60 năm, 10 năm và 90 phút niềm tin hiện tại

Đêm nay, đêm kết tụ của sức mạnh, bản lĩnh và khát khao. Đêm nay, chúng ta có niềm tin mãnh liệt: U22 Việt Nam giành chiến thắng! Và vinh quang, thuộc về chúng ta!

Đêm nay, đêm kết tụ của sức mạnh, bản lĩnh và khát khao. Đêm nay, chúng ta có niềm tin mãnh liệt: U22 Việt Nam giành chiến thắng! Và vinh quang, thuộc về chúng ta!

Vinh quang nào mà chẳng phải vượt qua những trở ngại, gập ghềnh, thế mới có câu “thất bại là mẹ của thành công”. Bước đường để giành vinh quang về cho Tổ quốc nơi U22 Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Đó là thành quả của những nỗ lực, cố gắng hiện tại, và cả ý chí vượt lên trên những thất bại, vấp ngã từ quá khứ.

Cách đây 60 năm, đội tuyển miền Nam Việt Nam đứng trên bục vinh quang bóng đá Đông Nam Á tại SEAP Games 1959, Đại hội Thể thao bán đảo Đông Nam Á lần thứ nhất (nay là SEA Games). Dạo ấy, đội vượt qua Thái Lan, Myanmar và thua Malaysia để rồi ở trận chung kết, thắng Thái với tỷ số 3-1. Ở đây ta không nói đến tâm linh hay quy luật tự nhiên, nhưng nếu nhìn theo vòng tuần hoàn, ta biết 60 năm tương ứng với lục thập hoa giáp. Kể từ đỉnh vinh quang 1959 đến 2019, chẵn 60 năm. Mà người Việt ta chất cảm tính đong đầy. Vậy thì có niềm tin rằng, trải qua một chu kỳ lục thập hoa giáp, bóng đá nam Việt Nam lại đứng trên đỉnh cao của đấu trường khu vực tại SEA Games 30. Dĩ nhiên chẳng cứ phán bừa cho được.

60 năm, 10 năm và 90 phút niềm tin hiện tại-1

Đội hình giành chức vô địch SEAP Games năm 1959.

Cách đây 10 năm, tại SEA Games 2009 tổ chức ở Lào, U23 Việt Nam đã ngã trước cổng thiên đường khi để thua trước U23 Malaysia trong trận chung kết. Trận đấu ấy, chúng ta tự bắn vào chân mình với bàn phản lưới nhà của Mai Xuân Hợp. Nên nhớ rằng tại vòng bảng, U23 Malaysia là bại tướng của U23 Việt Nam.  

60 năm trước, vinh quang đến với chúng ta nơi đấu trường khu vực; 10 năm đã qua, quá khứ ám ảnh còn hiện về. Nhưng như đã nói, thành công nào mà chẳng có cả thất bại và những bài học kinh nghiệm cần đúc rút. Kể từ dạo được xem bóng đá nam Việt Nam đá SEA Games tại Thái Lan năm 1995 đến nay, là một người hâm mộ bóng đá, nhưng tôi thấy được gì? Cái bóng quá lớn của người Thái đổ dài lên nỗi lo sợ phập phồng của các tuyển thủ mọi cấp độ khi đối đầu với họ. Cái dớp thua chung kết luôn ám ảnh kể cả khi chúng ta mang trong mình niềm hy vọng lớn nhất như Tiger Cup 1998 hay SEA Games 2003 đều tổ chức trên sân nhà. Sợ khi đối đầu với Thái; căng cứng, tâm lý yếu ở những thời điểm quyết định khi đá chung kết. Ấy là những tử huyệt của các thế hệ cầu thủ chúng ta. Ấy nhưng…

Cách đây 2 năm, chứng kiến các cấp độ đội tuyển từ U23 đến Olympic hay đội quốc gia thi đấu tại M-150 Cup 2017, rồi giải U23 châu Á, Asian Cup 2018 và AFF Cup 2018, niềm tin vào sự vững mạnh của bóng đá nước nhà càng lớn dần trong tôi, và chắc chắn không chỉ riêng tôi. Park Hang Seo, người đàn ông đến từ xứ sở của kim chi, của điện ảnh với đôi mắt rặt chất Hàn đã bắt đúng bệnh, tiêm đúng thuốc khi truyền niềm cảm hứng mãnh liệt cho các tuyển thủ, và cả triệu triệu người hâm mộ Việt Nam nữa. Chúng ta đã không còn sợ Thái, chúng ta không còn căng cứng trong những trận cầu khắc nghiệt, chúng ta không ngã trước vạch đích…

