Sắp qua thời người Việt phải đi ô tô cũ giá cao

Người tiêu dùng Việt Nam lâu nay phải chịu thiệt thòi lớn khi mua những chiếc ô tô có chất lượng thấp, mẫu cũ, công nghệ lạc hậu với giá đắt đỏ.

Người tiêu dùng Việt Nam lâu nay phải chịu thiệt thòi lớn khi mua những chiếc ô tô có chất lượng thấp, mẫu cũ, công nghệ lạc hậu với giá đắt đỏ. 

Xe kém, "giá chát"

Theo một nhà báo có thâm niên trên 10 năm viết về ô tô, xe máy thì phần lớn các mẫu ô tô ở Việt Nam thường lạc hậu hơn 2-3 năm so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, như Thái Lan, Indonesia… Thậm chí, có những xe lạc hậu đến hơn 5 năm.
       
Ông Nguyễn Minh Đồng, cựu chuyên gia thiết kế máy ô tô của hãng Volkswagen (CHLB Đức) cho rằng, kỹ thuật sản xuất ô tô được các doanh nghiệp sử dụng tại Việt Nam là của 30 năm về trước. Kỹ thuật này chỉ có thể tạo ra những chiếc xe rất bình thường, hàm lượng công nghệ thấp.
 
Còn theo ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Phúc An, một người đã từng kinh doanh ô tô nhập khẩu nhiều năm, những chiếc xe lắp ráp trong nước, đặc biệt là giai đoạn từ 20 năm trước đến cách đây vài năm, thường bị người tiêu dùng chê và cho rằng kém xa xe nhập khẩu như khả năng cách âm, cảm giác lái...

Tình trạng phổ biến nhất là động cơ ô tô. Các hãng liên tục cập nhật, đưa tính năng công nghệ mới vào động cơ, nhưng đấy là ở nước ngoài. Người tiêu dùng Việt Nam vẫn phải dùng động cơ cũ, chưa được cập nhật công nghệ, tính năng mới.

Cảnh sát giao thông đẩy chiếc ô tô cũ chết máy trên đường để tránh ách tắc giao thông.

Cùng với đó là trang bị nghèo nàn. Trong khi các mẫu ô tô trên thế giới thay đổi nhanh, tích hợp ngày càng nhiều những công nghệ mới thì tại Việt Nam, vẫn là xe thế hệ cũ.

Đấy là chưa kể những công nghệ cao khác như hỗ trợ phanh, cảnh báo va chạm hay hỗ trợ đỗ xe, hỗ trợ xuống dốc… rất ít mẫu xe lắp ráp trong nước có. Hầu  hết vẫn là những chiếc xe giản đơn, chỉ đáp ứng cho nhu cầu tối thiểu, dùng để đi lại, chứ không mang tới sự hứng khởi và cảm giác được tận hưởng, dành cho những người đi trên xe.

Bao lâu nay, người tiêu dùng Việt Nam, đã phải chịu thiệt thòi, khi có thu nhập thấp, lại phải chi trả số tiền “rất chát” để mua 1 chiếc xe cùng loại, nhưng “đát cũ hơn” so với ở nước khác, ông Tuấn nhận xét.

Xe lắp ráp đã vậy, xe nhập khẩu nguyên chiếc cũng không hơn. Kể từ khi nhập khẩu ô tô phải có Giấy ủy quyền chính hãng vào năm 2011 thì nhiều mẫu xe nhập về được cho là thụt lùi. Nhiều tính năng hiện đại bị cắt bỏ không thương tiếc, trong khi giá bán tăng cao ngất ngưởng.

Điều này đã làm nảy sinh nghịch lý là không ít khách hàng phải đặt các doanh nghiệp thương mại, nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng ở nước ngoài. Những chiếc xe cũ này về Việt Nam có giá bán cao hơn xe mới nhập khẩu nguyên chiếc, cùng loại tới 20%, nhưng người ta vẫn thích, bởi cấu hình của nó hơn hẳn.

