Ung thư trở thành nỗi ám ảnh ở Trung Quốc

Hơn một nửa số bệnh nhân ung thư gan trên thế giới đang sống ở Trung Quốc và từ "ung thư" đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân nước này.

Hơn một nửa số bệnh nhân ung thư gan trên thế giới đang sống ở Trung Quốc và từ "ung thư" đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân nước này.

Bệnh viện Ung thư Thiên Tân, Trung Quốc là cơ sở chuyên điều trị ung thư lớn nhất châu Á. Gần đây, ban lãnh đạo bệnh viện đã mở rộng quy mô lên gấp đôi nhưng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu điều trị của nhân dân, theo BBC.

Trương Tĩnh, một nữ bác sĩ của bệnh viện Ung thư Thiên Tân, cho biết, 10 năm trước, mỗi ngày bệnh viện chỉ tiến hành một hoặc hai ca phẫu thuật loại bỏ khối u. Hiện nay họ thực hiện ít nhất 7 ca mổ trong mỗi ca trực.

“Chúng tôi không thể hoàn thành lượng công việc. Thậm chí khám hết cho 50 bệnh nhân mỗi ngày cũng là việc khó. Bệnh viện cũng không còn giường trống”, bà Trương nói.

Tỷ lệ người mắc bệnh ung thư đã giảm ở các nước phương Tây nhưng lại đang tăng lên ở Trung Quốc do các tác động của ô nhiễm môi trường và thói quen không lành mạnh của người dân.

Người ta có thể cảm nhận sự căng thẳng trong hành lang bệnh viện Thiên Tân. Người nhà và bệnh nhân chen lấn, xổ đẩy để lấy số. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại những bệnh viện điều trị ung thư trên khắp Trung Quốc.

Trung Quốc chưa có dự liệu thống kê đầy đủ và chính xác về số người mắc bệnh ung thư. Ảnh: BBC
Trung Quốc chưa có số liệu thống kê đầy đủ và chính xác về số người mắc bệnh ung thư. Ảnh: BBC

Nguyên nhân dẫn đến cái chết

Ung thư là nguyên nhân dẫn đến tử vong hàng đầu ở Trung Quốc. Tuy nhiên, Bộ Y tế không đủ khả năng và chưa có hành động cụ thể để giải quyết vấn đề. Họ không có chiến dịch quốc gia rõ ràng để giáo dục công dân về những nguyên nhân gây ung thư mà người dân có thể phòng tránh, chẳng hạn như hút thuốc lá. Trung tâm Ung thư Quốc gia bắt đầu hoạt động từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa có trang web chính thức.

Trung Quốc không có số liệu thống kê đáng tin cậy về ung thư. Năm 2008, Viện Khoa học Y khoa đưa ra Dự án Đăng ký Ung thư. Theo dự án, nhà chức trách thành lập 219 điểm đăng ký trên cả nước. Tuy nhiên, dự án chỉ mang lại chút thông tin mới.

Bộ Y tế đưa ra báo cáo mới nhất vào năm 2013 nhưng vẫn sử dụng số liệu từ năm 2010. Họ vẫn thiếu dữ liệu thống nhất để theo dõi tỷ lệ ung thư của cả nước. Các chương trình sàng lọc ung thư hầu như không tồn tại. Hệ thống y tế yếu kém khiến nhiều người không được chẩn đoán và phát hiện bệnh kịp thời.

“Chúng tôi hầu như không thể làm gì”

Số liệu thống kê cho thấy ung thư gan là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở đàn ông Trung Quốc. Hiện nay, khoảng 130 triệu người nhiễm virus viêm gan B, bao gồm 30 triệu trường hợp nhiễm virus mãn tính. Vì người Trung Quốc thường không kiểm tra sức khỏe định kỳ, viêm gan B có thể biến thành ung thư gan một cách dễ dàng. Hiện nay một nửa số lượng bệnh nhân mắc ung thư gan trên toàn thế giới đang sống ở Trung Quốc.

Trong một buổi sáng, Tống Tĩnh, một bác sĩ dày dặn kinh nghiệm ở bệnh viện Thiên Tân, khám bệnh cho 10 bệnh nhân. Tất cả đều mắc ung thư gan giai đoạn cuối. Theo ông, họ hầu như không thể sống quá một năm.

“Đối với những bệnh nhân ở giai đoạn cuối, chúng tôi hầu như không thể làm gì”, ông cho biết.

Các thành phố lớn ở Trung Quốc đang đối mặt với tình hình ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ảnh: Getty Images
Các thành phố lớn ở Trung Quốc đang đối mặt với tình hình ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ảnh: Getty Images

Ngay cả những người có cơ hội chữa khỏi cũng rất sợ hãi khi nhắc đến ung thư. Vương Huệ, một bệnh nhân ung thư vú, thừa nhận rằng mọi người hiếm khi nhắc đến ung thư, ngay cả khi họ ở trong bệnh viện.

“Người Trung Quốc nghĩ ung thư là một căn bệnh khủng khiếp. Một khi mắc bệnh, bạn sẽ không còn cơ hội sống sót”, bà nói.

Bà Vương là một ca sĩ opera nổi tiếng. Tuy nhiên, từ khi mắc bệnh, bà rút khỏi làng giải trí và giấu giếm tình trạng sức khỏe. Ung thư vú ngày càng trở nên phổ biến ở Trung Quốc và là một trong những nguyên nhân tử vong chính của phụ nữ nước này. Giống như những phụ nữ khác, bà Vương chịu đựng bệnh tật trong im lặng. Con gái và chị gái sát cánh cùng bà trong những ngày tháng chống chọi với căn bệnh quái ác.

“Tôi không nói với người thân và đồng nghiệp vì tôi không muốn họ lo lắng. Nhưng khi đến bệnh viện, tôi thấy rất nhiều người ở đây cũng mắc bệnh tương tự, tôi thấy khá hơn nhiều”, bà chia sẻ.



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.