Tẩy chay hay trò "ném đá giấu tay" ở showbiz Việt

Hồ Ngọc Hà bị lập một fanpage “Hội tẩy chay Hà Hồ” sau một nghi án tình cảm.

Hồ Ngọc Hà bị lập một fanpage “Hội tẩy chay Hà Hồ” sau một nghi án tình cảm. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, nghệ sĩ hài Hoài Linh bị “mượn danh” trên mạng xã hội để đưa thông tin xấu, kêu gọi tẩy chay làm ảnh hưởng tới uy tín một doanh nghiệp đang làm ăn trên địa bàn TPHCM.

Những trường hợp trên giống nhau ở một điểm là được thực hiện một cách bài bản, có lớp lang. Phải chăng đang có một chiến dịch mượn “mạng xã hội”, tấn công vào những nhân vật nổi tiếng trong giới giải trí chỉ để nhằm mục đích: đánh vào thương hiệu hay một doanh nghiệp theo kiểu “ném đá giấu tay”.

Trào lưu tẩy chay

Hội tẩy chay hãng hàng không A, Hội tẩy chay nước uống của hãng T, Hội tẩy chay hãng xe máy X làm giá… Có hàng ngàn fangape tương tự trên mạng xã hội tạo ra trào lưu tẩy chay.

3 nghệ sĩ là nạn nhân của trò "tẩy chay". Nếu nghệ sĩ Hoài Linh và Đàm Vĩnh Hưng bị giả mạo facebook để tẩy chay doanh nghiệp bất động sản, thì Hồ Ngọc Hà bị mượn scandal tình ái để tẩy chay những nhãn hàng mà cô làm đại diện.

 Trong câu chuyện Hồ Ngọc Hà bị kêu gọi “tẩy chay” trên mạng xã hội, thực tế nhằm vào cá nhân Hồ Ngọc Hà thì ít mà đích nhắm chủ yếu là những thương hiệu, sản phẩm mà Hà Hồ đại diện hình ảnh hoặc đóng quảng cáo. “Mua hàng khác không có Hà Hồ”, “Mua một món hàng của hãng X là bạn đã làm giàu cho kẻ chuyên đi phá vỡ hạnh phúc của gia đình khác”, “Mua hàng tránh mác Hà Hồ”… là những “tuyên bố” trong fangage tẩy chay Hồ Ngọc Hà. Lý lẽ của những người tẩy chay rất đơn giản thế này: Hà Hồ “giật chồng” người khác, nghĩa là cố ấy thiếu đạo đức “!?”, không thể trở thành người đại diện nhãn hàng, vì thế tẩy chay Hà Hồ là phải tẩy chay cả những sản phẩm cô quảng cáo, đại diện.

Như thế là đủ biết thực chất và mục đích của cái gọi là “tẩy chay Hà Hồ” ở đây là gì. Khoan nói chuyện riêng của Hà Hồ, cô đúng hay sai. Nhưng có một thực tế là khi trở thành người nổi tiếng, được công chúng quan tâm thì việc tự bảo vệ hình ảnh cá nhân đồng nghĩa với việc bảo vệ thương hiệu mình đại diện.

Ca sĩ Hồ Ngọc Hà.  ẢNH: T.L 

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đã có lần chia sẻ rằng anh từng gặp những trường hợp oái oăm khi diễn viên phải “giằng xé” giữa vai diễn và hợp đồng quảng cáo. Chẳng hạn với Tăng Thanh Hà, sau thành công của “Bỗng dưng muốn khóc” đã “đóng đinh” với hình ảnh Ngọc Nữ ngoan hiền. Bản thân Hà Tăng cũng luôn muốn giữ hình ảnh này để…lấy quảng cáo. Điều này khiến vai diễn của Hà Tăng một màu vả cũng dẫn đến thất bại của “Đẹp từng centimet”. Hoặc có những diễn viên phải hy sinh, chẳng hạn như Minh Hằng, để vào vai giả nam trong “Vừa đi vừa khóc”, Minh Hằng phải cắt ngắn tóc, đồng nghĩa với việc “cắt” luôn hợp đồng quảng cáo với một hãng sản xuất dầu gội mà giá trị của hợp đồng ấy lên tới 55.000USD.

Chuyện ngôi sao dính scandal và bị cắt hợp đồng quảng cáo không phải là hiếm. Trong các hợp đồng quảng cáo bao giờ cũng có điều khoản ngôi sao phải đảm bảo uy tín để không ảnh hưởng đến thương hiệu mình đại diện Nhưng ở đây có lẽ là câu chuyện khác: lợi dụng scandal của người đại diện nhằm hạ thấp uy tín một thương hiệu.

Ném đá giấu tay

Chuyện Đàm Vĩnh Hưng hay Hoài Linh bị “mượn danh” là trò ném đá giấu tay rõ ràng. Với câu chuyện của Hồ Ngọc Hà cũng vậy.

Luật bảo vệ người tiêu dùng cho phép mỗi người có quyền lựa chọn tổ chức, cá nhân kinh doanh và dịch vụ, có quyền lựa chọn sản phẩm hàng hóa nên việc “tẩy chay” không mua, không sử dụng một sản phẩm nào đó nằm trong quyền được pháp luật cho phép. Tuy nhiên theo phân tích của những chuyên gia phát triển thương hiệu thì: “Trong một thế giới phẳng với ảnh hượng rất mạnh từ mạng xã hội hiện nay thì không loại trừ việc lập ra những fanpage kêu gọi tẩy chay lại chính là những “trò bẩn” của đối thủ cạnh tranh nhằm tranh thủ nói xấu, bôi nhọ lẫn nhau. Đây đang là một “công cụ” khi pháp luật chưa xử lý triệt để.

Trên thực tế, luật cạnh tranh cũng đã có những quy định khá rõ nét về các hành vi “gièm pha, gây rối” với doanh nghiệp khác. Điều 43- Luật cạnh tranh: “Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó”. Điều 44: “Cấm doanh nghiệp gây rối hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó”. Vấn đề là, việc xác định “ai” đứng đằng sau những fanpage kia lại cực khó để xử lý theo luật.

Từ việc tẩy chay Hà Hồ cho đến nhắm thẳng vào những nhãn hàng cô làm đại diện hình ảnh là một trò bẩn dựa trên sức mạnh lan tỏa của cộng đồng mạng.

Theo Châu An (Lao Động)



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.