Mẹ có thể chờ con, nhưng cơ hội nào sẽ đứng đó chờ mẹ?

“Tôi không hi sinh mọi thứ vì con. Tôi yêu con, chăm sóc con, nhưng tôi cũng không quên yêu và chăm sóc bản thân mình, hiện thực hóa những hoài bão (dù là điên rồ nhất) của mình."

“Tôi không hi sinh mọi thứ vì con. Tôi yêu con, chăm sóc con, nhưng tôi cũng không quên yêu và chăm sóc bản thân mình, hiện thực hóa những hoài bão (dù là điên rồ nhất) của mình. Tôi tin rằng, sau này lớn lên, con tôi cũng sẽ tự hào về điều đó”.

Tôi biết có rất nhiều người mẹ dũng cảm “tách” con từ khi con vừa tròn 5-6 tháng tuổi để quay trở lại với công việc, không phải công việc cũ, là một công việc hoàn toàn mới mẻ mà bạn có thể gọi đó là một-cuộc-phiêu-lưu. Những người mẹ quyết định start-up (khởi nghiệp) khi đứa con bé bỏng của họ còn chưa biết lật, lẫy và ê a thường vấp phải “búa rìu dư luận”.

Nhiều người cho rằng họ điên rồ, thiếu chín chắn. Thậm chí, nặng nề hơn, có người còn chỉ trích họ là mẫu người “Yêu sự nghiệp mù quáng”, “Mẹ gì mà chẳng thương con”, “Con còn đỏ hỏn như thế mà nỡ lòng bỏ nó cho người giúp việc chăm”, “Một con mẹ ham tiền”...

Dành thời gian cho con
Thay vì ở bên con 24/7, họ còn dành thời gian để lên dây cót cho chính mình, thực hiện những hoài bão mà mình đang ấp ủ. Đó là những bà mẹ có khả năng tự hồi phục rất nhanh.

Tôi nghĩ khác. Tôi ngưỡng mộ những bà mẹ start-up. Họ bản lĩnh đương đầu với hàng tá rắc rối lẫn rủi ro từ công việc mới và một rừng những lời chỉ trích đang hướng mũi tên về phía mình. Họ làm việc và vẫn chăm con. Chỉ có điều, thay vì ở bên con 24/7, họ còn dành thời gian để lên dây cót cho chính mình, thực hiện những hoài bão mà mình đang ấp ủ. Đó là những bà mẹ có khả năng tự hồi phục rất nhanh. Họ không thích “ngủ đông” mà luôn ở trong trạng thái vận động.

Dành thời gian cho con
Mẹ có thể chờ con, nhưng cơ hội nào sẽ đứng đó chờ mẹ?

Ngọc Anh, bạn tôi, là giáo viên. Khi đứa con đầu vừa tròn 6 tháng tuổi, Ngọc Anh đã có một quyết định khá “mạo hiểm”: Gửi con ở một nhà trẻ tư và xin nghỉ việc để ở nhà bán bánh. Ngọc Anh rất khéo tay, có thể làm đủ các loại bánh ăn chơi như bông lan trứng muối, bánh flan, bánh kem, bánh su kem,… Sau hơn một năm cặm cụi nghiên cứu công thức làm bánh mới và gầy dựng thương hiệu, giờ bạn tôi đã là chủ của một tiệm bánh online.

“Mình yêu con, chăm sóc con, nhưng mình cũng không quên yêu và chăm sóc bản thân. Ngoài tình yêu, mình còn muốn dành cho con bầu nhiệt huyết, một chút liều lĩnh và niềm tin ở chính mình. Mình tin rằng, sau này lớn lên, con mình cũng sẽ tự hào về điều đó. Làm bánh vất vả hơn làm giáo viên nhưng mình có thể chủ động được thời gian. Thu nhập tính bình quân từng tháng thì tất nhiên là khá hơn dù không ổn định. Nhiều người nói mình “tách” con quá sớm và chẳng biết thương con. Nhưng mình đi làm kiếm tiền cũng là vì con mình chứ đâu phải vì con ông hàng xóm. Mấy người chê trách mình liệu có thể hỗ trợ tiền bỉm sữa để mình toàn tâm ở nhà làm một bà mẹ kiểu mẫu không, hay chỉ thích nói thế cho sướng miệng? Không lẽ họ thương con mình hơn cả chính mẹ ruột nó?”, Ngọc Anh chia sẻ.

Rõ ràng chúng ta chẳng thể đứng ở góc độ của mình để phán xét về sự lựa chọn của người khác. Chúng ta thích ở nhà chăm con, chúng ta sẵn sàng giảm tải bớt khối lượng công việc để dành thời gian ôm ấp, hít hà con, và chúng ta nghĩ phải hi sinh như thế mới gọi là thương con, đó là điều tuyệt vời nhất dành cho con.

