Không dám chạm vào vợ vì sợ lây... ung thư

Nhiều người vẫn quan niệm ăn trứng lộn, ăn nhiều đường sẽ mắc ung thư hoặc đã mắc ung thư thì tuyệt đối không đụng dao kéo, không dự đám tang thậm chí không chạm vào người... vì sợ lây.

Nhiều người vẫn quan niệm ăn trứng lộn, ăn nhiều đường sẽ mắc ung thư hoặc đã mắc ung thư thì tuyệt đối không đụng dao kéo, không dự đám tang thậm chí không chạm vào người... vì sợ lây.

Hàng loạt ngộ nhận

TS. BS Nguyễn Diệu Linh, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện K chia sẻ, chị đã gặp một cặp vợ chồng... rất lạ tại phòng khám.

Anh chồng đưa vợ tới khám ung thư, mọi thái độ, lời nói hết sức quan tâm, nhẹ nhàng, còn sốt sắng hỏi bác sĩ xem tình hình bệnh tật của vợ ra sao nhưng nhất quyết không chạm vào vợ.

Ngạc nhiên, chị hỏi tại sao lại vậy, anh chồng thật thà chia sẻ vì... sợ lây ung thư. Thực tế, ung thư là bệnh không lây nhiễm, các đường truyền máu, tiếp xúc, mẹ sang con đều không làm lây truyền bệnh.

Bệnh nhân xếp hàng chờ tới lượt khám tại Bệnh viện K

Theo BS.Linh, đây chỉ là một trong nhiều ngộ nhận về ung thư vẫn đang lan truyền trong xã hội.

Chị kể, trong quá trình khám cho bệnh nhân, có rất nhiều người hỏi ăn trứng vịt lộn, ăn nhiều đường có gây ung thư hay không hoặc đã ngưng ung thư rồi nhưng ăn đường thì bệnh có quay lại?...

"Hiện chưa có bất cứ tài liệu nào chứng minh ăn trứng vịt lộn hay ăn nhiều đường làm gia tăng khả năng mắc ung thư", BS. Linh khẳng định.

Theo BS. Linh, nếu ăn đường với lượng lớn sẽ làm người bệnh có nguy cơ tăng cao các bệnh lý rối loạn chuyển hóa đường chứ chưa có số liệu nào nói làm gia tăng mắc ung thư.

Tuy nhiên, với những bệnh nhân tiểu đường tuýp 2, khi insulin không chuyển hóa được sẽ hình thành các nội tiết tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Đó cũng là lý do những người béo phì thường có nguy cơ mắc ung thư vú cao.

Một quan niệm phổ biến khác được các bệnh nhân ung thư rỉ tai nhau là phải tuyệt đối kiêng... đám tang.

Một bệnh nhân kể, bác trai mắc ung thư nhưng khi em trai mất vẫn có mặt. Sau 40 ngày, bác cũng mất theo. Dư luận đồn do khí độc từ đám tang khiến tế bào ung thư phát tác, di căn nhanh hơn.

Kể trường hợp khác, chị Hà (54 tuổi, Long Biên, Hà Nội) cho biết, cách đây 4 năm chung phòng chị có một nữ bệnh nhân người Bắc Ninh bị ung thư vòm họng. Thời điểm đó, bệnh nhân này đã điều trị sắp xong 29 mũi xạ trị, sức khỏe đã cải thiện nhiều.

Đến giữa đợt điều trị, bệnh nhân về nhà và đi đám tang người thân. Sau khi trở lại Hà Nội, chưa hết đợt xạ trị tiếp thì phát hiện khối u di căn nhanh và tử vong sau đó 1 tháng.

Lý giải về những điều trên, BS. Linh nói rõ, tất cả những đồn đoán trên đều không có cơ sở khoa học, chưa có bằng chứng nào về mối liên hệ giữa tái phát, di căn ung thư và đám tang.

GS.TS. Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam cũng khẳng định đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên vì bản chất của ung thư là tái phát và di căn.

Bệnh nhân cần tỉnh táo

Theo BS. Linh, với khoảng 200 loại bệnh, ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay, tuy nhiên nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng cách thì khả năng chữa khỏi rất cao, có thể lên tới trên 90% như ung thư cổ tử cung, ung thư vú...

"Mắc ung thư hoàn toàn không phải là án tử hình. Nếu có chiến lược khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm, hoàn toàn có thể loại trừ", BS. Linh nhấn mạnh.

Hiện có nhiều phương pháp điều trị như hóa trị, xạ trị, phẫu thuật... Tuy nhiên, thực tế không ít người vẫn quan niệm hễ ung thư thì không được đụng dao kéo.

Chia sẻ câu chuyện thực tế, GS.Nguyễn Bá Đức kể, từng có bệnh nhân ung thư vì sợ đụng dao kéo nên về nhà uống thuốc lá, dùng thuốc đắp lên vùng ung thư. Sau 6 tháng, bệnh không giảm mà khối u cứ ngày một to lên, vỡ loét cả hạch lân cận. Khi xuống bệnh viện, bệnh nhân đã không còn cơ hội cứu chữa.

Ông cũng kể, nhiều bệnh nhân hiện nay "thần thánh" hóa thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, chúng chỉ có tác dụng nâng cao thể trạng, không có tác dụng thần thánh chữa ung thư.

GS.TS Nguyễn Bá Đức khuyên người dân nên tỉnh táo, không nên nghe theo các phương pháp truyền miệng, làm lỡ mất giai đoạn vàng trong điều trị ung thư

"Đừng bao giờ biến thực phẩm chức năng và các biện pháp thay thế  trở thành gánh nặng tài chính cho người thân, gia đình", GS. Đức khuyến cáo.

Tại Việt Nam, hiện nhiều "đại gia" đang tìm mọi cách dùng sừng tê giác để chữa ung thư nhưng theo GS Đức, đó cũng không phải thuốc thánh.

"Sừng tê giác trong đông y là vị thuốc giúp nâng cao thể trạng. Nhưng thay vì bỏ ra 1 tỷ đồng mua sừng tê thì có thể mua lọ C sủi. Sừng tê giác không phải thần dược, nó cũng giống như thành phần móng tay thôi", GS. Đức khẳng định.

Ông cho biết, hiện một số phương pháp tập luyện không chính thống khác như tập pháp luân công cũng không giúp chữa ung thư mà chỉ như biện pháp tập luyện nâng cao thể lực, đẩy lùi và giảm nguy cơ tái phát.

"Ngoài ra, tôi còn thấy nhiều người nhịn ăn vì cho rằng tế bào ung thư sẽ chết nếu bị bỏ đói. Điều này thật sai lầm. Bệnh nhân ung thư cần ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ để có năng lượng theo đuổi các phương pháp điều trị vì các phương pháp này rất mất sức, ảnh hưởng nhiều đến hệ thống cơ thể", GS nói.

GS Đức khuyến cáo, để phòng tránh ung thư, dự phòng là biện pháp tích cực nhất, cần tránh các yếu tố nguy cơ liên quan đến rượu, thuốc lá, tia cực tím, viêm gan, thức ăn nấm mốc, chiếu xạ không cần thiết... Ngoài ra, cần cân bằng giữa thể chất và tinh thần vì đã có giả thuyết chỉ ra mối liên hệ giữa stress và ung thư.

Theo Vietnamnet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.