Hiểm họa nhiễm độc từ hộp đựng thức ăn

Lo lắng chất lượng thực phẩm, nhiều người lại không cảnh giác với hộp đựng thức ăn. Trên thực tế, nhiều loại hộp nhựa, hộp xốp, đồ gốm sứ đựng thực phẩm cũng chứa chất gây tổn hại đến sức khỏe.

Lo lắng chất lượng thực phẩm, nhiều người lại không cảnh giác với hộp đựng thức ăn. Trên thực tế, nhiều loại hộp nhựa, hộp xốp, đồ gốm sứ đựng thực phẩm cũng chứa chất gây tổn hại đến sức khỏe.

Chất độc BPA từ hộp nhựa

Các loại nhựa sau một thời gian sử dụng và dùng chất tẩy rửa để làm sạch thường để lại vết trầy xước hay ngả màu. Đây không những là nơi tích tụ vi khuẩn, gây ra các triệu chứng như đau bụng, nhức đầu, ngộ độc... mà các hộp làm từ nhựa kém chất lượng còn sản sinh chất độc BPA (nguyên nhân dẫn đến các bệnh nguy hiểm như: tiểu đường, vô sinh, béo phì, ung thư... ).

Việc sử dụng hộp nhựa với sản phẩm đi kèm như hộp đựng kem, bình đựng nước ngọt, hộp đựng thức ăn chế biến sẵn... vẫn có nguy cơ bị nhiễm độc. Nhà sản xuất đã dùng nguyên liệu và áp dụng công nghệ cho loại nhựa sử dụng 1 lần, nên khi tái sử dụng ở nhiều nhiệt độ khác nhau sẽ sản sinh độc tố và gây hậu quả tương tự như việc sử dụng các loại hộp nhựa cũ, nhựa kém chất lượng.
 

 
Đặc biệt, thức ăn còn đang nóng không nên đựng trong hộp nhựa có mức chịu nhiệt thấp và đậy kín nắp vì có thể dẫn tới việc thực phẩm có mùi lạ, dễ bị ôi, thiu. Nguy hiểm hơn, khi ở trong môi trường nhiệt độ cao, hộp nhựa sẽ sản sinh độc tố BPA cao gấp nhiều lần so với điều kiện thường.

Theo thông tin của Tổ chức Green Guide (Mỹ), nhựa được phân loại theo mã xác định loại nhựa, được đánh số từ 1-7 để chỉ các loại nhựa khác nhau. Con số này được đặt bên trong biểu tượng hình tam giác, thường thấy dưới đáy hộp. Trong đó, có 2 loại an toàn để đựng thực phẩm là nhựa PP và Tritan. Nhựa PP (ký hiệu số 5) có màu hơi đục, khá dẻo; nhựa tritan (ký hiệu số 7 giống ký hiệu nhựa của PC) có độ trong suốt hơn nhựa PC, và có ký kiệu BPA free (không có BPA). “Người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng nhựa PC (cũng có ký hiệu số 7) vì đây là loại sản sinh chất độc BPA”, các chuyên gia khuyên.

PGS-TS. Nguyễn Hữu Hoan - Trung tâm phân tích và xử lý môi trường, Viện Hoá học Công nghệ, tư vấn: “Khi chọn mua những sản phẩm đựng thực phẩm bằng nhựa, nên chọn mặt hàng nhựa melamine. Đây là loại nhựa không ảnh hưởng đến sức khoẻ do có độ kháng nhiệt cao, không bị ăn mòn bởi dung môi hay dầu mỡ, không trầy xước, không mùi vị thực phẩm. Ngoài ra, không nên dùng loại hộp, tô bằng nhựa, xốp để chứa thực phẩm nóng hoặc nhiều dầu mỡ vì các chất độc trong loại nhựa này sẽ được phóng thích với tỷ lệ cao, gây tổn hại cho gan và nhiều bệnh khác”.

Không để thức ăn quá nóng trong hộp xốp

Mấy năm trước, thông tin hộp xốp đựng thức ăn có thể tiềm ẩn nguy cơ nhiễm độc khiến người tiêu dùng một thời gian đã tẩy chay loại hộp đựng này. Nhưng chỉ được một thời gian, hộp xốp vẫn tiếp tục được sử dụng khá rộng rãi vì giá thành rẻ. Người tiêu dùng hình như bỏ ngoài tai những khuyến cáo từ Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, tiếp tục coi thường sức khỏe của chính bản thân mình.
 
 
 
Theo ông Trần Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc, cho biết hộp xốp có thể bị ô nhiễm chì, cadmium nếu nguyên liệu sản xuất hộp không tinh khiết; nếu dùng không đúng cách có thể bị nhiễm styrene và ethylbenzene. Đây là những chất gây ngộ độc cho gan, gây hại cho sức khỏe.

Cũng theo ông Hùng, hộp xốp chỉ dùng để chứa đựng, bảo quản thực phẩm có nhiệt độ dưới 70 độ C và chỉ nên dùng một lần, tạm thời; không bảo quản thực phẩm trong thời gian dài ngày. Không dùng hộp xốp chứa đựng các loại thức ăn, đồ uống đang nóng, thức ăn có nhiều mỡ nóng, nước sôi, thức ăn và đồ uống chua (dưa muối, xa lát trộn dấm, nước chanh...) hay mỡ, dầu ăn.

Thế nhưng, trên thực tế, hộp xốp được dùng để đựng tất tần tật mọi loại thực phẩm như cơm bán suất, đương nhiên là cơm nóng và các loại đồ ăn có mỡ, cũng như đôi khi có cả... dưa chua, hay phở cuốn, mỳ xào.

Nhiễm độc chì từ bát đĩa sứ rẻ tiền

Bát, đĩa thường dùng trong các gia đình chủ yếu là làm từ chất liệu gốm, sứ, tuy nhiên nếu mua phải đồ gốm sứ tráng men chì thủ công thì có thể gây nhiễm độc chì cho người sử dụng. Bát hàng chợ chỉ dùng được một thời gian là các họa tiết hoa văn thường có hiện tượng bong tróc men, phôi màu.
 

Ưu điểm của men chì là giá thành rẻ nhưng lại cho màu sắc rực rỡ, bề mặt bóng đẹp nên đồ gốm sứ men chì thường rất hấp dẫn khách hàng. Men chì nếu được pha chế đúng cách và nung ở nhiệt độ đủ cao thì ôxit chì bị khóa chặt và không có khả năng gây nhiễm độc. Nhưng ngược lại, nếu việc pha chế hoặc nhiệt độ nung không đảm bảo thì chì có thể dễ dàng tách khỏi men để hòa tan vào thức ăn đựng trong bát, đĩa gốm sứ và từ đó đi vào cơ thể người. Trên thực tế, nguy cơ này rất dễ xảy ra, đặc biệt là đối với các sản phẩm rẻ tiền, được sản xuất ở các lò thủ công vì ở những nơi này, quy trình thường không chuẩn hoặc bị cắt giảm để tiết kiệm thời gian và chi phí.

Các nhà khoa học cảnh báo, chì là kim loại nặng có khả năng tích tụ lâu dài trong cơ thể người, ít bị thải loại, do vậy, dù lượng chì nhiễm độc từ bát đĩa trong mỗi bữa ăn là rất nhỏ thì sau một thời gian dài cũng có thể gây tổn thương thần kinh, thận, biến chứng tim mạch và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
 
Theo VietNamNet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.