Mẹ cao tay “đẩy việc” cho chồng, con thêm bám bố

Bám mẹ một cách quá đáng sẽ khiến bé trở nên phụ thuộc, thiếu tự tin, khả năng hòa nhập và sống độc lập cũng kém hơn.

Con bám mẹ là điều dễ thấy trong các gia đình Việt, là đặc quyền và cũng là hạnh phúc của những người mẹ. Tuy nhiên, nhiều bé lại bám quá khiến người mẹ đôi khi thấy mệt mỏi, thậm chí sinh ra ghen tị và xích mích với chồng, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình....

Hơn nữa, theo các chuyên gia, bám mẹ một cách quá đáng sẽ khiến bé trở nên phụ thuộc, thiếu tự tin, khả năng hòa nhập và sống độc lập cũng kém hơn. Vậy làm thế nào để con bớt bám mẹ?

Muốn con hết bám mẹ, hãy ôm ấp vỗ về con nhiều hơn!

Chị Hồ Tuyết (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng từng trong hoàn cảnh con quá bám mẹ chia sẻ kinh nghiệm:

"Chả hiểu sao dạo gần đây Cún hay ỉ ôi bám mẹ, hitle bố. Mình cũng chả muốn thế tí nào, con gái gần gũi yêu bố, mẹ vừa làm được nhiều việc khác mà bố lại vui, hạnh phúc với con.

Bố nó thì cứ đổ tại vợ chiều con quá, vợ bám con nên con bám là phải. Vợ phải tách dần dần ra chứ không cứ bám thế này à? Bố nó nói nhiều quá đâm ra mẹ cũng thấy lung lay. Mẹ cũng tách dần con ra, nhưng càng xa con, đẩy con với bố thì con lại càng khóc, càng nũng, càng không thích bố. Bố thấy thế lại càng chán, mất vui cả nhà. Vậy là mình quyết tâm cải thiện tình hình".

Mọi người cứ hay bảo rằng mẹ bế nhiều thì con quen rồi bện hơi bám mẹ, tuy nhiên tham khảo liệu pháp Skinship hay cái ôm giữa mẹ và con của mẹ Nhật, chị Tuyết nghĩ rằng: Có lẽ sự yêu thương, gần gũi, ôm ấp vỗ về chưa đủ nên con mới cần gần mẹ, mới bám mẹ chăng?

Chị Hồ Tuyết và con gái

Theo tìm hiểu thì Skinship giúp bé cảm thấy an tâm, kích thích não tiết hormone tăng trưởng để trẻ thông minh, độc lập, chịu áp lực tốt hơn khi lớn lên. "Vậy nên, bình thường ôm ấp hôn hít 3-4 lần thì giờ mình tăng lên 10 lần 20 lần. Nhẹ nhàng với con hơn, mỗi lần tức giận thay vì tỏ vẻ cau có thì mình hít thở sâu hơn, thiền đi cho hạ hỏa. Kết quả trên cả tuyệt vời, sau khi mẹ gần gũi ôm ấp con nhiều hơn thì con... bám bố".

"Vậy là vui cả nhà, mẹ yêu con, con yêu bố, cả nhà cùng yêu nhau. Vì bám bố rồi nên bố thích đọc sách cho con, thích chơi với con, cứ tung tăng tíu tít cả lên. Chấm dứt cái thảm cảnh: Con cứ đằng đẵng quấn chân mẹ, bố thì lấy cớ con không theo nên chơi điện tử tẹt ra vẻ rất nhàn nhã, mẹ thì tay trong tay ngoài chỉ muốn hét cho thỏa nỗi bực tức", chị Tuyết vui vẻ chia sẻ.

