Vì sao dịch Covid-19 bùng phát lại?

PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng đợt sóng Covid-19 đang diễn ra tại nước ta một phần do người dân chủ quan, các cơ sở y tế cũng có phần lơi lỏng biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn.

43 ca mắc trong cộng đồng được phát hiện ở 6 tỉnh, thành chỉ trong 5 ngày qua (25-29/7). Trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Trưởng khoa Y tế Công cộng và Điều dưỡng, Đại học Quang Trung, cho rằng tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp.

Diễn biến phức tạp

- Chỉ trong 5 ngày, Việt Nam ghi nhận tới 34 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Ông đánh giá tình hình hiện tại cũng như tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2?

- Tôi cho rằng tình hình hiện nay là phức tạp. Virus đã lan ra nhiều nơi. Đặc biệt lần này, chúng lây rất nhanh vì chúng ta không khống khế được ca mắc ban đầu, chưa thể xác định được ổ dịch từ đâu. Có thể chúng xuất hiện từ trước, giờ mới bùng phát lên.

"Virus gây nên đợt Covid-19 lần này lây rất nhanh so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, so với thế giới thì vẫn trong giới hạn bình thường" - PGS.TS Nguyễn Huy Nga.

Với việc giao lưu đi lại lớn như hiện nay, sự lan tỏa càng cao. Virus gây nên đợt Covid-19 lần này lây rất nhanh so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, so với thế giới thì vẫn trong giới hạn bình thường. Thế giới ghi nhận cả triệu ca một ngày.

Vì sao dịch Covid-19 bùng phát lại?-1
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Trưởng khoa Y tế Công cộng và Điều dưỡng, Đại học Quang Trung. Ảnh: NVCC

Dịch bùng phát một phần do người dân đang chủ quan, hay tập trung đông người, giao lưu đi lại thường xuyên, không đeo khẩu trang nhất là khi ra vào bệnh viện... Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng, mọi người thường ở trong phòng điều hòa, đám cưới, tiệc tùng, máy bay... cũng là môi trường cho virus phát tán.

Nói chung thời gian qua, nhân dân có sự chủ quan, các cơ sở y tế cũng có phần lơi lỏng các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn theo yêu cầu của Bộ Y tế. Bằng chứng là nhiều người nhà bệnh nhân bị nhiễm bệnh.

- Chủng virus được ghi nhận ở các ca mắc lần nay từ bên ngoài xâm nhập?

- Đúng vậy, với 99 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng được phát hiện, chủng cũ khó có thể tồn tại nữa, chỉ có thể là từ ngoài xâm nhập vào. Bản chất của virus này vẫn không thay đổi. Chúng nằm trong nước bọt, trong những giọt bắn ra khi ho, nói chuyện, khạc nhổ, hắt hơi, xỉ mũi. Do đó, đeo khẩu trang và sát khuẩn tay sẽ ngăn được. Người dân nên thông thoáng nhà cửa. SARS-CoV-2 không tồn tại lâu trong không khí ngoài trời.

- Hơn 20 ca mắc được ghi nhận ở Bệnh viện Đà Nẵng. Bệnh viện này cũng đã bị phong tỏa ngay sau ca mắc đầu tiên. Kịch bản này tương tự Bệnh viện Bạch Mai ở giai đoạn trước?

- Ổ dịch ở Bệnh viện Đà Nẵng phức tạp hơn Bệnh viện Bạch Mai vì đã có nhiều cán bộ y tế, người nhà lẫn bệnh nhân nhiễm virus hơn. Trước đây, Bệnh viện Bạch Mai được phát hiện nguồn lây và ngăn chặn sớm hơn. Lúc đó, Việt Nam cũng đang trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Bây giờ, chúng ta phải chờ kết quả xét nghiệm của toàn bộ nhân viên cũng như bệnh nhân, người nhà ở Bệnh viện Đà Nẵng thì mới đánh giá hết được tình hình cũng như khả năng khống chế.

Con số nhiễm có thể đạt đỉnh

"Việc có gọi đây là làn sóng thứ 2 hay không tùy thuộc vào cơ quan quản lý y tế. Nhưng có thể khẳng định đây đang là một đợt sóng, đợt bùng phát mới ở Việt Nam, có thể con số nhiễm virus chưa dừng lại, có thể tăng lên trong những ngày tới" - PGS Nguyễn Huy Nga.

- Với hàng loạt ca mắc mới, có thể gọi là làn sóng thứ 2 đang xảy đến với nước ta không?

- Khái niệm làn sóng thứ 2 hiện chưa có định nghĩa chính xác. Việc có gọi đây là làn sóng thứ 2 hay không tùy thuộc vào cơ quan quản lý y tế. Nhưng có thể khẳng định đây đang là một đợt sóng, đợt bùng phát mới ở Việt Nam, có thể con số nhiễm virus chưa dừng lại, có thể tăng lên trong những ngày tới.

- Vậy đỉnh dịch ở nước ta sẽ rơi vào thời gian nào? Trước đây, ông có nói rằng Việt Nam chưa chắc sẽ có đỉnh dịch?

- Đỉnh dịch là lúc ghi nhận nhiều nhất người mắc trong một ngày hay một khoảng thời gian nhất định, sau đó, con số đi xuống, giảm dần. Ở giai đoạn trước, Việt Nam chưa có đỉnh dịch, hay nói cách khác là đỉnh dịch bị bào mòn. Tuy nhiên, đợt dịch này là mới, không liên quan đến trước.

Và Việt Nam sẽ có đỉnh dịch vào đợt này bởi các ca được ghi nhận trong ngày xuất phát cùng một chỗ, cụ thể là Đà Nẵng tương đối cao. Hiện biểu đồ dịch tễ số ca mắc đang đi lên nhanh. Khi nào đạt mức cao nhất rồi đi xuống, chúng ta sẽ có đỉnh dịch.

- Người dân nên làm gì để có thể bảo vệ mình, bảo vệ gia đình trước virus này, thưa ông?

- Các địa phương hiện đều có nguy cơ dịch lây lan, nhất là từ Đà Nẵng trở về, cao hay thấp, tùy thuộc vào người du lịch đã đi những đâu. Nguy cơ dịch phát tán ra khắp các địa phương lớn.

Tôi khuyến cáo người dân nên ở nhà, tránh tiếp xúc cộng đồng, khi có việc cần hãy đi ra ngoài. Trong trường hợp có người mắc thì chỉ một nhà bị lây, đừng để lây rộng ra cộng đồng. Người dân nên tiếp tục đeo khẩu trang, đặc biệt khi đi các phương tiện công cộng, tránh tụ tập nơi đông người, lưu ý đứng cách xa nhau 2 m, rửa tay, sát khuẩn theo đúng chuẩn hướng dẫn của Bộ Y tế.

Khi có các dấu hiệu bệnh, người dân cần đi khám, nhất là những người từ Đà Nẵng trở về cần khai báo y tế, tự cách ly và theo dõi sức khoẻ bản thân.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/vi-sao-dich-covid-19-bung-phat-lai-post1112996.html

Covid-19

virus corona

dịch bệnh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.