Xin giới thiệu một số món cháo, canh thuốc giúp các bạn có một vóc dáng cân đối, lại có lợi cho sức khỏe.
1. Cháo bí xanh: bí xanh tươi cả vỏ 100 g, gạo tẻ 50 g. Bí xanh thái thành miếng nhỏ, cho cùng gạo đã vo sạch vào nồi, đổ nước vừa đủ, ninh nhừ thành cháo.
Ngày ăn 2-3 lần lúc nóng. Người tỳ thận hư hàn, đái dầm không dùng. Tác dụng: lợi tiểu tiêu thũng thanh nhiệt độc, hết khát, chữa các chứng phù nề, béo phì, trẻ sốt mùa hè, tiêu khát, nước tiểu ít và đỏ.
2. Cháo đậu đỏ: đậu đỏ 100 g, gạo tẻ 100 g. Đem đậu đỏ ngâm trong nước từ 2-3 giờ, đổ vào nồi, thêm nước ninh nhừ đậu, rồi đổ gạo đã vo sạch vào ninh tiếp.
Tác dụng: thanh nhiệt khử độc giải thấp, chữa béo phì, chân tay phù thũng.
3. Cháo bạch phục linh: bột bạch phục linh 15 g, gạo tẻ 100 g, bột ngọt muối tinh, hạt tiêu vừa đủ. Gạo vo sạch cho vào nồi, cho bột phục linh và nước vừa đủ, đun to lửa cho sôi, sau chuyển nhỏ lửa ninh nhừ, cho muối, bột ngọt, bột hồ tiêu là được.
Ăn nóng vào buổi tối và sáng. Người âm hư, người già lòi dom và tiểu tiện nhiều không dùng. Tác dụng: kiện tỳ ích vị lợi thũng, chữa tiểu tiện khó, béo phì.
4. Cháo lá sen: lá sen 50 g, đường trắng 30 g, gạo tẻ 150 g. Lá sen rửa sạch, cắt bỏ cuống và viền quanh. Gạo vo sạch cho vào nồi, đổ nước vừa đủ.
Đem lá sen đậy lên trên gạo, đun to lửa cho sôi, sau đun nhỏ lửa ninh nhừ thành cháo, lột bỏ lá sen, cho đường trắng vào quấy đều là được. Chia ăn vài lần trong ngày. Tác dụng: thanh khử lợi thấp chỉ huyết, hạ huyết áp, trị béo phì, phù thũng.
5. Cháo hạt muồng: hạt muồng 15 g, sơn tra 50 g, hoa cúc trắng 10 g, gạo tẻ 100 g, đường trắng đủ dùng. Hạt muồng và hoa cúc bạch cho vào nồi, đổ nước vừa đủ ninh 2 lần, lọc lấy nước thuốc, cho gạo đã vo sạch, sơn tra đã bỏ hạt vào nấu thành cháo rồi cho đường vào là được.
Ngày chia ăn vài lần trong ngày. Tác dụng: thanh nhiệt giảm mỡ, sáng mắt, chữa béo bệu.
6. Cháo sơn tra: sơn tra 50 g, gạo tẻ 100 g. Sơn tra rửa sạch cho vào nồi, sắc lấy nước, lọc bỏ bã, cho gạo đã vo sạch vào cùng với đường, thêm ít nước ninh nhừ thành cháo.
Ngày dùng 1 liều chia 2 bữa sáng và chiều, từ 7-10 ngày là 1 liệu trình, không nên ăn lúc đói ngấu. Tác dụng: kiện tỳ vị, tiêu thức ăn, trị béo phì, ăn không tiêu, tăng huyết áp.
7. Canh ý dĩ nhân nấu bí xanh: bí xanh 500 g, ý dĩ nhân ngâm nở 100 g, gừng 10 g, hành củ 3 g, hành lá 7 g, rượu 5 g, muối 2 g, mỡ gà 10 g, bột ngọt một ít. Bí gọt vỏ rửa sạch thái miếng, gừng rửa sạch đập dập, ý dĩ rửa sạch, hành rửa sạch bó lại. Bắc nồi lên bếp, cho nước đun sôi thì cho bí, ý dĩ nhân, hành, rượu vào nấu chín thì vớt hành, gừng, cho mỡ gà, muối, bột ngọt, hành hoa. Ăn bí uống canh. Tác dụng: thanh nhiệt lợi thủy, kiện tỳ, giảm béo, chữa béo phì thủy thũng, tiểu tiện bất lợi.
8. Canh gà nấu bí xanh: thịt gà 300 g, bí xanh 500 g, đảng sâm 10 g, ý dĩ nhân 20 g, gừng 6 g, hành 10 g, muối 4 g, bột ngọt 2 g. Đảng sâm sấy tán bột, ý dĩ xát vỏ rửa sạch, thịt gà rửa sạch, bí gọt vỏ rửa sạch thái nhỏ. Bắc nồi lên bếp, cho nước vừa đủ đun to lửa cho sôi, cho thịt gà, nấu sôi hớt bọt, cho ý dĩ, gừng, hành củ, khi thịt chín nhừ cho bí xanh, đảng sâm, ninh chín nhừ cho gia vị là được. Ăn kèm trong bữa. Tác dụng: bổ trung ích khí, kiện tỳ lợi thấp tiêu thũng, trị béo phì thể hư, tỳ vị hư nhược, ăn kém mệt mỏi, chân tay mặt phù thũng.
Theo Sức khỏe & Đời sống