Đề nghị xử lý bác sĩ viết đơn thuốc chữ như 'giun dế quái đản'

"Thời buổi hiện đại mà bác sĩ vẫn kê đơn thuốc viết tay với chữ như "giun dế" đến quái đản, không ai dịch được thì không thể chấp nhận nổi", độc giả Minh Phạm gửi ý kiến về diễn đàn của VietNamNet.

LỜI TÒA SOẠN

Trong Thông tư 04/2022, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh phải thực hiện việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử, hoàn thành trước tháng 7/2023. Tuy nhiên, cơ quan này không nêu rõ yêu cầu khi nào phải xóa sổ đơn thuốc viết tay, vì thế hiện không ít cơ sở y tế từ tuyến trung ương tới xã, phường, y tế tư nhân, vẫn còn tình trạng đơn thuốc được bác sĩ kê bằng tay, thay vì in đơn điện tử. Đáng nói nhiều đơn thuốc khiến bệnh nhân, dược sĩ, thậm chí bác sĩ bị làm khó, "bó tay" vì… không dịch được chữ bác sĩ.

Cuối tháng 2 vừa qua, Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu rà soát, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời hành vi tiêu cực trong kê đơn, chỉ định kỹ thuật, dịch vụ y tế để lấy “hoa hồng”, gây phiền hà cho người bệnh nhằm trục lợi từ người bệnh và Quỹ BHYT.

Từ thực tế trải nghiệm đi khám chữa bệnh, nhiều độc giả gửi về VietNamNet nỗi bức xúc khi phải luận dịch chữ bác sĩ và những băn khoăn về việc vì sao vẫn còn tình trạng này trong khi nơi nơi đã ứng dụng chuyển đổi số. 

VietNamNet đăng tải các ý kiến thể hiện góc nhìn cá nhân độc giả qua diễn đàn "Khổ sở đi dịch chữ bác sĩ trên đơn thuốc viết tay".

Bài 1: Hành trình đi nhờ người dịch chữ bác sĩ trên đơn thuốc

Bài 2: Những đơn thuốc như 'vẽ giun ra giấy' không ai dịch nổi vì chữ bác sĩ quá xấu

Bài 3: 'Chữ bác sĩ trên đơn thuốc đến dược sĩ cũng phải đoán mò thì nguy hiểm quá'

Diễn đàn "Khổ sở đi dịch chữ bác sĩ trên đơn thuốc viết tay" của VietNamNet nhận được nhiều ý kiến của độc giả chia sẻ về những trải nghiệm khi đi khám chữa bệnh và nhận những đơn thuốc viết tay không thể dịch nổi. Nhiều độc giả cho rằng, việc bác sĩ (cố tình hay có thói quen) viết chữ khó đọc, khó dịch khi kê đơn thuốc là không thể chấp nhận hay thông cảm dù bất kỳ lý do gì.

"Đừng bao biện vì không có thời gian!"

Nhiều độc giả đặt nhiều giả thiết vì sao vẫn còn tình trạng bác sĩ thay vì in đơn thuốc, nhập lên hệ thống, lại thích kê đơn vào y bạ, đơn tay? Độc giả L.B cho rằng một số bác sĩ cố tình không cung cấp đơn thuốc in máy, thậm chí viết đơn thuốc khó đọc, để nhằm đạt được một số lợi ích cá nhân.

"Người nhà tôi có quầy thuốc tư nhân ở cổng viện ở gần phố Tràng Thi. Có những đơn chỉ những nhà thuốc quen biết bác sĩ, quen kiểu kê đơn của viện mới dịch được. Ngoài tình huống có một số loại thuốc viện chưa có nhưng vẫn tốt cho bệnh nhân, bác sĩ kê tay vào, thường những đơn thuốc có chữ viết tay của bác sĩ kê vào là một số loại thực phẩm chức năng vì những loại này bị cấm đưa vào đơn thuốc. Bác sĩ không muốn để lại bằng chứng trên hệ thống?", độc giả chia sẻ. 

Gay gắt hơn, độc giả Minh Phạm cho rằng các bệnh viện lớn đầu tư trang thiết bị, máy tính, máy in đến từng phòng khám theo yêu cầu, thậm chí nhiều nơi bàn khám, phòng khám bình thường cũng được trang bị để số hóa việc khám chữa bệnh.

