Vì sao nhiều người trẻ từ mặt, cắt đứt liên lạc với bố mẹ?

Ngày càng nhiều thanh niên Trung Quốc cảm thấy rất áp lực. Họ muốn tận hưởng sự tự do sau khi cắt đứt liên lạc với bố mẹ.

Những thanh niên Trung Quốc không hạnh phúc với mối quan hệ gia đình quyết định cắt đứt quan hệ với người thân, một mình đối diện với tương lai.

Trên các nền tảng mạng xã hội như Douban hay Xiaohongshu, nhiều người cho biết, họ từ mặt gia đình để thoát khỏi áp lực khi liên tục bị ép kết hôn hoặc bị đem ra so sánh với những người thân khác, theo SCMP.

Giảm sự gắn bó

Một người dùng Xiaohongshu có tên @Shixiaojuzi kể rằng, cô đã xóa số điện thoại và thông tin liên lạc của bố trên ứng dụng nhắn tin WeChat sau khi bị ông xúc phạm, gọi là "đồ thất bại", "thứ dị hợm" vì từ chối buổi xem mắt mà ông sắp xếp.

Một chủ tài khoản khác - @Qianqian - cắt đứt quan hệ với họ hàng. Bởi đó là những người luôn tò mò về cuộc sống riêng tư và so sánh cô với con cái của họ, đồng thời lợi dụng tiền bạc của cô.

Người phụ nữ độc thân 34 tuổi chia sẻ, cô cũng phẫn nộ với những người thân luôn thúc ép mình kết hôn vì "bố mẹ đã già". Với cô, lòng hiếu thảo thực sự là phụng dưỡng bố mẹ bất cứ khi nào họ cần giúp đỡ, chứ không phải hy sinh cuộc sống riêng.

Vì sao nhiều người trẻ từ mặt, cắt đứt liên lạc với bố mẹ?-1Nhiều người trẻ Trung Quốc chỉ muốn sống một mình, không dính dáng gì đến gia đình để bớt áp lực (Ảnh: VCG).

Ông Hu Xiaowu - nhà xã hội học và phó giáo sư tại Trường Khoa học Xã hội và Hành vi thuộc Đại học Nam Kinh, Trung Quốc - nhận định, sự thiếu tôn trọng ranh giới xã hội của thế hệ cũ là nguyên nhân lớn nhất đằng sau hiện tượng cắt đứt quan hệ.

Một cuộc khảo sát ông thực hiện năm 2022 cho thấy, thế hệ trẻ ngày càng giảm bớt sự gắn bó với gia đình. Dưới 30% thanh niên 18-30 tuổi giữ liên lạc với gia đình, người thân. Đối với nhóm dưới 18 tuổi, hơn 60% gần như không bao giờ liên lạc về nhà trừ khi có việc gấp.

Ông Hu cũng chỉ ra, các vấn đề xã hội rộng lớn hơn như sự tách biệt của giới trẻ là do quá trình đô thị hóa nhanh chóng và quá trình nguyên tử hóa xã hội trong thời đại kỹ thuật số. Thêm vào đó, những người trẻ tuổi đang bị buộc phải làm việc chăm chỉ hơn và hy sinh thời gian quý giá cho gia đình.

Muốn được bình yên

Đối với một số người, việc cắt đứt quan hệ với gia đình là cách duy nhất để tìm thấy sự bình yên.

Liu Lian (38 tuổi) đã không về thăm nhà suốt nhiều năm, đồng thời xóa sạch thông tin liên lạc của bố. Cô không thể tha thứ cho bố mẹ vì tư tưởng "trọng nam khinh nữ" từ khi cô còn nhỏ.

Là con gái thứ hai trong gia đình có 4 chị gái và một em trai, Liu và chị cả bị bắt làm hết việc nhà khi còn học tiểu học. Hầu như ngày nào, họ cũng phải chịu đòn roi từ người bố vũ phu. Ước mơ lớn nhất của Liu lúc đó là được chạy trốn khỏi nhà.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Liu liên tục mua quần áo và quà tặng cho bố mẹ vì muốn giành được tình yêu của họ. Thế nhưng, bố mẹ lại hắt hủi những món quà, chê cô lương thấp, không mua được nhà hay xe hơi.

Bố Liu cũng nhẫn tâm bỏ mặc con gái khi cô ly hôn.

Vì sao nhiều người trẻ từ mặt, cắt đứt liên lạc với bố mẹ?-2Với không ít người trẻ Trung Quốc, cắt đứt quan hệ với bố mẹ, họ hàng là cách duy nhất để tìm thấy sự bình yên (Ảnh: EPA).

Khi thấy bố mẹ đối xử tệ bạc với ông bà, Liu không thể chịu đựng được nữa. Sau một thời gian giằng xé tâm can giữa nghĩa vụ làm con và nỗi đau khi bị bố mẹ ghẻ lạnh, cô cuối cùng quyết định giải thoát bản thân.

Một người khác, có biệt danh là Banli, cùng chồng chuyển từ thành phố quê nhà Thượng Hải đến tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) kém phát triển hơn để sống xa bố mẹ. Chứng kiến bố bạo hành mẹ suốt những năm tháng tuổi thơ, cô không muốn con trai mình lớn lên dưới sự ảnh hưởng của họ.

Phó giáo sư Hu Xiaowu nói rằng, ông nhận thấy nhiều phụ nữ nói về việc cắt đứt quan hệ với gia đình trên mạng xã hội hơn là nam giới. Điều này xuất phát từ sự thật: Xã hội luôn khắt khe hơn với nữ giới.

Ông cho rằng, việc thế hệ trẻ tự nguyện rời xa gia đình có thể là bước ngoặt để thế hệ lớn tuổi suy ngẫm về vấn đề của mình. Ông cũng mong đợi những người trẻ tuổi sẽ trở về quê hương sau khi làm cha, làm mẹ và nhận ra tầm quan trọng của mối quan hệ họ hàng trong gia đình.

Liu chia sẻ, cô trải qua rất nhiều đau đớn khi phải xa gia đình và chỉ muốn tập trung vào hạnh phúc của mình trong tương lai.

"Tôi vẫn sẽ trả tiền thuốc men cho bố khi ông già yếu, nhưng chỉ thế thôi. Tôi cảm thấy thật tuyệt khi được tự do", cô nói.

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/nhip-song-tre/vi-sao-nhieu-nguoi-tre-tu-mat-cat-dut-lien-lac-voi-bo-me-20231113205339547.htm?fbclid=IwAR3-aB63dLhOWCl5KwbtKTBa65dCBKlI65-4_nSmkq7jsbierOglsHjBVYA

giới trẻ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.