Cô giáo mầm non suýt nghỉ việc sau buổi đầu tiên vì không dỗ được trẻ con nín khóc

Những dòng tâm sự của một cô giáo mầm non đã khiến không ít người phải suy ngẫm về những góc khác trong nghề nuôi dạy trẻ.

Những dòng tâm sự của một cô giáo mầm non đã khiến không ít người phải suy ngẫm về những góc khác trong nghề nuôi dạy trẻ.

Là giáo viên một trường mầm non ở Thanh Hóa, Nguyễn Thị Hậu (SN 1995) đã chia sẻ rằng chọn nghề nuôi dạy trẻ vì nghĩ sẽ rất vui khi được chơi với trẻ con. Tuy nhiên, sau 1 năm theo nghề, cô nhận ra có quá nhiều áp lực đối với công việc này.

"Ngày đầu tiên nhận trường, nhận lớp, tôi đã ngồi gục xuống khóc nức nở và suýt nữa thì tính chuyện bỏ nghề vì không thể nào dỗ cho trẻ nín khóc được. Thời điểm đó tôi đã sút mất 3kg, đi làm về đến nhà là chỉ muốn lao ngay vào buồng tắm để xả hết mồ hôi, thức ăn nôn ói của trẻ suốt một ngày dài đằng đẵng.

Nhớ lại khoảng thời gian đầu, tôi tự hỏi bản thân sao lúc đó mạnh mẽ thế, trâu bò thế. Suốt ngày tôi chỉ nghe tiếng khóc gọi "mẹ ơi" của cả gần 40 trẻ, khiến cả trong giấc mơ của tôi cũng có tiếng khóc òa của các bé", cô giáo trẻ mở đầu cuộc trò chuyện.

Cô giáo mầm non suýt nghỉ việc sau buổi đầu tiên vì không dỗ được trẻ con nín khóc - Ảnh 1.

Cô giáo trẻ đã suýt nghỉ việc ngay buổi dạy đầu tiên vì không thể dỗ trẻ nín khóc.

Hậu tâm sự, có rất nhiều người hỏi cô rằng "Cô giáo mầm non gì mà học tận 2 – 3 năm thế? Dạy trẻ con mà phải dạy lắm thế cơ à?", "Dạy trẻ con thì đơn giản thôi mà?"…Thế nhưng có trực tiếp dạy dỗ các bé mới thấu hiểu hết những gì giáo viên mầm non trải qua mỗi ngày.

Theo đó, Hậu được học về đặc điểm phát triển tâm lí của từng độ tuổi, đặc điểm phát triển nhận thức từng độ tuổi, tất tật những gì liên quan đến độ tuổi mầm non. Cô được học cách soạn giáo án, học cách lên một tiết học như thế nào để thu hút trẻ.

Có người thắc mắc, trẻ mầm non thì học gì ngoài múa hát và chơi? Thế nhưng, Hậu chia sẻ rằng trẻ em lứa tuổi mầm non cũng có thời khóa biểu rõ ràng: thứ 2 - văn học, thứ 3 - môi trường xung quanh, thứ 4 - làm quen với toán, thứ 5 - giáo dục thể chất, thứ 6 - tạo hình. Mỗi tuần 5 tiết học, Hậu phải nghĩ ra 5 cách gây hứng thú để mở đầu tiết học cho trẻ.

Cô giáo mầm non suýt nghỉ việc sau buổi đầu tiên vì không dỗ được trẻ con nín khóc - Ảnh 2.

Công việc của một giáo viên mầm non không hề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ.

Rồi Hậu cũng được "người đời" bảo rằng, làm giáo viên mầm non chắc chắn rất nhàn hạ. Thế nhưng cô cũng thẳng thắn phản pháo lại, công việc nuôi dạy trẻ không hề nhàn như người ta vẫn nói. Mỗi ngày, Hậu bắt đầu đi làm từ 6h30 đến 16h30, tức là 10 tiếng/ngày. 

Trong khi các bậc phụ huynh đưa con đến trường rồi mới bắt đầu đi làm thì Hậu đã tới lớp để đón trẻ, chiều về khi phụ huynh đã xong công việc và đi đón trẻ thì lúc đó Hậu vẫn đang làm việc.

Từ một con người vụng về, không mấy nhẹ nhàng, Hậu đã thay đổi vì tính chất công việc: phải điềm tĩnh, kiên nhẫn cộng với hồn nhiên với học trò của mình, phải lịch sự, nhã nhặn, niềm nở với phụ huynh.

