Từ chức giám đốc ở Microsoft, thạc sĩ đi ‘nhặt rác’ thu về 33 tỷ sau 2 năm

Sở hữu mức lương 1 triệu NDT/năm (3,3 tỷ đồng) khi giữ chức giám đốc ở Microsoft, Uông Kiếm Siêu quyết định nghỉ việc lựa chọn con đường phân loại, tái chế rác thu về 33 tỷ trong 2 năm.

Giám đốc Microsoft lương 3,3 tỷ/năm

Uông Kiếm Siêu (SN 1980) ở Tây An, Thiểm Tây, Trung Quốc, sinh ra trong một gia đình bình thường. Khi đi học, thành tích của anh luôn thuộc top xuất sắc. Từ nhỏ, Uông Kiếm Siêu hy vọng bản thân sẽ trở thành người có ích cho xã hội trong tương lai. Chính lý tưởng này đã tác động đến sự thay đổi cuộc sống của anh.

Lên cấp 2, anh bắt đầu đam mê công nghệ máy tính và nuôi ước mơ trở thành kỹ sư phần mềm. Xác định được mục tiêu, Uông Kiếm Siêu chăm chỉ học tập. 

Năm 1998, Uông Kiếm Siêu tham gia kỳ thi tuyển sinh ĐH và lọt vào top 10% người đạt điểm cao của tỉnh Thiểm Tây. Với kết quả này, anh chọn chuyên ngành Khoa học Máy tính tại ĐH Khoa học và Công nghệ Trung Quốc. Thời điểm đó, Internet đang bùng nổ được coi là ngành công nghiệp 'mặt trời’ phát triển mạnh trong tương lai.

Thời gian rảnh, anh đến thư viện trường đọc sách. Tình cờ, Uông Kiếm Siêu đọc được cuốn tiểu sử về Bill Gates - Chủ tịch tập đoàn Microsoft. Anh cảm động trước trải nghiệm sống của ông, coi đó là thần tượng.

Đây chính là động lực để Uông Kiếm Siêu nỗ lực gia nhập tập đoàn công nghệ Microsoft sau khi tốt nghiệp. Anh luôn cố gắng học hỏi chuyên môn và nâng cao kiến thức.

Từ chức giám đốc ở Microsoft, thạc sĩ đi ‘nhặt rác’ thu về 33 tỷ sau 2 năm-1
Giám đốc Microsoft từ chức làm nghề nhặt rác thu về 33 tỷ trong 2 năm. Ảnh: Sohu.

Tốt nghiệp ĐH năm 2002, anh tiếp tục học thạc sĩ tại Viện Nghiên cứu Phần mềm thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc. Năm 2005, Uông Kiếm Siêu nhận được bằng thạc sĩ, tham gia ứng tuyển vào tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới - Microsoft. 

Vượt qua hàng nghìn ứng cử viên sáng giá, Uông Kiếm Siêu chính thức gia nhập Microsoft với vị trí kỹ sư phần mềm. Với năng lực và sự chăm chỉ, sau một thời gian anh được thăng chức lên vị trí giám đốc sản phẩm với mức lương 1 triệu NDT/năm (3,3 tỷ đồng). 

Chuyến đi thay đổi cuộc đời 

Năm 2010, Uông Kiếm Siêu có chuyến công tác tại Mỹ, không ai nghĩ đây là chuyến đi thay đổi cuộc đời anh. Đặt chân đến đất nước cờ hoa, anh ấn tượng với cách phân loại rác của mọi người tại đây. 

Lần đầu tiên đến trụ sở chính, sau khi ăn trưa mọi người dọn đĩa ăn, anh bất ngờ thấy 4-5 thùng rác đặt liền nhau. Anh sững người vì không biết đổ rác vào đâu. Sau khi được đồng nghiệp giải thích, anh hiểu được ý nghĩa của việc phân loại rác. Không chỉ trong công ty, anh nhận ra người dân tại đây từ trẻ em đến người già đều có ý thức phân loại rác. Điều này trở thành thói quen của người Mỹ. 

