Bác sĩ Bệnh viện K chia sẻ các dấu hiệu "vàng" cảnh báo bệnh ung thư gan

Ung thư gan là 1 trong 3 bệnh ung thư phổ biến ở Việt Nam và bệnh có tỷ lệ tử vong cao hơn so với các bệnh ung thư khác. Việc khám và phát hiện bệnh sớm vô cùng quan trọng.

Ung thư gan là 1 trong 3 bệnh ung thư phổ biến ở Việt Nam và bệnh có tỷ lệ tử vong cao hơn so với các bệnh ung thư khác. Việc khám và phát hiện bệnh sớm vô cùng quan trọng.

 ung thư gan từ viêm gan

Mới đây, ông T.V.T 67 tuổi trú tại Tuyên Quang đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương khám trong tình trạng đau tức vùng thượng vị, bụng trướng, ấn có khối cứng, chắc, đau kèm theo dạ sạm đen, gầy yếu.

Ông T cho biết ông bị đau vùng thượng vị khoảng 5 tháng nay, ăn uống kém, gầy sút 8kg, người mệt mỏi. Người nhà đã đưa ông đi khám nhưng không rõ bệnh, về nhà duy trì uống thuốc nam liên tục, tuy nhiên tình trạng không thuyên giảm nên mới đến bệnh viện khám lại.

Bệnh nhân được chỉ định cận lâm sàng cần thiết, kết quả chụp CT ổ bụng cho thấy hình ảnh gan có kích thước to, bờ không đều, gan trái phì đại, nhu mô gan trái có khối tổn thương lớn, phát triển lan rộng kích thước 18,5 x 11cm, nốt ngoại vi HPT VI trên xơ gan, huyết khối tĩnh mạch cửa nhánh trái và nhánh chính.

Qua các kết quả cận lâm sàng các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư biểu mô tế bào gan, huyết khối tĩnh mạch cửa nhánh trái và nhánh giữa.

Theo bác sỹ trực tiếp thăm khám và điều trị, ông T đến bệnh viện thăm khám khi gan đã có tổn thương rất lớn, nguyên nhân chính là do nhiễm virus viêm gan C nhưng không được phát hiện và điều trị sớm.

Trường hợp ông Đào Duy T. 61 tuổi, Hà Nam đến bệnh viện K khám trong tình trạng mệt mỏi, da vàng, sụt cân, đau bụng. Con trai ông T. cho biết, cha mình bị đau bụng, chán ăn, không đói nhiều tháng nay nhưng ông không chịu đến bệnh viện khám.

Đến khi con cái đi làm về thấy bố gầy, da vàng sạm, mệt mỏi, động viên mãi ông T mới chịu đi bệnh viện. Tại Bệnh viện tỉnh, bác sĩ nghi ngờ ung thư gan và giới thiệu lên tuyến trên kiểm tra.

Tại bệnh viện K bác sĩ làm xét nghiệm AFP và chụp CT ổ bụng phát hiện khối u ở gan. Qua các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán ông T bị ung thư gan.

Ông T cho biết, cách đây nhiều năm ông có bị viêm gan B và đã điều trị bằng thuốc nam khỏi bệnh và không đi kiểm tra lại nữa và không biết vi rút viêm gan đã âm thầm "ăn mòn" lá gan của mình.

Gan bị ung thư

Trao đổi với chúng tôi, TS Phạm Thế Anh – trưởng khoa Ngoại Gan mật tuỵ, Bệnh viện K trung ương cho biết, ung thư gan nguy hiểm thứ 3 trong số những bệnh ung thư thường gặp. Tuy nhiên, những dấu hiệu của bệnh thầm lặng và rất khó phát hiện. Người bệnh thường chủ quan ủ bệnh gây ra những biến chứng nghiêm trọng khi phát hiện bệnh quá muộn.

Hầu hết những người mắc ung thư gan đều bị bệnh gan mạn tính (tổn thương gan lâu dài gọi là xơ gan), gây sẹo xơ ở gan và làm tăng nguy cơ ung thư gan. Điều kiện gây xơ gan là viêm gan B, viêm gan C, nghiện rượu, nhiễm độc tố aflatoxin do nấm mốc,…

Tỷ lệ mắc ung thư gan đang gia tăng tại nhiều nước trong đó có Việt Nam do tăng tỷ lệ xơ gan do viêm gan B, C mạn tính và viêm gan nhiễm mỡ. Mặc dù hiện đã có vacxin nhưng do hiểu biết của người dân, đặc biệt ở vùng nông thôn và miền núi còn nhiều hạn chế nên không khám sức khỏe định kỳ, không tiêm phòng vacxin đầy đủ.

TS BS Phạm Thế Anh

Xơ gan do bất kỳ nguyên nhân nào là yếu tố nguy cơ gây ung thư gan. Các yếu tố nguy cơ ung thư gan trong xơ gan là: Nam giới, tuổi trên 55, chủng người Châu Á hoặc gốc Tây Ban Nha, có tiền sử gia đình có người mắc ung thư gan, béo phì, viêm gan B và C, nghiện rượu, bệnh ứ sắt ở gan (Hemochromatosis).

Những dấu hiệu vàng cần nhớ

Ung thư gan giai đoạn sớm ít có triệu chứng nên thường phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn khi đã có biến chứng. Ở giai đoạn sớm của ung thư có thể gặp các triệu chứng của viêm gan mạn tính hoặc xơ gan tiến triển:

+ Chán ăn

+ Đau, nặng tức vùng hạ sườn phải (HSP)

+ Trướng bụng.

+ Vàng da, củng mạc mắt,…

Trong giai đoạn muộn hơn của ung thư gan, các triệu chứng trên rõ ràng hơn, hoặc xuất hiện thêm các biến chứng của bệnh:

+ Sụt cân.

+ Buồn nôn, nôn.

+ Mệt mỏi.

+ Chán ăn.

+ Trướng bụng.

+ Đau, nặng tức vùng HSP.

+ Ngứa.

+ Vàng da, củng mạc mắt.

+ Đi ngoài phân trắng/bạc màu.

Cách tốt nhất để phát hiện ung thư gan là khám sức khỏe định kỳ có siêu âm gan ít nhất mỗi 6 tháng/lần đặc biệt là những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao (xơ gan, viêm gan mạn do rượu, viêm gan virus B, C,…). Khi nghi ngờ có ung thư gan, bác sĩ sẽ yêu cầu thêm những xét nghiệm, thăm dò để chẩn đoán.

Khi bệnh nhân được chẩn đoán bệnh ung thư gan, sẽ tuỳ từng giai đoạn bệnh bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị. Hiện nay, có thể điều trị bằng các phương pháp phẫu thuật, ghép gan, phá huỷ u tại chỗ, hoá trị, xạ trị, điều trị nhắm đích.

Bác sĩ Thế Anh cho biết bên cạnh phẫu thuật cắt gan, Khoa Ngoại Gan Mật Tụy cũng triển khai nhiều phương pháp điều trị u gan khác như thực hiện đốt u bằng sóng cao tần (RFA), nút hóa chất động mạch gan, đặc biệt một số bệnh nhân đươc nút tĩnh mạch cửa (PVE) làm phì đại gan sau đó phẫu thuật cắt bỏ u gan khi đủ điều kiện,…

Nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng nặng đã được điều trị một hoặc nhiều phương pháp phối hợp đã cho những kết quả điều trị khả quan.

Theo Trí thức trẻ


ung thư gan

viêm gan


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.