Cô giáo mầm non suýt nghỉ việc sau buổi đầu tiên vì không dỗ được trẻ con nín khóc - Ảnh 3.

Cô giáo trẻ cũng gặp đủ những tình huống dở khóc dở cười.

"Tôi lúc nào cũng phải trong tình thế theo dõi từng hành động, cử chỉ của trẻ, không cho trẻ đánh nhau hay té ngã. Tôi còn nhớ có lần, một phụ huynh mang trẻ tới, không hỏi han gì mà đã chửi té tát vào mặt chúng tôi, bảo các cô trông trẻ kiểu gì mà để cháu bị trầy xước ở mặt thế này.

Lúc đó tôi hoang mang lắm, chờ phụ huynh lấy lại bình tĩnh thì mới giải thích rằng vết xước trên mặt cháu không hề có khi trên lớp, tôi quan sát và theo dõi rất kỹ, cháu không hề có xô xát gì với các bạn hay bị té ngã.

Thế nhưng phụ huynh vẫn một mực là do cô giáo quán xuyến trẻ không tốt. Tôi quay sang hỏi cháu rằng ai đã làm con bị đau như vậy? Thì cháu đã trả lời rằng do hôm qua đi học về với anh trai, anh trai làm bị ngã. Lúc này phụ huynh mới té ngửa vì đã trách nhầm giáo viên.

Công việc của chúng tôi vậy đấy, gặp được phụ huynh dễ tính, tâm lí thì cô cũng thoải mái. Còn có những phụ huynh nóng tính, đôi khi chưa rõ sự việc mà đã đe dọa chửi mắng giáo viên, khiến chúng tôi cảm thấy bị xúc phạm".

Rồi nhiều người lại quả quyết, là giáo viên mầm non thì có làm gì đâu mà vất vả, làm gì phải dự giờ thao giảng như các bậc học khác. Thế nhưng Hậu chia sẻ, cô cũng có một tiết dự giờ/tháng, rồi còn tham gia giáo viên dạy giỏi. Để hoàn thành tốt thì cô cũng phải làm tốt giáo án, có đầy đủ đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho tiết học đó.

"Có những hôm tôi bỏ cả bữa cơm tối cùng gia đình để đi làm đồ dùng, đồ chơi chuẩn bị cho tiết học thao giảng đó. Rồi còn thức khuya làm giáo án sao cho đầy đủ mà phù hợp".

Ngoài ra, Hậu hàng ngày phải sử dụng sổ điểm danh, sợ ghi nhật kí lớp. Quản lí 80 quyển vở bài tập của 40 trẻ, đảm bảo các trẻ làm bài tập đúng và đủ, viết 40 quyển bé chăm ngoan, 40 quyển sổ khám sức khỏe, chấm 40 tờ biểu đồ vào tháng cân đo theo quy định, hàng tháng phải tính phần trăm để theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ.

Cô giáo mầm non suýt nghỉ việc sau buổi đầu tiên vì không dỗ được trẻ con nín khóc - Ảnh 4.

Dù công việc vất vả, lương thấp nhưng Hậu lại tâm sự, bản thân cô đã dần quen và yêu thích với nghề nuôi dạy trẻ

Công việc vất vả, áp lực nhưng tiền lương lại thấp. Hậu là giáo viên hợp đồng, mỗi năm được lấy lương 2 lần thế nên cũng gặp khó khăn về tài chính vì không có tiền chi tiêu cho các sinh hoạt mỗi ngày.

Thế nhưng vì đã gắn bó với nghề, Hậu dường như coi những áp lực, những góc khác của nghề nuôi dạy trẻ là điều cần phải vượt qua. Cô giáo trẻ cho rằng, những trải nghiệm với công việc này đã mang đến cho cô nhiều điều quý báu, là động lực để cô tiếp tục phấn đấu.

"Người ta bảo nghề giáo là nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề. Tôi thì cho rằng nghề nào cũng cao quý cả, mỗi ngành nghề có những niềm vui, nỗi buồn và sự vất vả riêng mà chỉ người trong nghề mới thấu hiểu. Bỗng dưng lại yêu thích cái nghề mình đến lạ, dẫu là có nước mắt, dẫu là có nụ cười thì vẫn yêu tha thiết con đường mình đang đi".

Theo Trí thức trẻ


cô giáo mầm non


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.