Hãy xem, làm sao quên được những trận cầu cân não với Iraq, Qatar, làm sao quên được tuyết trắng Thường Châu trong trận chung kết Giải vô địch bóng đá U23 châu Á 2018. Thua đấy, nhưng thắng đấy, chiến thắng của niềm tin vào sự vươn mình của bóng đá nước nhà. Và làm sao quên cho được những chiến binh sao vàng lừng lững tiến vào chung kết, giơ cao cúp vàng AFF Cup 2018… Ông kẹ của khu vực không còn là nỗi bận tâm thường trực của chúng ta, sẵn sàng đấu tay đôi với các đối thủ đến từ Đông Á hay Tây Á đã là nhịp bóng quen thuộc của chúng ta.

60 năm, 10 năm và 90 phút niềm tin hiện tại-2

Người hâm mộ luôn đồng hành cùng đội tuyển.

Cách đây 15 ngày, trận đấu đầu tiên của U22 Việt Nam trước U22 Brunei không nói lên nhiều điều. Đối thủ quá yếu và một séc tennis 6-0 được thực hiện. Đến trận đấu thứ hai với U22 Lào, kết quả 6-1 cũng cùng một cảnh huống như vậy.

Cách đây 10 ngày, chúng ta đối đầu với Indonesia, đó mới là lúc thử thách bản lĩnh của các cầu thủ trẻ. Sai lầm cá nhân dẫn đến bàn thắng dẫn trước của đối thủ. Sức mạnh tập thể được thể hiện. Không nôn nóng, không run sợ, không bị khớp tâm lý, các cầu thủ tuân thủ đấu pháp, duy trì thế trận chặt chẽ để rồi vượt dòng nước ngược với tỷ số 2-1. Bức tường thành Singapore như thép là thế cũng bị khoan vỡ. Vẫn là sự bền bỉ của các cầu thủ trẻ. Đối thủ kị giơ bao lâu nay Thái Lan có hai bàn thắng rất sớm ngỡ ngàng đến với họ và cả chúng ta trong những phút đầu trận. Với kết quả này, chúng ta dừng bước, Thái đi tiếp. Khó khăn chồng chất, tâm lý buông xuôi và dự báo cho sự vỡ trận? Không hề, đội bóng của tập thể ấy ngay lập tức đứng dậy, vững vàng như hai năm nay vẫn thấy ở bất kỳ cấp độ nào của tuyển. Và tỷ số 2-2 trong thế chủ động về mặt thế trận. Trận bán kết, nhẹ nhàng như một buổi tập dượt mà ở đó, hàng thủ vững vàng và lấy lại tinh thần với những pha bóng chắc chắn của Văn Toản, hàng công mài sắc vũ khí chiến đấu với đại bác hai nòng Đức Chinh và Tiến Linh đều nổ súng. Còn tập thể, nhịp nhàng triển khai lối chơi như một cữ dượt cho trận chiến cuối cùng.

60 năm, 10 năm và 90 phút niềm tin hiện tại-3

Tất cả đều có niềm tin vào chiến thắng của U22 Việt Nam trong trận cầu quyết định này.

Để rồi đêm nay, đêm kết tụ của sức mạnh và bản lĩnh Việt, của niềm tin và cả khát khao chiến thắng. Trong trận cầu quyết định ngôi vương, các yếu tố vật chất và tinh thần đều ủng hộ chúng ta.

Đêm nay, chúng ta có niềm tin mãnh liệt: U22 Việt Nam giành chiến thắng! Và vinh quang, thuộc về chúng ta!

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://news.zing.vn/60-nam-10-nam-va-90-phut-niem-tin-hien-tai-post1023478.html?fbclid=IwAR2aA887vOE2gAt4C8To8h9lB8oOsl0F9GJrzZwdZrNgPwVhRkVhoMuDfEE

SEA Games

U22 Việt Nam


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.