Nhưng không phải người mẹ nào cũng có suy nghĩ như thế, và chính những đứa con khi lớn lên chưa chắc đã cảm thấy hạnh phúc khi mẹ của chúng cứ suốt ngày ca bài ca quen thuộc: “Mẹ đã hi sinh tất cả vì con”. Chúng sẽ có cảm giác mình đang mắc nợ. Một món nợ mà chúng chẳng thể cân đong đo đếm, một món nợ mà cả đời này chúng không thể trả hết được. Nhất là khi các mẹ có xu hướng đặt quá nhiều kì vọng vào con, rằng mẹ đã hi sinh tất cả vì con, thì con phải thực hiện được những điều mẹ đang mong mỏi: “Con phải học thật giỏi/ kiếm được thật nhiều tiền/ gặt hái được thật nhiều thành công… để không uổng công mẹ đã hi sinh vất vả”. Cuối cùng thì, sự hi sinh tưởng chừng như vì con hóa ra lại vì chính mong muốn của bản thân mình. Hi sinh như vậy thì còn ý nghĩa gì nữa?

Mới đây, tôi có đọc được bài viết về một người mẹ trẻ đã quyết định gửi con khi con vừa đầy tuổi để start-up dịch vụ cung cấp thực phẩm chế biến sạch và an toàn cho các “mẹ bầu”, và trên facebook của một mẹ đã bức xúc rằng tại sao bạn ấy không chờ con cứng cáp hơn một chút rồi hãy start-up. Nhưng khi nào thì con cứng cáp? Có người nghĩ là sáu tháng, có người cho rằng phải một năm, lại có người khăng khăng khẳng định đó là khi con tròn ba tuổi. Mẹ có thể chờ con, nhưng cơ hội nào sẽ đứng đó chờ mẹ?

Dành thời gian cho con
Làm mẹ sẽ là một hành trình hạnh phúc khi bạn vẫn được là chính mình.

Tôi cũng là một người mẹ và tôi ngưỡng mộ những người mẹ đã vượt qua được nỗi sợ của chính mình và mũi dùi dư luận để start-up. Thay vì đặt kỳ vọng vào con, họ đã chủ động tạo thành công cho chính mình để con cái nhìn vào và coi đó như một tấm gương để tự hào và học hỏi. Họ không gây áp lực cho con, không để con có cảm giác mình đang “mắc nợ” mẹ. Tôi nghĩ chính họ đang khiến con cảm thấy hào hứng hơn khi nhìn vào những gì mẹ đã làm được sau này. Tôi cũng không thích khái niệm “hi sinh vì con”, vì từ “hi sinh” thường chỉ được nhắc đến trong một cuộc chiến. Hành trình làm mẹ từ lúc mang bầu, sinh con và chăm sóc con là một niềm vui, không phải là một cuộc chiến.

Tôi rất thích cách suy nghĩ của chị Dương Thanh Nga, một người mẹ thích dịch chuyển và cũng không thể xa con nên đã địu con đi khắp mọi nơi trên thế giới. “Tôi ham đi và tôi yêu con. Tôi không muốn sinh con ra phải nhìn ngó bốn bức tường suốt ngày. Tôi không muốn xa con. Nhưng tôi cũng không muốn nghỉ làm, ngừng đi và thôi nhìn ngắm thế giới”. Vì tính chất đặc thù của công việc, chị Nga cũng có cơ hội sinh sống và làm việc ở nhiều quốc gia. Liam, cậu con trai bé nhỏ của chị dù chỉ mới hai tuổi rưỡi nhưng đã được cùng mẹ chu du 46 thành phố tại 7 nước trên thế giới.

Dành thời gian cho con
Liam, cậu con trai bé nhỏ của chị Dương Thanh Nga chỉ mới hai tuổi rưỡi nhưng đã được cùng mẹ chu du 46 thành phố tại 7 nước trên thế giới.

Nhiều người chỉ trích “bà mẹ ham vui” nên để con lay lắt ngủ gục ở nhà chờ xe buýt, sân bay và “sinh hoạt không có giờ giấc” nhưng rõ ràng Liam rất háo hức với cuộc phiêu lưu và khám phá thế giới xung quanh mình. Liam không sợ người lạ. Cậu bé cũng kịp có những tình bạn ngắn ngủi nhưng rất đỗi ngọt ngào trên chuyến hành trình của mình và vô vàn những kỉ niệm đáng nhớ khác mà không phải đứa trẻ nào cũng may mắn có được.

Làm mẹ sẽ là một hành trình hạnh phúc khi bạn vẫn được là chính mình. Bạn không cần phải chọn một trong hai: Hoặc con cái, hoặc sự nghiệp/niềm đam mê riêng. Bạn có thể cùng một lúc có được cả hai. Sau này lớn lên, những đứa con của bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn khi mẹ của chúng hạnh phúc. Tôi chắc chắn chính bạn cũng đã hơn một lần mong muốn điều đó đến với mẹ của mình.

Theo Trí Thức Trẻ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.