TP.HCM: Báo động bỏng, viêm da do kiến ba khoang

Trung bình mỗi ngày Bệnhviện Da liễu TP.HCM tiếp nhận 80-100 ca viêm da do tiếp xúc dịch tiết của kiến ba khoang, tình trạng rất hiếm gặp trong những tháng trước.

TP.HCM đang vào mùa mưa, thời tiết ẩm ướt, thuận lợi cho nhiều loài côn trùng phát triển, trong đó có kiến ba khoang.

Bệnh viện (BV) Da liễu TP.HCM cho biết nếu như những tháng trước đây, số người đến khám do viêm da tiếp xúc côn trùng rất hiếm thì từ tháng 6 trở đi, con số này tăng đột biến. Trung bình mỗi ngày, BV tiếp nhận từ 80-100 ca bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang.

TP.HCM: Báo động bỏng, viêm da do kiến ba khoang-1
Vết thương do tiếp xúc kiến ba khoang. Ảnh: BVCC

BS Chuyên khoa 2 Vũ Thị Phương Thảo, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Da liễu TP.HCM cho biết bệnh nhân thường đến khám với tình trạng da có sẩn, nổi hồng ban hoặc có chùm mụn nước nhỏ trên da.

Đa phần bệnh nhân được cho thuốc dị ứng và thuốc thoa tại chỗ, có tác dụng làm dịu da và kháng khuẩn. Một số trường hợp vết thương lan rộng và hở ra, có nguy cơ nhiễm trùng nên được cho thuốc uống và kết hợp chăm sóc tại chỗ cho vết thương mau lành.

Theo BS Thảo, một số cơ địa suy giảm hệ miễn dịch, vết thương bị nhiễm trùng sẽ lâu lành hơn. Một số người có cơ địa đặc biệt nhạy cảm, chỉ cần bị kích thích nhỏ cũng có thể gây ra phản ứng nặng toàn thân.

Vết thương do tiếp xúc dịch tiết của kiến ba khoang sẽ mất tầm một tuần đến 10 ngày là lành thương, ít để lại sẹo nhưng có vết thâm do tăng sắc tố sau viêm.

Mụn mủ là phản ứng viêm da bình thường của cơ thể, không nên cố nặn ra để lại vết thương hở, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng và để lại sẹo.

BS Thảo lưu ý kiến ba khoang chứa dịch tiết độc nên tiếp xúc với da sẽ gây viêm da, bỏng da. Do đó, khi phát hiện kiến ba khoang bò trên da, tuyệt đối không được đập vào da khiến cho chất độc phát tán và lan rộng mà cố gắng chỉ đuổi nhẹ.

Thông thường, nếu chỉ bị tổn thương tại chỗ không có lan rộng toàn thân thì chỉ cần rửa sạch vết thương, sau đó bôi thuốc tại chỗ. Nếu tổn thương lan rộng toàn thân hoặc diện tích tổn thương lan rộng ra thì nên đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn cụ thể.

TP.HCM: Báo động bỏng, viêm da do kiến ba khoang-2
Một người bệnh bị viêm da do tiếp xúc kiến ba khoang thăm khám tại Bệnh viện Da Liễu TP.HCM. Ảnh: BVCC

Khi đã bị tổn thương do tiếp xúc kiến ba khoang, tuyệt đối không nên sờ vào vị trí tổn thương vì rất dễ làm vết thương lan rộng.

Viêm da do tiếp xúc kiến ba khoang có thể bị nhầm lẫn với một số bệnh ngoài da, đặc biệt là bệnh zona thần kinh hay còn gọi là giời leo.

Zona có tổn thương cơ bản là chùm mụn nước và mụn mủ thường mọc ở một vùng thần kinh chi phối ở nửa bên cơ thể, gây đau nhức trên bề mặt.

TP.HCM: Báo động bỏng, viêm da do kiến ba khoang-3
Hình thù của kiến ba khoang. Ảnh: Internet

Để tránh tiếp xúc kiến ba khoang, BS Thảo khuyến cáo vào mùa này, những người có thói quen đi ra ngoài vườn cây để làm vườn thì nên bận quần áo dài tay, tốt nhất là mang găng tay, găng chân để bảo vệ che chắn các vùng da trên cơ thể.

Sau khi làm vườn xong, nên tháo găng tay chân ra, rửa tay chân lại liền, tốt nhất là tắm rửa sơ qua rồi thay đồ ngay.

Theo PLO

Xem link gốc Ẩn link gốc https://plo.vn/suc-khoe/tphcm-bao-dong-bong-viem-da-do-kien-ba-khoang-921738.html

Kiến ba khoang


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.