Mẹ đã đồng ý khi tôi đưa bà đến viện dưỡng lão

Một câu chuyện cảm động về tình cảm gia đình. Đôi khi muốn chu toàn mọi việc chưa chắc đã là cách tốt nhất.

Tôi năm nay 67 tuổi còn mẹ tôi 89. Sau khi anh trai tôi đột ngột qua đời vì bạo bệnh hồi đầu năm ngoái, mẹ tôi trở nên chênh vênh không biết bấu víu vào đâu.

Nhà tôi có 4 anh chị em. Chị gái tôi năm nay 72 tuổi. Cách đây 3 năm chị ấy bị đột quỵ nên bây giờ lúc nào cũng cần một người bên cạnh, giúp chị ấy cả việc đi vệ sinh. Em trai tôi sống ở quê, ít chữ, cả đời chưa từng rời quê. Điều kiện gia đình chú ấy cũng bình thường.

Sau khi cha tôi mất mười năm trước, mẹ tôi sống với con trai cả. Mẹ không có lương hưu, nhưng gia đình anh trai tôi có điều kiện tốt nên có thể nuôi mẹ. Từ khi còn nhỏ anh tôi đã luôn gắn bó với mẹ. Mẹ đưa anh đi chơi quanh xóm, hai mẹ con nói cười rôm rả, ai cũng khen mẹ may mắn.

Anh trai tôi cũng nói rằng anh ấy may mắn vì được làm con của mẹ. Từ nhỏ anh ấy đã quen với việc bảo vệ các em. Mẹ tôi sống ở nhà anh cả được hơn mười năm nhưng anh chị không bao giờ yêu cầu chúng tôi chia sẻ chi phí sinh hoạt của mẹ. Mỗi khi chúng tôi nói về điều này, anh luôn bảo người già tiêu tốn mấy đâu, chỉ mong mẹ sống lâu bên con cháu. Ngoài việc mua quà vào những dịp lễ, chúng tôi không phải đóng góp thêm gì.

Anh tôi qua đời khiến mẹ đau đáu nỗi đau của kẻ tóc trắng tiễn người đầu xanh. Qua đêm, mẹ tôi già đi rất nhiều và tiều tụy. Tất cả những gì mẹ nhìn thấy là hình bóng của anh trai tôi. Chị dâu vốn đã đau buồn, đối mặt với mẹ tôi, hai người phụ nữ khóc hết nước mắt.

Sau khi cùng bàn bạc, chúng tôi đưa mẹ về quê, mong rằng cuộc sống ở quê tự do, ngày ngày trồng rau, trồng hoa sẽ khiến mẹ cảm thấy dễ chịu hơn. Nhưng mẹ tôi đã quen sống trong những tòa nhà ở thành phố, về quê cũng bất tiện.

Mẹ khó chịu nhất là đi vệ sinh. Mỗi lần muốn đi phải băng qua sân mới tới được khu phụ. Em trai tôi đặt cho mẹ một cái bô trong nhà, nhưng mẹ không thích. Ở được một tháng thì mẹ không chịu được nữa. Mẹ nhờ tôi đón mẹ lên thành phố.

   Mẹ đã đồng ý khi tôi đưa bà đến viện dưỡng lão-1

Ảnh minh họa.

Bố chồng tôi năm nay đã 90 tuổi. Sau khi con dâu tôi sinh cháu thứ hai, chúng tôi đã bán căn nhà ban đầu, mua một căn nhà rộng hơn với 3 phòng ngủ. Vợ chồng tôi ở một phòng, bố chồng tôi ở một phòng nhỏ. Đón mẹ về ở chung là không thực tế, nhưng mẹ không thể thiếu người chăm sóc. Tôi thuê một căn hộ nhỏ cho mẹ ở cách chỗ tôi không xa. Mẹ cảm thấy tốt hơn rất nhiều nhưng cuộc sống của tôi bận rộn hơn.

