Tẩy trắng răng ai nên, ai không?

Màu răng trắng sáng tự nhiên giúp bạn có nụ cười tự tin và tăng thẩm mỹ khuôn mặt nói chung. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau như hóa chất... sẽ khiến răng gặp nguy hiểm.

Màu răng trắng sáng tự nhiên giúp bạn có nụ cười tự tin và tăng thẩm mỹ khuôn mặt nói chung. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau như hóa chất... sẽ khiến răng gặp nguy hiểm.

Màu răng trắng sáng tự nhiên giúp bạn có nụ cười tự tin và tăng thẩm mỹ khuôn mặt nói chung.

Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau như hóa chất, thuốc, tuổi tác, nhiễm màu thực phẩm khiến răng chúng ta có màu vàng sậm hoặc nâu, xám, mất thẩm mỹ.

Có rất nhiều phương pháp làm trắng răng nhưng không phải bộ răng nào cũng đáp ứng tốt với tẩy trắng răng và mỗi phương pháp tẩy trắng có ưu nhược điểm riêng.

Nguyên nhân gây nhiễm màu răng

Nhiễm màu ngoại lai: có nguồn gốc từ thức ăn, thức uống, thuốc lá... Các món ăn có màu sậm, trà, cà phê, nước trái cây, rượu vang đỏ... đều có thể để lại những phân tử màu bám dính lên răng, qua quá trình lâu dài các phân tử này xâm nhập sâu bên trong các trụ men ngà làm răng sậm màu rõ rệt.

Nhiễm màu nội sinh: chất màu hình thành từ bên trong răng do răng chết tủy, do hóa chất qua đường máu, do tuổi tác, do di truyền.

Tẩy trắng răng ai nên, ai không? - Ảnh 1.

Chải răng đúng cách giúp răng trắng và đẹp.

Ai không được tẩy trắng răng?

Hầu hết mọi người đều có thể tẩy trắng răng, tuy nhiên kết quả tẩy trắng phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nhiễm màu răng. Một số trường hợp cần trì hoãn hoặc thận trọng khi điều trị.

Các trường hợp thuận lợi: nhiễm màu ngoại lai do thực phẩm, răng có màu vàng, thường đáp ứng tốt với các phương pháp tẩy trắng đơn giản.

Các trường hợp tẩy trắng ít hiệu quả: nhiễm màu tetracyclin độ 3,4, nhiễm màu fluorosis. Trong nhiễm màu tetracyclin có thể chia 4 mức độ: vàng, nâu, xám, tím, khi răng có màu xám, tím thì tẩy trắng ít hiệu quả; răng tụt lợi: với răng tụt lợi hở chân răng tẩy trắng không làm chân răng trắng hơn mà còn gây ê buốt kích thích tủy.

Các trường hợp thận trọng khi tẩy trắng: bệnh nhân dị ứng với thuốc tẩy, ngừng ngay liệu trình; phụ nữ mang thai và cho con bú; trẻ em dưới 16 tuổi không được tẩy trắng do dễ kích ứng tủy; viêm lợi, hở cổ - chân răng, mòn răng cơ học lộ ngà răng.

Các phương pháp tẩy trắng răng

Có rất nhiều phương pháp làm trắng răng: dùng thực phẩm tự nhiên làm trắng răng, kem đánh răng có chất làm trắng, gel làm trắng, miếng dán làm trắng, nước súc miệng, máng tẩy trắng cá nhân và tẩy trắng tại phòng khám dưới sự kiểm soát của nha sĩ. Hai phương pháp phổ biến là đeo máng tẩy tại nhà và tẩy trắng tại phòng khám.

Tẩy trắng đeo máng tại nhà: bác sĩ sẽ lấy mẫu răng và làm máng nhựa mềm trong suốt phù hợp với bộ răng của từng bệnh nhân. Tiếp theo bệnh nhân được hướng dẫn đeo thuốc và vệ sinh răng tại nhà. Chỉ định: các trường hợp nhiễm màu nhẹ: nhiễm màu ngoại lai, răng màu vàng, răng nhiễm màu do tuổi tác.

