Nhà báo Thu Hà: Vì sao bố mẹ lại tước đoạt QUYỀN ĐƯỢC SAI LẦM, quyền được đứt tay, quyền ngã xe, quyền đi lạc, và cả quyền bị lừa… của trẻ con?

Trải qua những sự cố lo lắng thắt tim, bị phạt méo cả mặt, hay bị những cú lừa điêu đứng... Đau đớn đấy, nhưng nó làm con bạn trưởng thành và thú vị.

Trải qua những sự cố lo lắng thắt tim, bị phạt méo cả mặt, hay bị những cú lừa điêu đứng... Đau đớn đấy, nhưng nó làm con bạn trưởng thành và thú vị.
 

Có phải là các ba mẹ thời nay "úm con" quá kỹ?

Nghĩ thế nào, khi liên hoan lớp 4, cô giáo còn phải cắt sẵn các gói bánh, nếu cô không cắt thì nhiều bạn không biết mở ra mà ăn (bé nào cũng có kéo trong hộp đồ thủ công nhé).

Nghĩ gì, một bạn tốt nghiệp đại học, đang chờ việc làm, cả ngày ngồi ở phòng trọ, nhưng toàn quên ăn cơm, bị xỉu mấy lần. Lần nào mẹ già nghe tin cũng phải lặn lội vào chăm sóc. Truyền nước vài chai là lại ra viện, rồi một thời gian sau lại xỉu vì đói. Mẹ kể, "ở nhà mẹ toàn phải đưa cơm tới tận bàn nó mới ăn, nếu không rót nước dúi vào tay thì có khi cả ngày nó chả uống giọt nào"...

Cổng trường PTCS và PTTH luôn nghẹt cứng các bố mẹ tới đưa đón con, kẹt xe cả dãy phố dài. Nhiều nhà cắt hẳn một người ở nhà chỉ để đưa đón con "chạy sô".

Các bố các mẹ sẽ bảo: "Thời xưa khác, thời này khác. Bây giờ xã hội không còn an toàn như ngày xưa, nào là xe cộ nhiều, tai nạn lắm, nào là lừa đảo, cướp bóc, bắt cóc..."

Chả phải! Nguy cơ với trẻ con thì thời nào cũng có, tai nạn và thương vong thời nào cũng có. Nhưng thời này sẽ lan rộng hơn, gây chấn động hơn bởi thông tin quá thuận tiện. Giả sử có một em bé bị bắt cóc ở Lạng Sơn thì lập tức hàng triệu bố mẹ ở Sài Gòn bấn loạn.

Theo Tổng cục thống kê, mức độ tử vong của trẻ em toàn quốc giảm tới hơn 50% trong vòng 20 năm (từ 1989 tới 2009). Trẻ em dưới năm tuổi tử vong giảm từ 58 (năm 1999) xuống còn 24 trên 1000 trẻ đẻ sống (năm 2009). Trẻ dưới 1 tuổi tử vong giảm từ tỷ lệ 18,3/1000 xuống 9,4/1000.

Quốc tế cũng thế, ví dụ, tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong ở cuối thời nữ hoàng Victoria rất cao, cứ 10 trẻ sơ sinh thì chỉ có 2 trẻ sống sót được đến năm 2 tuổi.

Vài con số để chứng minh rằng không phải vì thời xưa an toàn nên bố mẹ mới dám thả cho trẻ con tự lập.

Nhà báo Thu Hà: Vì sao bố mẹ lại tước đoạt QUYỀN ĐƯỢC SAI LẦM, quyền được đứt tay, quyền ngã xe, quyền đi lạc, và cả quyền bị lừa… của trẻ con?-1

Các bố các mẹ lại sẽ bảo: "Để nó tự đi học, tự đi thi thì rủi lỡ bị té xe, bị quên đồ dùng, bị trễ giờ... thì sao?"

Thì sao? Chàng Mộc, con của bạn tôi học lớp 3 đã tự đi bộ đi học mỗi ngày mấy cây số giữa Hà Nội xe đông như nêm. Lên lớp 5, chuyển nhà cách trường 5km, thì chàng tự đi xe buýt. Tất nhiên là bà mẹ không phải bỏ con cái bụp ra đường, cô ấy tập dần cho con đi từng quãng ngắn, đi cùng mẹ, rồi đi cách mẹ một quãng, rồi dần dần tự đi, mẹ bí mật đi theo sau suốt cả tuần. Mộc có bao giờ bị lạc không? Có. Có mất đồ không? Có. Có mất vé xe không? Có!

