nhất của Mỹ với một nhóm những đồng nghiệp có tay nghề cao nhưng không khác biệt, có điều gì đó độc đáo về cha mẹ của các kiến trúc sư sáng tạo: "Tầm quan trọng được đặt vào việc xây dựng quy tắc đạo đức cho chính bản thân mình."

Vâng, cha mẹ khuyến khích con cái trở nên xuất sắc và thành công - nhưng họ cũng khuyến khích chúng tìm thấy "niềm vui trong công việc". Con cái họ có quyền tự do chọn lọc các giá trị của riêng mình và tự khám phá các mối quan tâm của bản thân. Và điều này giúp chúng phát triển thành những người trưởng thành sáng tạo.

Khi nhà tâm lý học Benjamin Bloom điều phối một nghiên cứu về nguồn gốc ban đầu của các nhạc sĩ, nghệ sĩ, vận động viên và các nhà khoa học đẳng cấp thế giới, ông được biết rằng cha mẹ của họ không mơ ước nuôi dạy những đứa trẻ siêu sao. Họ không phải là chuyên gia huấn luyện tân binh hay người quản lý nô lệ. Họ đáp ứng theo các động lực nội tại của con em mình. Khi con cái thể hiện sự quan tâm và nhiệt tình trong một kỹ năng, cha mẹ ủng hộ chúng.

Các nghệ sĩ hoà tấu piano hàng đầu không có những giáo viên ưu tú ngay từ lúc mới chập chững biết đi; các bài học đầu tiên của họ đến từ những người thầy sống gần đó, những người làm cho các giờ học trở thành niềm vui. Mozart thể hiện mối quan tâm đến âm nhạc trước khi bắt đầu học nhạc, chứ không phải ngược lại. Mary Lou Williams đã tự học chơi piano; Itzhak Perlman đã tự học violin khi bị trường nhạc từ chối.

Ngay cả các vận động viên giỏi nhất cũng không hề có sự khởi đầu tốt hơn so với các đồng nghiệp của họ. Khi nhóm của Tiến sĩ Bloom phỏng vấn các tay vợt được xếp hạng top 10 trên thế giới, họ không hề, nói như Jerry Seinfeld, tập chống đẩy từ khi còn trong bụng mẹ. Rất ít người trong số họ phải đối mặt với áp lực lớn để hoàn thiện kỹ năng thi đấu như Andre Agassi đã từng làm. Đa số các ngôi sao quần vợt nhớ một điều về các huấn luyện viên đầu tiên của mình: Họ khiến cho quần vợt trở nên thú vị.

Kể từ khi Malcolm Gladwell phổ biến "quy tắc 10.000 giờ" cho rằng sự thành công phụ thuộc vào thời gian chúng ta dành cho luyện tập, các cuộc tranh luận đã nổ ra về số giờ cần thiết để trở thành chuyên gia thay đổi tùy theo lĩnh vực và từng cá nhân như thế nào. Trong khi tranh luận về điều đó, chúng ta đã bỏ qua hai câu hỏi mà mức độ quan trọng gần như tương đương.

Thứ nhất, liệu bản thân việc luyện tập có thể bịt mắt không cho chúng ta tìm ra những cách để cải thiện lĩnh vực học tập của mình hay không? Nghiên cứu cho thấy rằng chúng ta càng luyện nhiều, chúng ta càng bị mắc kẹt trong những tư duy quen thuộc. Các chuyên gia đánh bài bridge phải vật lộn nhiều hơn các tay mơ để thích ứng khi các quy tắc bị thay đổi; các chuyên gia kế toán thì lúng túng hơn so với người mới khi phải áp dụng một luật thuế mới.

Thứ hai, điều gì thúc đẩy người ta luyện tập một kỹ năng hàng ngàn giờ? Câu trả lời đáng tin cậy nhất là ĐAM MÊ - được phát hiện thông qua sự tò mò tự nhiên hoặc được nuôi dưỡng bằng những trải nghiệm thú vị ban đầu với một hoặc nhiều hoạt động.

Bằng chứng cho thấy những đóng góp sáng tạo không chỉ phụ thuộc vào chiều sâu mà còn vào độ rộng của kiến thức và trải nghiệm của chúng ta. Trong lĩnh vực thời trang, những bộ sưu tập độc đáo nhất đến từ những nhà tạo mẫu đã dành phần lớn thời gian làm việc ở nước ngoài. Trong lĩnh vực khoa học, đạt được giải thưởng Nobel phần lớn là người có mối quan tâm đến nhiều lĩnh vực hơn là một thiên tài chuyên tâm vào một lĩnh vực. So với các nhà khoa học tiêu biểu, những người đoạt giải Nobel có nhiều hơn gấp 22 lần khả năng biểu diễn như diễn viên, vũ công hoặc nhà ảo thuật, 12 lần khả năng có thể viết thơ, sáng tác kịch hay tiểu thuyết, 7 lần khả năng dính líu vào các lĩnh vực nghệ thuật và thủ công, và 2 lần khả năng có thể chơi nhạc cụ hoặc sáng tác nhạc

Không ai ép buộc các nhà khoa học sáng chói này phải dính vào các sở thích nghệ thuật. Điều ấy chỉ phản ánh sự tò mò của họ. Và đôi khi, sự tò mò ấy đưa họ đến với những thời điểm lóe sáng của hiểu biết. "Thuyết tương đối đến với tôi bằng trực giác, và âm nhạc là động lực đằng sau trực giác này," Albert Einstein hồi tưởng. Mẹ ông cho ông học violin từ lúc 5 tuổi, nhưng ông không thích thú. Tình yêu âm nhạc của ông chỉ nở rộ ở tuổi thiếu niên, sau khi đã ngừng học nhạc và tình cờ được đánh thức bởi các bản sonata của Mozart. "Tình yêu là người thầy giỏi hơn so với ý thức trách nhiệm," ông nói.

Đã nghe thấy chưa, các Mẹ Hổ và Cha Lombardi? Bạn không thể lập trình để một đứa trẻ trở nên sáng tạo. Cố gắng thiết kế một sự thành công nhất định, và thứ tốt nhất bạn nhận được sẽ chỉ là một con robot tham vọng. Nếu bạn muốn con cái mình mang lại những ý tưởng mới mẻ đến với thế giới, bạn CẦN CHO PHÉP TRẺ THEO ĐUỔI ĐAM MÊ CỦA CHÚNG, chứ không phải đam mê của bạn.

Theo Chí Trung/ Vietnamnet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.