Cưới vợ để... mua thận

Hôm 20/7, các tờ báo tại châu Á và thế giới đều đưa tin một người đàn ông Arab cưới một phụ nữ Philippines để hợp pháp hóa việc hiến tặng thận - đây được coi là một hành động tinh vi để lách luật cấm buôn bán nội tạng người. Vụ việc đã bị phát hiện và ngăn chặn, nhưng nó cho thấy sự phức tạp trong cuộc chiến chống lại nạn buôn bán nội tạng người không chỉ...

Quả thận của "người vợ"

Vụ việc được phát hiện cách đây 2 tháng, nhưng đến đầu tuần này mới được quan chức Chính phủ Philippines công bố rộng rãi trong cuộc họp báo tại Thủ đô Manila sau quá trình điều tra. Theo hồ sơ vụ án, một người đàn ông Arab giàu có (được giấu tên) đã đăng kí phẫu thuật cấy ghép thận tại một bệnh viện do nhà nước quản lý ở Philippines. Người hiến thận được xác định là người vợ bản địa của bệnh nhân. Các quan chức ở bệnh viện đã tỏ ra nghi ngờ trường hợp này, bởi mọi việc dường như đã được sắp đặt kĩ càng.

Một khu ổ chuột ở Philippines

"Các bác sĩ tại bệnh viện phát hiện ra cặp vợ chồng này mới cưới gần đây. Trong khi đó, người chồng không nói được tiếng Anh (ngoại ngữ phổ biến nhất tại Philippines) và tiếng Tagalog (ngôn ngữ bản địa), còn người vợ chỉ nói được tiếng Tagalog và không nói được tiếng Arab" - bà Esperanza Cabral, Bộ trưởng An sinh xã hội Philippines cho biết tại cuộc họp báo - "Những điều tra sau đó cho thấy, rõ ràng đó không phải là việc hiến tặng đơn thuần mà là một hình thức mua bán nội tạng người".

Lá đơn xin phẫu thuật cấy ghép thận của người đàn ông Arab ngay lập tức bị khước từ. Tuy nhiên, bà Cabral cho biết, cặp vợ chồng này sẽ không phải chịu bắt kì cáo buộc pháp lý nào, bất chấp việc cả hai đều giữ im lặng về số tiền mà người phụ nữ được trả nếu thương vị này thành công. "Ca cấy ghép đáng lý có thể đã được ghép nếu như cuộc hôn nhân đó là tự nhiên và không có yếu tố tiền bạc", ông Ricardo Blancaflor, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp, phân tích.

"Trường hợp người đàn ông Arab này là một minh chứng rõ nét nhất cho thấy nạn buôn bán nội tạng người đang âm ỉ bùng lên với những hình thức lách luật khác nhau, bất chấp những nỗ lực của cơ quan chức năng", bà Cabral nhận định khi chỉ ra rằng luật pháp hiện nay tại quốc gia Đông Nam Á này vẫn cho phép việc hiến tặng đối với các thành viên trong gia đình, hoặc những ai có mối quan hệ xã hội và tình cảm chặt chẽ với người nhận.

Vấn nạn toàn cầu

Những thành tựu về y học trong lĩnh vực cấy ghép thận và các nội tạng khác đang mở ra nhiều cơ hội hơn cho những bệnh nhân đòi hỏi phải phẫu thuật cấy ghép. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, các quốc gia đang phát triển với đại bộ phận là người nghèo có thu nhập thấp phải đối mặt với nạn buôn bán nội tạng bất hợp pháp. Năm 2005, Phillippines được Tổ chức Y tế Thế giới liệt kê ở vị trí thứ 5 trong số các quốc gia trên thế giới trở thành điểm nóng của nạn buôn bán nội tạng người. Thận chính là bộ phận được buôn bán nhiều nhất tại Philippines, bởi nhiều người dân nghèo coi đây là cách kiếm tiền nhanh nhất và xét trên phương diện lý thuyết, mỗi người đều có thể sống bằng 1 quả thận.

Theo thống kê của tổ chức nhãn quyền Asia Against Child Trafficking (AACT) tại Philippines, chỉ tính riêng thành phố Quezon, phía đông nam Manila, tính từ năm ngoái đã có ít nhất 195 người nghèo chấp nhận bán thận của mình cho những người môi giới buôn bán nội tạng. Một trong số những người này là một thiếu niên 17 tuổi bán thận của mình để có thể nhận được số tiền là 95.000 peso (khoảng 1.980 USD).

Ý thức được vấn nạn này. Chính phủ Philippines đã đưa vào áp dụng những điều luật khắt khe hơn nhằm kiểm soát và ngăn chặn nạn buôn lậu nội tạng. Gần đây nhất là việc điều chỉnh Bộ luật năm 2003, cho phép xét xử những người buôn bán nội tạng người với mức án lên tới 20 năm tù giam. "Buôn bán thận giống như là nạn buôn bán người hay kinh doanh mại dâm" - bà Cabral nhận định - "Chúng ta cần phải có những điều luật khắt khe hơn, với những người dính vào vấn nạn này, kể cả các bác sĩ, bởi họ có thể kiếm được hàng triệu peso từ những người bỏ tiền ra mua thận, trong khi người bán thận sẽ chỉ nhận được số tiền ít ỏi 100-150 nghìn peso và mất đi tài sản vô giá".

Bên cạnh Trung Quốc và Philippines, Ấn Độ và nhiều quốc gia nghèo khu vực Nam Á cũng đang trở thành điểm nóng của nạn buôn bán nội tạng bất hợp pháp. Năm 2008, Ấn Độ bị rung động bởi một vụ ăn cắp thận trắng trợn của một nhóm bác sĩ, cầm đầu bởi một người tên là Amit Kumar, khi nhóm này cắt bỏ thận của người nghèo đến khám bệnh trong tình trạng bị gây mê. Trong suốt 10 năm, nhóm này đã tiến hành khoảng 500 vụ ăn cắp thận và bán lại cho người giàu trên khắp Ấn Độ. Còn tại Châu Âu, theo một báo cáo năm 2003 của Ủy ban châu Âu, mạng lưới buôn lậu nhắm đến các quốc gia nghèo như Estonia. Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ, Georgia, Romania, Moldova và Ukraine, nơi mà người nghèo luôn bị ép giá khi bán thận với số tiền vào khoảng 2.500 USD.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.