Những điều cha mẹ nào cũng nên biết khi bệnh tay chân miệng đang có dấu hiệu bùng phát

Bệnh tay chân miệng thường xảy ra vào mùa hè nhưng đến tháng 9 trở đi, số bệnh nhân mắc bệnh thường tăng vọt do đây là thời điểm trẻ nhập học nhiều.

Bệnh tay chân miệng thường xảy ra vào mùa hè nhưng đến tháng 9 trở đi, số bệnh nhân mắc bệnh thường tăng vọt do đây là thời điểm trẻ nhập học nhiều.

Bùng phát bệnh tay chân miệng vào cuối thu, đầu đông

Tối ngày 19/11, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk xác nhận thông tin trên địa bàn vừa xảy một trường hợp bé gái 25 tháng tuổi bị tử vong do bệnh tay chân miệng.

Danh tính bệnh nhân được xác nhận là cháu Êban Lý My Anh (25 tháng tuổi, trú tại khối 1, thị trấn Krông Kma, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk). Trước đó, chị H’Mai Êban (mẹ cháu My Anh) đã phát hiện con có triệu chứng sốt cao liên tục, nổi vài mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, quấy khóc và hay giật mình vào ban đêm.

bệnh tay chân miệng

Chị H’Mai Êban cũng đã nghi ngờ con bị bệnh tay chân miệng và có tự ý đi mua thuốc để chữa cho con tại nhà. Nhưng dù đã uống gần hết chỗ thuốc nhưng cháu My Anh vẫn không thấy đỡ bệnh. Đến ngày 15/11, gia đình chị H’Mai Êban thấy sức khỏe bé My Anh có biểu hiện xấu đi và da xanh xao nên đã đưa bé đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk để điều trị. Sau khi thăm khám các bác sĩ tại đây chẩn đoán bé My Anh mắc bệnh tay chân miệng phân độ 2B, nhóm 1.

Ngay lập tức các bác sĩ đã tiến hành làm các xét nghiệm và điều trị cho cháu. Nhưng đến ngày 16-11, bé My Anh trở bệnh nặng độ 4, nằm li bì, môi tím, da tái nhợt, nhịp thở không đều, có cơn ngừng thở ngắn, trương lực cơ giảm. Bé My Anh được nhanh chóng chuyển xuống viện Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) để điều trị nhưng đã tử vong trên đường đi.

Đây chỉ là một trường hợp điển hình trẻ tử vong do mắc bệnh tay chân miệng trong thời gian gần đây. Tại Hà Nội cũng xuất hiện lác đác nhiều trẻ bị mắc tay chân miệng. Anh Nguyễn Bắc (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, con gái anh cũng bị mắc tay chân miệng vào cuối tuần vừa rồi.

bệnh tay chân miệng

“Lâu lắm con gái mới có dịp về quê thăm ông bà nội, vậy mà chẳng hiểu sao con lại bị tay chân miệng. Nhìn con khóc vì đau, rồi không ăn được mà thương quá. May mà cho đi khám bác sĩ ngay nên bố mẹ biết đó là bệnh tay chân miệng, giờ đang thăm khám theo đơn điều trị của bác sĩ”, anh Bắc tâm sự. Anh cũng cho biết, xung quanh khu nhà mình sống đã xuất hiện vài bé bị tay chân miệng.

Bệnh tay chân miệng thường xảy ra vào mùa hè nhưng đến tháng 9 trở đi, số bệnh nhân mắc bệnh thường tăng vọt do đây là thời điểm trẻ nhập học nhiều. Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tính đến đầu tháng 10 đã có đến 800 ca mắc bệnh tay chân miệng ở 16/29 quận huyện tại Hà Nội, tuy nhiên đều là những ca nhẹ, nằm rải rác. Số ca nhiễm bệnh có xu hướng giảm so với năm trước. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều cần đề cao cảnh giác với căn bệnh này, nhất là trong thời điểm có dấu hiệu bùng thành dịch.

Những lưu ý trong phòng tránh, chữa trị tay chân miệng đúng cách

Bệnh tay chân miệng do vi trùng đường ruột Ente'virus (E71) và Coxcakieruses gây nên. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa, từ người sang người nên các yếu tố sinh hoạt tập thể như ở trường học khiến nguy cơ lây bệnh tăng cao, đặc biệt là trong các đợt bùng phát bệnh.