Chẳng hạn, nhiều chiếc xe cũ nhập về, có trang bị phanh khoảng cách, nếu thấy chướng ngại vật, người lái không phản ứng, thì xe sẽ tự động phanh. Nội thất xe với những vật liệu như da, gỗ, nhựa đều rất cao cấp, nhiều xe có cả ngăn lạnh...

Hai người đi xe máy đẩy chiếc ô tô 7 chỗ chết máy trên đường phố Sài Gòn.

Niềm hy vọng mang tên Vinfast

Ước mơ về 1 chiếc xe hơi chất lượng tốt, giá phải chăng của người Việt mấy chục năm nay vẫn còn nguyên vẹn. Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ khi nào người Việt Nam làm chủ công nghệ sản xuất ô tô, tạo ra những chiếc xe thương hiệu riêng, có giá bán cạnh tranh và chất lượng tốt thì người tiêu dùng mới được hưởng lợi.

Chính vì vậy, câu chuyện Tập đoàn Vingroup quyết định đầu tư vào sản xuất ô tô trong nước đã tạo ra sự quan tâm lớn. Đầu tư số vốn lên tới 3,5 tỷ USD, Vingroup cho biết, sẽ sản xuất ô tô thương hiệu Việt (Vinfast) , bằng công nghệ hiện đại nhất trên thế giới. Vingroup đã thuê hẳn 4 nhà thiết kế ô tô hàng đầu thế giới, tạo ra những mẫu xe mới hoàn toàn, phù hợp với thị hiếu của người Việt Nam. Lần đầu tiên, có doanh nghiệp đưa ra tới 20 mẫu xe thiết kế riêng, lấy ý kiến rộng rãi người tiêu dùng cả nước.

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết, Vingroup quyết định đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô nhằm mở ra cơ hội sở hữu ô tô với chi phí phù hợp cho người tiêu dùng trong nước. Đồng thời, từng bước giành thế tự chủ và chủ động về công nghiệp ô tô, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia.

“Chúng tôi quyết tâm dùng mọi nguồn lực, xây dựng bằng được một thương hiệu ô tô Việt Nam, có đẳng cấp và được công nhận trên thị trường quốc tế”, ông Quang khẳng định.

Như vậy, theo giới chuyên gia kinh tế, giờ đây ngành công nghiệp ô tô trông chờ vào 3 doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là Vingroup. Còn người tiêu dùng ở gần hơn bao giờ hết ước mơ sở hữu ô tô thương hiệu Việt đẳng cấp quốc tế.

Ước mơ này càng được củng cố khi Phó Chủ tịch Vingroup Nguyễn Việt Quang chia sẻ: “Chúng tôi tin tưởng sẽ làm được những chiếc xe như các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc đã làm. Khi đó, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ phát triển, người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng lợi”.

“Dễ nhận thấy là người tiêu dùng sẽ được lựa chọn mẫu ô tô mới nhất, thời thượng nhất, thậm chí là có thể được lựa chọn sớm hơn khách hàng ở các quốc gia khác. Tuy còn 2 năm nữa xe thương hiệu Việt mới xuất xưởng nhưng với việc đi thẳng vào công nghệ hiện đại, trọng tâm là sản xuất ô tô điện, với cách làm và uy tín của Vingroup, người tiêu dùng có quyền hy vọng được sở hữu xe ngon giá tốt”, nhà báo với trên 10 năm chuyên theo dõi về ô tô nói. 

Cũng theo nhà báo này, sự xuất hiện của ô tô thương hiệu Việt sẽ tăng cạnh tranh khiến các hãng ô tô danh tiếng phải thay đổi, cập nhật hơn về mẫu mã, công nghệ và giá xe ở Việt Nam. Và như vậy, người tiêu dùng là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên, sau đó đến chuỗi công nghiệp phụ trợ trong nước và cuối cùng là hiệu ứng lan tỏa tích cực cho cả nền kinh tế.

Minh Tuấn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.