Mẹ cao tay “đẩy việc” cho chồng, con thêm bám bố

Đó là kinh nghiệm mà chị Trang (Long Biên, Hà Nội) đã áp dụng hiệu quả với ông xã và con trai 3 tuổi rưỡi của mình. Chị chia sẻ: "Bí quyết để con đỡ bám mẹ hơn của mình là tìm cách làm cho con quấn bố và bố quấn con". Cụ thể:

- Tạo mọi điều kiện và hoàn cảnh để bố chăm con: Sáng ra, bố dậy muộn hơn, nên mình cho con ngủ thêm với bố. Đến lúc dậy, bố đánh răng rửa mặt, cho ăn sáng và đưa đi học. Trên đường đi 2 bố con ríu rít chuyện trò, học tiếng Anh. Hoặc khi mình nấu cơm, rửa bát, con trai cứ loanh quanh bên mẹ, bắt mẹ chơi, bắt mẹ bế. Những lúc đó mình lại bảo với chồng: “Anh cho con ra ngoài chơi 1 chút đi cho con thoải mái" hay “Con đi ra ngoài kia rủ bố đi đạp xe đi”...

- Khéo léo nhờ chồng chăm con cho nhiều hơn: Không sử dụng những câu nói mang tính chất mệnh lệnh, ép buộc, mà dùng những câu nói mang tính chất hợp tác nhiều hơn. Từ “giúp” và từ “hộ” trong những hoàn cảnh như thế này là câu thần chú rất hiệu nghiệm, chẳng hạn thay vì nói "Anh trông con cho em" mà bảo "Anh chơi với con đi" hoặc "con ra chơi với bố đi"; không nói “anh cho con ăn đi” mà thay bằng “anh cho con ăn giúp em nhé” ...

“Mình luôn sẵn sàng nhờ vả chồng làm mọi việc cho con trong khi mình tỏ ra bận rộn: "Em đang dở tay (đúng là đang làm thật nhé), anh tắm cho con giúp em, anh cho con ị hộ em, đút cơm, thay quần áo... Thấy vợ đang bận như vậy, anh xã mình cũng vui vẻ làm. Những cái đó tuy rất nhỏ, nhưng cũng làm cho con cảm thấy: bố nó cũng chăm sóc cho nó giống như mẹ”, chị Trang cho biết.

[​IMG]

Chị Trang và con trai

- Để mẹ là người định hướng, bố là người thực hành cho con: Bố nhà em đi với Tây nhiều nên nói tiếng Anh tốt, mình nói với chồng: Anh bắt đầu dạy con tiếng Anh đi, tầm này 3 tuổi học được rồi... Thế là anh chồng hăm hở bắt đầu công cuộc "dạy tiếng Anh" cho con và 2 bố con ra rả như con vẹt suốt những lúc ở bên cạnh nhau....

Theo chị Trang, “đẩy việc” cũng là một cách giúp khơi gợi và bồi đắp tình cảm giữa hai bố con. Nếu người bố thật sự yêu quý con, muốn ở gần bên con thì sẽ không ngại làm bất cứ việc gì trong việc chăm sóc con cho dù trước đó vẫn thường xuyên là việc của vợ.

Sớm tập cho bé quen với sự chăm sóc của người khác

Để tránh cho con chỉ quen với mẹ mà khó chấp nhận sự chăm sóc của người khác thì đây là cách truyền thống mà nhiều mẹ Việt đang áp dụng hiệu quả.

Theo đó, từ những tháng đầu đời, người mẹ cần giúp bé quen dần với những khoảng thời gian trong ngày được người khác chăn sóc như: tắm, xi tè, cho ăn, bế ẵm... Thay vì trực tiếp làm tất cả mọi việc, bạn nên chia sẻ công việc với bố, bà, người thân khác, thậm chí là người giúp việc để bé thích nghi dần. Như vậy mẹ nhàn hơn mà cũng tốt cho con sau này, không bị "sốc" hay rơi vào cảnh khóc ngằn ngặt khi mẹ vắng nhà hoặc đi làm lại.

Tuy nhiên để thực hiện thành công phương pháp này, các mẹ cần phải bình tĩnh với những cơn đòi mẹ của con, nhất là khi mới bắt đầu.

 Vân Khánh/VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.