Mặt tối của khu phố Itaewon

Dù Itaewon được biết đến là khu phố đa văn hóa, có tinh thần tự do và cởi mở, nhiều người ngoại quốc đến sinh sống ở Seoul lẫn khách du lịch vẫn bị kỳ thị, thậm chí bị xua đuổi.

Mặt tối của khu phố Itaewon-1Hai người nước ngoài bật khóc sau khi chứng kiến đêm ác mộng ở Itaewon hôm 29/10. Ảnh: Korea Times.

Vốn có biệt danh "phương Tây giữa lòng Seoul", khu phố ăn chơi Itaewon trong mắt đa số công chúng là nơi quy tụ của sự tự do, phóng khoáng, nhiệt huyết tuổi trẻ.

Đây cũng là khu vực tập trung đông người nước ngoài sinh sống và là một trong những điểm đến khách du lịch ghé thăm nhiều nhất khi đến tại Hàn Quốc.

Tuy nổi tiếng với sự tương phản văn hóa sôi động khó có thể cảm nhận được ở các vùng khác của Hàn Quốc, thực tế đã tồn tại lâu năm là những người nước ngoài vẫn bị kỳ thị, phân biệt đối xử ngay trong lòng Itaewon.


Mặt tối của khu phố Itaewon-2Itaewon là điểm vui chơi nổi tiếng với cả giới trẻ trong nước lẫn du khách, người nước ngoài sinh sống ở Hàn Quốc. Ảnh: UPI.

Ghé qua với mong muốn tận hưởng cuộc sống về đêm ở Seoul, song không ít du khách phải quay đầu ra về bởi những tấm biển "chỉ phục vụ người Hàn Quốc" treo bên ngoài một số quán bar, nhà hàng.

Chỉ phục vụ người Hàn Quốc
Đối với Chetan Narain, người Mỹ gốc Ấn 25 tuổi, chuyến đi đến Hàn Quốc vào năm 2014 đồng nghĩa với việc trải nghiệm văn hóa mới và tận mắt chứng kiến làn sóng Kpop mà anh yêu thích từ lâu, theo Korea JoongAng Daily.

Vào một đêm ở Itaewon, sau khi tận hưởng đồ uống tại một quán bar địa phương, Narain muốn ghé qua hộp đêm trong cùng khu để giải trí tiếp. Người pha chế đề xuất một quán và Narain đi đến đó.

Nhưng ngay khi vừa đặt chân đến thềm cửa, anh đã bị chặn lại.

“Người bảo vệ nói rằng tôi không đáp ứng được quy định về trang phục của quán. Tôi khó hiểu, khi đó tôi mặc một chiếc áo hoodie màu xám và quần ngắn - không có gì bất thường. Trên thực tế, một người Hàn Quốc mặc quần áo y hệt vẫn bước vào quán.

Khi tôi vặn hỏi vấn đề nằm ở đâu, tôi nhận lại được câu trả lời rằng 'hãy nhìn lại bản thân mình và suy nghĩ đi'. Tôi thực sự sốc", Narain kể lại. Về sau, anh mới biết mình bị kỳ thị ở Hàn Quốc vì màu da, sau khi cũng bị từ chối phục vụ ở một quán bar khác ở khu Hongdae.


Mặt tối của khu phố Itaewon-3Một quán bar với biển báo "chỉ dành cho người Hàn Quốc" ở khu Itaewon, thủ đô Seoul. Ảnh: Lee Tae Hoon.

Hồi tháng 5, một video quay lại cảnh bạo lực bên ngoài một hộp đêm ở khu Itaewon từng làm dấy lên tranh luận về tình trạng phân biệt chủng tộc và bài ngoại mà những công dân nước ngoài phải trải qua tại các địa điểm giải trí về đêm ở Hàn Quốc.

Trong video, Patrick Ramos, blogger có biệt danh TheExpatPat, tranh cãi với bảo vệ bên ngoài quán bar OWL Lounge ở Itaewon trước khi tình hình trở nên nghiêm trọng.

"Tôi đang đi xung quanh để tìm một quán để ngồi lại và cầm máy quay phát livestream cho người theo dõi khi đi ngang qua quán bar đó. Bảo vệ thấy vậy bắt tôi tắt máy trước khi nắm lấy cổ tay và ghì mạnh tôi vào tường", Ramos kể lại.

Sau khi một người quản lý quán bar đến xử lý, tình hình mới dịu lại. Nhưng một nhân chứng cho biết người bảo vệ vẫn tiếp tục dọa nạt Ramos sau đó.