Về nước sau chuyến công tác, Uông Kiếm Siêu đau đáu vấn đề phân loại rác. Anh thấy đây là công việc tốt cho môi trường, đồng thời nhận ra rác có 2 loại bán được và không bán được. 

Nhận thức được điều này, anh nảy ra ý tưởng, nếu mọi người phân loại rác từ đầu, việc tái chế và kiếm lợi nhuận từ đây dễ dàng. Anh cho rằng, đây là công việc góp phần cải thiện môi trường. Với mong muốn này, Uông Kiếm Siêu quyết định nghỉ việc ở Microsoft. 

2 năm thu về 33 tỷ đồng

Quyết định liều lĩnh của anh bị gia đình phản đối. Anh cố gắng thuyết phục họ, công việc này không chỉ đi nhặt rác, mà là ý tưởng kinh doanh. Năm 2011, Uông Kiếm Siêu thành lập công ty Trái đất xanh (Green Earth). 

Sau khi nghiên cứu, Uông Kiếm Siêu phát hiện mỗi ngày TP Thành Đô thải ra môi trường hàng nghìn tấn rác, được xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp. Việc làm này, gây nguy hiểm đối với môi trường và sức khoẻ con người.

Để giải quyết vấn đề, hàng ngày Uông Kiếm Siêu xuất hiện ở bãi rác để phân loại chúng. Anh cho rằng, để mở ra ngành công nghiệp tái chế, phải hiểu mọi thứ về rác. 

Uông Kiếm Siêu sáng chế ra thùng rác chống trộm và chống đổ. Đồng thời, anh cũng phát triển app công nghệ hướng dẫn người dân phân loại rác. Thời điểm đó, khái niệm phân loại rác chưa phổ biến ở Trung Quốc. Việc vận động từng hộ gia đình tham gia phân loại rác là vấn đề khó khăn. 

Khi công ty trên bờ vực phá sản, anh nhận được sự hỗ trợ của Cục Bảo vệ Môi trường Thành Đô. Đơn vị này hỗ trợ tài chính cho công ty của Uông Kiếm Siêu 4 triệu NDT (13,2 tỷ đồng). Với sự hỗ trợ của chính quyền, công ty của anh bắt đầu khởi sắc. 

Năm 2016, ứng dụng phân loại rác của Uông Kiếm Siêu được sử dụng phổ biến tại Thành Đô với gần 600 tổ chức và hơn 200.000 hộ gia đình. Mỗi ngày, công ty tái chế 3 tấn chất thải và có thể bán lấy tiền. 

Sau 2 năm, doanh thu công ty của Uông Kiếm Siêu vượt 10 triệu NDT (hơn 33 tỷ đồng). Tính đến 2020, công ty của anh thu gom được 1.288 tấn rác.

Ý tưởng thành lập công ty tái chế rác thải của Uông Kiến Siêu đã giúp Trung Quốc giảm đáng kể sự lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường.

Hiện tại, Uông Kiếm Siêu vẫn miệt mài trên con đường 'nhặt rác'. Chứng kiến sự thành công của anh, ai trong gia đình cũng vui. Khi được hỏi bố làm nghề gì, con gái Uông Kiếm Siêu trả lời đầy tự hào: "Bố tôi là người thu gom rác". 

Khi được hỏi liệu đây có phải là quyết định liều lĩnh, anh cho biết sứ mệnh của bản thân là cải thiện môi trường, không chỉ vì gia đình, mà còn vì lợi ích của xã hội. Uông Kiếm Siêu nói thêm, mục đích khi triển khai dự án này mong muốn người Trung Quốc hiểu rõ tầm quan trọng của phân loại rác để bảo vệ môi trường. 

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/thac-si-tu-chuc-giam-doc-o-microsoft-di-nhat-rac-thu-ve-33-ty-sau-2-nam-2174740.html?fbclid=IwAR3YHukxiyF6dKP_GZboUFr74olQz_pTbQunuACuu3f0TJPxEFUwOVgA_MI

nhặt rác


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.