Ban đầu, tôi gửi cháu trai lớn đến trường mẫu giáo vào ban ngày, vợ chồng tôi chăm sóc bố chồng và cháu gái nhỏ ở nhà khi các con đi làm. Sau khi mẹ tôi đến, tôi sang ngủ cùng bà vào ban đêm. Sáng tôi chuẩn bị bữa cho cả nhà, trong ngày nếu rảnh thì đưa mẹ đi dạo quanh khu để mẹ thư giãn và làm quen với cộng đồng.

Vợ chồng tôi gần 70 tuổi, đang chăm sóc hai cụ già gần 90 tuổi, thêm một cháu gái 2 tuổi. Mỗi ngày chúng tôi đều rất bận rộn. Mẹ nói rằng tôi ngáy rất lớn vào ban đêm, và tôi biết điều đó, vì mệt mỏi.

Người cao tuổi vô cùng nhạy cảm. Để giảm bớt khối lượng công việc nội trợ, tôi nấu cơm ở nhà rồi mang sang cho mẹ. Mẹ ngay lập tức bị trầm cảm. Trong ba tháng như vậy, tôi mệt mỏi đến mức đổ bệnh. Tôi ốm, nhà cửa lộn xộn. Con dâu tôi xin nghỉ phép nửa tháng để trông con, công việc của nó người khác phải làm thay và đồng nghiệp bắt đầu ý kiến.

Khi tôi ốm nặng hơn, con dâu giúp mẹ tôi tìm nhà dưỡng lão ban ngày. Mỗi sáng, con trai tôi đưa con đi mẫu giáo, đưa bà đi viện dưỡng lão, chiều tối tan sở nó lại đón con rồi đón bà đưa về nhà.

Sau khi tôi khỏe lại, con trai bàn với tôi trả lại căn nhà đã thuê, tiếp tục gửi bà vào viện dưỡng lão ban ngày, tối về bà sẽ ngủ trong căn nhà chung của chúng tôi. Chồng tôi ở chung phòng với bố chồng, hai mẹ con tôi ở chung phòng.

Tôi nghĩ đi nghĩ lại, sợ chồng có ý kiến. Không ngờ anh ấy nghĩ rằng đây cũng là một giải pháp, vì vậy chúng tôi đã bàn với mẹ. Mẹ tôi đã phải ở nhà dưỡng lão trong mười ngày vì bệnh tật của tôi nên ngay khi nghe tôi nói, mẹ đã đồng ý mà không hề phản kháng.

Khi chị dâu biết được quyết định của chúng tôi, chị ấy chủ động xin đóng góp một nửa chi phí chăm sóc mẹ. Chúng tôi đã tìm một nhà dưỡng lão chăm sóc ban ngày tốt hơn cho mẹ.

Bây giờ, mẹ tôi đã đi viện dưỡng lão ban ngày được nửa năm. Chủ nhật hàng tuần, mẹ không đến viện mà ở nhà với chúng tôi. Trong viện dưỡng lão mẹ có người trò chuyện. Trong ngày, vợ chồng tôi có thể có một chút thời gian rảnh rỗi để nghỉ ngơi. Chúng tôi dự định một năm sau, khi cháu gái nhỏ đi học mẫu giáo, chúng tôi không gửi mẹ đi viện dưỡng lão nữa.

Tôi không biết liệu mô hình hiện tại của gia đình chúng tôi có được gọi là không thân thiện hay không, nhưng chúng tôi tin rằng bây giờ, đây là cách tốt nhất để giải quyết những khó khăn trong cuộc sống của cả gia đình.

Ngày nay mọi người đã sống lâu hơn, và người trẻ thì kết hôn ngày càng muộn. Nhiều gia đình phải đối mặt với tình trạng người già như chúng tôi không có khả năng chăm sóc người già. Làm sao để người già sống những năm tháng sau này không bị cô đơn, lẻ loi là một vấn đề lớn. Nhưng tôi tin rằng dù là con trai, con gái hay con dâu, chỉ cần gia đình hiểu và bao dung cho nhau thì sẽ luôn có cách giải quyết.

 

Theo Dân trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/me-da-dong-y-khi-toi-dua-ba-den-vien-duong-lao-2060073.html

viện dưỡng lão


Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.