Theo Korea Herald, OWL Lounge là nơi nổi tiếng cấm khách nước ngoài lui tới ở khu Itaewon. Chỉ người Hàn Quốc hoặc người ngoại quốc có loại thẻ cư trú riêng biệt mới được phép vào đây.

Sau vụ việc, trên phương tiện truyền thông xã hội, ngày càng có nhiều người nước ngoài kể lại cách họ bị phân biệt đối xử tại một số hộp đêm, quán bar và thậm chí cả nhà hàng ở khu Itaewon cũng như các nơi giải trí khác.

Mặt tối của khu phố Itaewon-4Mặt tối của khu phố Itaewon-5Du khách tới chơi hay người nước ngoài sinh sống tại Itaewon vẫn bị chịu sự kỳ thị từ người bản địa. Ảnh: Korea Herald.

Các cơ sở này thường đưa ra nhiều lời giải thích khác nhau để biện minh cho việc quay lưng lại với du khách. Họ đổ lỗi cho việc nhân viên dịch vụ không sử dụng thành thạo tiếng Anh, các khách nước ngoài trước từng có hành vi xấu hoặc do lo ngại dịch bệnh Covid-19.

Trả lời sau khi vụ ẩu đả trở nên được quan tâm, đại diện Owl Lounge cho biết họ chỉ phục vụ khách trong nước vì người nước ngoài được miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp phạm tội hình sự ở đây.

Quentin F., một sinh viên trao đổi người Pháp theo học tại thành phố Daegu, tiết lộ với AFP cách duy nhất người nước ngoài có thể vào một số CLB Hàn Quốc là nhờ một người bản địa có tiếng tăm bảo đảm với quán rằng nhóm khách sẽ cư xử phù hợp.

Vấn nạn ăn sâu ở Hàn Quốc
Số lượng người nước ngoài ở Hàn Quốc đã tăng hơn ba lần trong 10 năm từ 2006-2015 (từ 537.000 lên 1.741.919 người), tương đương 3% dân số Hàn Quốc.

Tỷ lệ này được dự đoán sẽ tăng lên 10% vào năm 2030, tương tự các xã hội châu Âu ngày nay.

Tuy vậy, dù Liên Hợp Quốc từ năm 2014 đã khuyến nghị Hàn Quốc “giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc và bài ngoại”, Hàn Quốc vẫn chưa thông qua luật riêng về chống phân biệt đối xử với người nước ngoài.

Cục Thống kê Hàn Quốc tháng 12/2018 cho biết 21,2% trong số 1,3 triệu người nước ngoài (1/5 người) chịu phân biệt đối xử ở nước này. Trong số đó, 61% nói bị phân biệt vì quốc tịch và 26% do không nói thạo tiếng Hàn. Các nguyên nhân còn lại bao gồm ngoại hình và nghề nghiệp.


Mặt tối của khu phố Itaewon-6Báo cáo của chính phủ Hàn Quốc vào năm 2018 cho thấy khoảng 20% người nước ngoài tham gia khảo sát nói rằng bị phân biệt đối xử vì vấn đề quốc tịch, ngôn ngữ, vẻ bề ngoài và nghề nghiệp. Ảnh minh họa: Yonhap.

Sự kỳ thị này càng sâu sắc hơn với những người da màu, nhóm đến từ Nam Á hay Bắc Phi. Phần lớn hình ảnh về họ trên các phương tiện truyền thông Hàn Quốc đều gắn với sự nghèo đói hay kém văn minh.

Trong "làn sóng dịch bệnh thứ hai" bùng phát ở Hàn Quốc vào tháng 5/2020, một người nhiễm bệnh đã đến Itaewon để vui chơi và từ đó hơn 80 nhiễm mới được phát hiện.

Người nước ngoài sinh sống, thuê trọ tại "con phố đêm" cũng trở thành một trong những nhóm bị kỳ thị.

Một người ngoại quốc tên Edward nhận được nhiều câu hỏi về nơi ở của mình từ các đồng nghiệp làm việc chung trong một công ty giáo dục, theo Korea Times.

Mặc dù đã khẳng định đã không lui tới các chỗ vui chơi ở Itaewon trong suốt nhiều tuần, Edward vẫn bị những người khác ngờ vực. Anh phát hiện đồng nghiệp lập nhóm chat riêng, đưa ra những câu hỏi như "Không phải nhà anh ấy ở Itaewon sao?", "Anh ấy hình như là người đồng tính, chúng ta có thể tin tưởng không?".

Ngày hôm sau, anh buộc phải đi kiểm tra sức khỏe và bị cấp trên yêu cầu ở nhà trong khi những người khác vẫn đi làm.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/mat-toi-cua-khu-pho-itaewon-post1371624.html

Thảm kịch

Hàn Quốc


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.