Theo CDC, các chuyên gia y tế cùng khẳng định, bệnh tay chân miệng xảy ra với mọi lứa tuổi nhưng phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi, nhiều nhất là nhóm dưới 3 tuổi. Sở dĩ trẻ nhỏ dễ mắc bệnh vì trẻ chưa có ý thức tự vệ sinh, thường xuyên chơi đùa với bạn bè, dùng chung đồ vật (nhất là đồ chơi…). Hơn nữa, sức đề kháng kém, hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn thiện nên khả năng phòng bệnh cũng kém hơn. Trẻ khỏe mạnh có thể lây bệnh do nuốt phát nước bọt của trẻ bị bệnh bắn ra trong lúc ho, hắt hơi hoặc cầm, nắm, sờ phải đồ chơi, sàn nhà… dính nước bọt, dịch tiết mũi họng của trẻ bị bệnh.

bệnh tay chân miệng

Dấu hiệu mắc bệnh tay chân miệng thường là lên cơn sốt, chán ăn, xuất hiện những vết lở loét, những đốm đỏ, khiến người mắc bệnh cảm thấy vô cùng đau đớn. Bệnh nhân bị tay chân miệng cũng sẽ bị nổi mẩn đỏ trên khắp cơ thể, đôi khi là dạng mụn nước, xuất hiện trên cả lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, khuỷu tay, mông, bộ phận sinh dục. Ở một số đối tượng, đặc biệt là trẻ nhỏ có nguy cơ mất nước do những đau đớn trong miệng, không thể uống được nước.

Tuy nhiên, không phải bệnh nhân mắc tay chân miệng nào cũng xuất hiện tất cả những triệu chứng này. Nhiều người lớn bị tay chân miệng nhưng không xuất hiện bất cứ triệu chứng gì, trong khi đó, vẫn có khả năng lây truyền virus tay chân miệng cho người khác.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nhiều sai lầm trong cách chăm sóc, chữa trị của bố mẹ đã khiến bệnh tình của trẻ thêm nặng.

“Khi trẻ bị tay chân miệng, vấn đề vệ sinh răng miệng cho con là vấn đề khó khăn nhất vì miệng con đang có nhiều nốt lở loét, rất đau đớn, không ăn không ngủ được. Nếu trẻ không cho cha mẹ vệ sinh răng miệng thì có khả năng mắc bệnh viêm nha chu, nấm miệng. Còn nếu vệ sinh răng miệng cho con không đúng cách có thể làm vỡ các nốt phỏng, tình trạng lở loét thêm nghiêm trọng hơn, tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho hay.

Ngoài ra, nhiều bố mẹ còn tự ý dùng khăn sữa, bông gạc thấm nước muối rửa răng miệng cho trẻ có thể vô tình làm vỡ các nốt trong miệng. Chưa kể đến là nguy cơ vi khuẩn, nấm từ bên ngoài đưa vào miệng.

Cách tốt nhất để ngăn chặn vỡ các nốt trong miệng, lại phòng tránh bệnh răng miệng là khuyến khích con tự giác súc miệng bằng nước muối sau mỗi lần ăn xong, buổi sáng thức dậy và trước khi đi ngủ. Cha mẹ cũng nên khuyến khích con uống nhiều nước vì miệng trẻ có cơ chế tự làm sạch. Khi trẻ lên cơn sốt, phụ huynh cần để con ở nơi thông thoáng, mặc đồ rộng rãi. Không nên ủ ấm con quá mức khiến tình trạng bệnh càng trở nên nặng hơn.

Các bậc phụ huynh cũng không nên lạm dụng truyền dịch cho trẻ, chỉ truyền dịch khi trẻ có những biểu hiện mất nước nặng như nôn mửa, tiêu chảy, sốt cao và phải theo chỉ định của bác sĩ.

Đối với trẻ bị nhẹ, điều trị tại nhà, gia đình nên cho trẻ uống nhiều nước trái cây như cam, bưởi... để bổ sung vitamin C, nâng cao sức đề kháng. Ngoài ra, các loại quả có màu đỏ, màu vàng như nước ép cà rốt, cà chua, dưa hấu… rất giàu vitamin A - một trong những vitamin rất quan trọng tăng cường hệ miễn dịch, làm lành nhanh các vết tổn thương.

bệnh tay chân miệng

Ngoài ra, bệnh nhân bị tay chân miệng nên được bổ sung kẽm, có nhiều trong hải sản như hàu, ngao, hoặc các thực phẩm hàng ngày như lòng đỏ trứng, thịt gà… chế biến thành các món cháo, súp cho người bệnh dễ ăn.

Đối với bệnh nhân còn nghi ngờ không biết có phải mắc bệnh tay chân miệng hay không, hoặc bệnh có dấu hiệu tiến triển ngày càng nặng cần nhanh chóng đưa vào bệnh viện khám chữa kịp thời, tránh biến chứng gây tử vong.

Theo khuyến cáo của chuyên gia, để phòng chống bệnh tay chân miệng thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Thường xuyên rửa tay bằng nước và xà phòng, cho cả mẹ và bé đặc biệt là sau khi thay tã và đi vệ sinh, trước và sau khi ăn. Tránh cho trẻ tiếp xúc gần với người bị tay chân miệng. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác cách ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.

“Mặc dù ngoài Bắc, bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng đều ở thể nhẹ và được chăm sóc, điều trị ngoại trú nhưng đừng chủ quan vì mức độ nguy hiểm của bệnh này không kém dịch sởi nên mọi người cần nâng cao ý thức, chủ động các biện pháp phòng chống”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng lưu ý.

Theo Trí Thức Trẻ


bệnh trẻ em

bệnh chân tay miệng

bệnh lúc giao mùa


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.