"Bệnh nhân đi khám theo yêu cầu, nộp 300.000-500.000 đồng cho một lần khám vài phút để được nhận một đơn thuốc quái đản với chữ như "giun dế", chạy vài nơi vẫn không dịch nổi là điều không thể chấp nhận. Bác sĩ thích nhanh gọn, tiện lợi nhưng lại đẩy việc khó cho người khác, thách đố người bệnh tội nghiệp. Đừng bao biện rằng anh không có thời gian! Nếu người bán thuốc đọc sai đơn thì đi về đâu?", độc giả Minh Phạm bức xúc.

Đề nghị xử lý bác sĩ viết đơn thuốc chữ như giun dế quái đản-1
Không ít cơ sở y tế quyết tâm xóa sổ bệnh án giấy, đơn thuốc viết tay. Ảnh minh họa: Chí Hùng

Một độc giả khác cho rằng không ai bắt bác sĩ phải viết chữ đẹp hay nắn nót mất thời gian. "Nếu bác sĩ biết bản thân viết chữ xấu, khó đọc, không sửa nổi, vậy hãy đánh máy đi, in ra cho bệnh nhân, mẫu đơn thuốc có sẵn viện nào chẳng có. Việc ấy đâu có tốn thời gian?", độc giả này nêu ý kiến.

Đề nghị xử lý những đơn thuốc đánh đố với mạng sống bệnh nhân

Cuối tháng 2, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn có công văn gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và thuộc trường đại học; sở y tế 63 tỉnh, thành và y tế các Bộ, ngành liên quan việc tăng cường kiểm tra, giám sát kê đơn, chỉ định trong khám bệnh, điều trị cho người bệnh.

Trong đó, Bộ Y tế yêu cầu lãnh đạo các đơn vị chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ đúng quy định kê đơn thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh. Đồng thời, rà soát, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực trong kê đơn thuốc, chỉ định các kỹ thuật, dịch vụ y tế để lấy “hoa hồng”, gây phiền hà cho người bệnh nhằm trục lợi từ người bệnh cũng như Quỹ Bảo hiểm y tế.

Đề nghị xử lý bác sĩ viết đơn thuốc chữ như giun dế quái đản-2
Một đơn thuốc với 3 loại sản phẩm được viết tay thêm vào phần in máy, nhiều dược sĩ cho biết không dịch hết chính xác tên từng loại, "luận đoán" phần viết tay này có thể là các loại thực phẩm chức năng. Ảnh: BĐCC

Bạn đọc có tên "Vo Phong" đặt vấn đề "bác sĩ hay bệnh viện sai khi vẫn còn toa thuốc viết tay" trong khi độc giả Duy Nam đánh giá tình trạng viết tay đơn thuốc với chữ xấu "không phải là chuyện đùa mà rất nghiêm túc", là vấn đề tồn tại lâu năm nhưng chưa giải quyết triệt để.

Còn theo người đọc M.A, nhiều người coi chữ viết chỉ là vấn đề rất nhỏ, lặt vặt trong vô vàn những vấn đề của ngành y. Nhưng ngành y đang đổi mới từng ngày, bao nhiêu công nghệ, kỹ thuật ngang tầm thế giới được bác sĩ Việt Nam thực hiện, cớ sao điều nhỏ nhất là đơn thuốc vẫn chưa thể thay đổi? Độc giả này cho rằng bệnh viện nên giám sát, xử lý nêu gương việc bác sĩ cố tình hay có thói quen viết tay đơn thuốc (chưa kể là chữ rất xấu), nhằm ngăn chặn hành vi tiêu cực có thể xảy ra (như hưởng "hoa hồng").

"Nhiều người coi việc 'chữ bác sĩ xấu' là việc đương nhiên nên thầy thuốc không có động lực sửa. Nhưng xã hội phát triển, y tế huyện còn chuyển đổi số được, cớ sao vẫn chấp nhận một thứ lạc hậu là kê đơn thuốc bằng tay ở bệnh viện Trung ương? Cái gì có thể luận dịch được chứ riêng đơn thuốc không thể dịch, luận, đoán được. Đơn thuốc nguệch ngoạc sẽ đánh đố với mạng sống con người. Bệnh viện nào, bác sĩ nào còn để tình trạng này thì phải xử lý tận gốc", độc giả M.A nêu ý kiến.

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/de-nghi-xu-ly-bac-si-viet-don-thuoc-chu-nhu-giun-de-quai-dan-2260488.html

đơn thuốc


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.