Xu Sim nhà tôi cũng thế, Sim lớp 2, Xu lớp 3, tự nấu cơm, nấu thức ăn, ăn xong tự dọn, tự rửa, tự trông nhà... Cũng sai sót đầy ra, cơm sống, canh mặn, trứng cháy, chén đĩa bể... Hôm rồi hai đứa ngồi cuốn chả giò, cái to cái nhỏ, cái méo cái tròn, và rất nhiều cái phải lót tới hai lớp vỏ bánh.

Thì sao chứ? To thì ăn nhanh no, nhỏ thì ăn gọn, và hai lớp bánh thì càng giòn chứ sao.

Sao lại tước đoạt QUYỀN ĐƯỢC SAI LẦM, quyền được làm bể chén đĩa, quyền được đứt tay, quyền ngã xe, quyền đi lạc, và cả quyền bị lừa… của trẻ con?

Trẻ con lớn lên bằng quá trình thử và sai. Không làm sai thì biết thế nào là đúng? Không phải trả giá thì kinh nghiệm mãi mãi là của người khác, chẳng bao giờ biến thành của bản thân mình.

"Con chỉ cần học thôi, mọi thứ để đó mẹ lo" là một câu nói rất quen thuộc trong nhiều gia đình. Thế rồi tới khi con đậu đại học, thì lại muốn ngay lập tức con phải khéo léo, phải chăm chỉ việc nhà như một phép màu. Rồi bố mẹ lại đau đớn "không hiểu tại sao nó vụng về thế, nó ích kỷ thế. Mình đau lưng muốn sụm lưng, mà nó ngồi trên ghế, điềm nhiên co chân lên để mình lau nhà. Mình ốm nằm bẹp một chỗ, mà nó chả nấu cho mình lấy một chén cháo!".

Nhà báo Thu Hà: Vì sao bố mẹ lại tước đoạt QUYỀN ĐƯỢC SAI LẦM, quyền được đứt tay, quyền ngã xe, quyền đi lạc, và cả quyền bị lừa… của trẻ con?-2

Nhiều bạn học giỏi, kiếm được học bổng du học, mà cơm không biết nấu, ăn không biết dọn, tới ở nhờ nhà ai một thời gian cũng bị đuổi. Có bé phải khóc ròng xách vali về nước vì không thể tự lập ở một đất nước phương Tây xa lạ.

Theo một thống kê của Israel, tỷ lệ thất nghiệp của những đứa trẻ không biết làm việc nhà gấp 15 lần những đứa trẻ biết làm việc nhà. Còn những đứa trẻ biết làm việc nhà thu nhập bình quân gấp 20 lần những đứa trẻ không biết làm việc nhà.

Đó là chưa kể có bạn giỏi chuyên môn, giỏi ngoại ngữ, được tuyển dụng, nhưng đi làm lúc nào cũng chán vì không thể hòa nhập, không có bạn thân, chỉ vì nhạt. Nếu con bạn chưa từng bao giờ bị đi lạc, chưa từng đứt tay, sứt chân vì một sự cố nào. Kính thưa là rất nhiều phần trăm có nguy cơ nhạt đấy ạ!

Trải qua những sự cố lo lắng thắt tim, bị phạt méo cả mặt, hay bị những cú lừa điêu đứng... Đau đớn đấy, nhưng nó làm con bạn trưởng thành và thú vị.

Thì suy cho cùng, mọi kiến thức con đang học, tất cả các lớp toán, lý, Anh văn, nhạc họa... bạn đang đầu tư cho con, cũng chỉ với một mục đích là để sau này CON CÓ THỂ TỰ SỐNG MỘT MÌNH mà thôi.

Vậy tại sao lại cứ bó chân bó tay con, úm con trong vòng tay của mình, không cho con tự lập ngay và luôn, nhỉ?
 


Theo Trí Thức Trẻ


làm cha mẹ

Dạy con

nhà báo Thu Hà

Nuôi Dạy Con


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.