Nếu răng bạn không quá sậm màu thì nên dùng phương pháp này, chi phí thấp hơn và an toàn hơn cho men răng, chỉ nên dùng thuốc nồng độ nhẹ. Không nên kỳ vọng quá nhiều vào thời gian duy trì màu trắng đạt được vì hàng ngày chúng ta vẫn hấp thu thức ăn, đồ uống, thực phẩm có màu chứ không thể kiêng khem hết được. Sau mỗi 1 năm nên đeo lại máng tẩy 1-2 ngày.

Tẩy trắng tại phòng khám: dùng thuốc nồng độ cao 35-37%, có thể tự hoạt động hoặc cần kích hoạt bằng ánh sáng cường độ mạnh hoặc laser, lợi và mô mềm được cách ly và bảo vệ kỹ lưỡng. Chỉ định: nhiễm màu nặng, màu vàng sậm, nhiễm màu do tetracyclin, fluorosis... dùng thuốc nồng độ nhẹ không có tác dụng.

Ưu điểm: nhanh. Thường dùng 1 liệu trình trong vòng 1 giờ. Nhược điểm: ảnh hưởng đến men răng nhiều hơn, dễ nhiễm màu lại hơn. Ngoài những trường hợp bắt buộc, không nên quá lạm dụng phương pháp tẩy trắng này chỉ vì nhanh, cần có chỉ định chính xác của bác sĩ.

Với những trường hợp nhiễm màu nặng phải kết hợp cả hai phương pháp, tẩy trắng tại phòng khám để kích hoạt và đeo máng tại nhà thêm để đạt được độ trắng sáng như ý.

Những triệu chứng có thể gặp khi tẩy trắng răng

Nhìn chung tẩy trắng răng khá an toàn, tuy nhiên có thể gặp một số triệu chứng: ê buốt răng: do cấu tạo men răng khác nhau, có thể bệnh nhân không buốt, buốt nhẹ hay buốt nhiều trong quá trình điều trị. Dừng liệu trình khi ê buốt nhiều, bệnh nhân thấy khó chịu. Triệu chứng ê buốt nhẹ khi tẩy trắng được coi là bình thường, gặp ở 60% số ca tẩy trắng răng; kích thích nướu: do thuốc tẩy trắng hoặc do máng tẩy trắng, bạn nên có phản hồi với bác sĩ để kiểm tra lại khi có vấn đề với nướu. Nướu có thể tự hồi phục sau vài ngày.

Những lưu ý khi tẩy trắng răng

Thuốc tẩy trắng chỉ có tác dụng với răng thật, các chụp răng sứ không thay đổi màu sắc. Bạn cần biết điều này và bác sĩ cũng sẽ tư vấn cho bạn trước khi làm. Có thể phải làm lại răng sứ nếu sau tẩy trắng có khác biệt màu sắc nhiều.

Trước khi tẩy trắng, bạn cần lấy sạch cao răng, chải sạch mảng bám màu, trám phục hồi các cổ răng bị mòn, điều trị chống ê buốt nếu răng quá nhạy cảm. Kết quả tẩy trắng phụ thuộc độ tuổi, độ nhiễm màu răng và tính chất nhiễm màu là ngoại lai hay nội sinh.

Nếu nhiễm màu nặng bạn có thể phải dùng kết hợp cả hai phương pháp chính: tẩy tại phòng khám và đeo máng tại nhà.

Trong quá trình tẩy trắng và sau tẩy 2 tuần nên kiêng ăn uống thực phẩm có màu, tránh màu sậm vì trong giai đoạn men răng nhạy cảm dễ bị nhiễm ngược lại những màu này. Có thể dùng ống hút uống nước có màu.

Triệu chứng tăng nhạy cảm khá thường gặp khi tẩy trắng, nên tránh uống nước quá nóng quá lạnh dễ bị ê buốt răng.

Trong và sau tẩy trắng bạn sẽ tập thói quen vệ sinh răng miệng thật kỹ, luôn chải sạch răng sau khi ăn, như vậy sẽ hạn chế quá trình nhiễm màu lại.


Theo SKĐS

chăm sóc răng miệng

tẩy trắng răng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.