Mất vị giác nửa năm, tái nhiễm Omicron đột nhiên lấy lại vị giác

Nhiều trường hợp chỉ tái nhiễm sau 2 tuần và đặc biệt có người mất vị giác cả nửa năm khi tái nhiễm lại tìm lại được vị giác.

Theo BS Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 1, hiện có nhiều bệnh nhân hoang mang khi thấy mình tái nhiễm trở lại. Họ cho rằng tái nhiễm sẽ nặng hơn lần trước. Về cơ bản đa phần tái nhiễm biểu hiện nhẹ hơn.

BS Khanh lấy 1 ví dụ có trường hợp bệnh nhân bác sĩ Khanh tư vấn qua tin nhắn Zalo từ đợt dịch của TP.HCM năm 2021. Bệnh nhân đã khỏi bệnh nhưng mất vị giác, khứu giác kéo dài không lấy lại được.

Bệnh nhân có thử các phương pháp nhưng không hiệu quả. Đến đầu tháng 3 vừa qua, bệnh nhân lại tái nhiễm. Lúc đó người bệnh vô cùng lo lắng nhưng thật bất ngờ, Omicron không quá nặng và đặc biệt là vị giác, khứu giác lại trở lại như trước.

BS Khanh cho rằng đến nay virus SARS-CoV-2 vẫn muôn hình, muôn vẻ và khó nói trước được về nó. Quan điểm của BS Khanh vẫn cố gắng phòng để mình không nhiễm và khi nhiễm bình tĩnh ứng xử với nó sẽ tốt. Kể cả trường hợp tái nhiễm, tái nhiễm sẽ điều trị theo triệu chứng.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương những người bệnh tái nhiễm là một lần nhiễm virus mới và phát bệnh. Do đó họ vẫn phát tán virus bình thường và vẫn có khả năng lây nhiễm cho những người khác nếu không có biện pháp phòng lây nhiễm hiệu quả.

Thông thường, những trường hợp tái nhiễm sẽ có diễn biến lâm sàng nhẹ hơn so với người chưa được tiêm vắc xin mà nhiễm bệnh lần đầu.

Mất vị giác nửa năm, tái nhiễm Omicron đột nhiên lấy lại vị giác-1
Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên vẫn có một tỷ lệ bệnh nhân nhất định có thể có diễn biến nặng.

Việc điều trị khi bị tái nhiễm, theo BS Cấp tuỳ vào diễn biến bệnh cụ thể trên mỗi bệnh nhân. Những người có diễn biến nhẹ thì chỉ cần đảm bảo vệ sinh, dinh dưỡng; điều trị các triệu chứng (nếu có).

Những người không may có diễn biến nặng thì sẽ được điều trị theo cơ chế bệnh sinh của mỗi tổn thương và áp dụng các biện pháp hồi sức nếu bệnh nhân có tình trạng nguy kịch.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y dược TP.HCM cho biết việc tái nhiễm trên cùng một biến chủng là rất hiếm, nhưng tái nhiễm do một biến chủng mới của Covid-19 lại phổ biến.

Theo ghi nhận của các quốc gia như Anh, Mỹ thì khi tái nhiễm người bệnh đều không có nhiều triệu chứng như lần 1. PGS Dũng cho rằng với tỷ lệ đã tiêm vắc xin và kháng thể của lần nhiễm trước dù gặp biến chủng mới người bệnh cũng không cần quá lo lắng.

Nhiều người bệnh tái nhiễm cũng thắc mắc khi tái lại có thể sử dụng thuốc Molnupiravir không? PGS Dũng cho rằng người bệnh hoàn toàn có thể uống.

Sử dụng Molnupiravir trong các lần tái nhiễm cách xa nhau không gây ảnh hưởng xấu tới cơ thể. Người bệnh cần lưu ý sử dụng thuốc đủ 5 ngày liên tiếp, không tự ngưng thuốc hoặc sử dụng quá nhiều ngày.

Bởi vì khi virus xâm nhập vào cơ thể thì cơ thể cần thời gian sinh kháng thể, 5 ngày sau là cơ thể đã có kháng thể để tiêu diệt nốt phần virus còn sót lại.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho hay, người bệnh đừng vội lo lắng hay tìm thêm những loại thuốc khác nhằm thay thế Molnupiravir vì khi sử dụng đủ liều Molnupiravir đồng nghĩa với việc cơ thể của bệnh nhân đã có được sự điều trị tốt nhất và cơ thể đã có thể sản sinh ra các kháng thể tự nhiên để tiêu diệt lượng virus còn sót lại trong cơ thể.

Ở Việt Nam hiện chưa có thống kê nào về tỷ lệ tái nhiễm, tái dương tính Covid-19. Nhưng theo PGS Dũng, một nghiên cứu của Qatar cho thấy người đã nhiễm chủng Omicron BA.1 thì sẽ được bảo vệ khỏi sự tái nhiễm với dòng phụ BA.2 và ngược lại.

Khả năng bảo vệ không tuyệt đối 100% nên cá biệt vẫn có người bị nhiễm Omicron hai lần, nhưng rất hiếm.

Theo Infonet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/mat-vi-giac-nua-nam-tai-nhiem-omicron-dot-nhien-lay-lai-vi-giac-406887.html

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.