Bán vé trực tuyến của VFF, chuyên gia công nghệ: 'Sinh viên năm 3 cũng không làm ra phần mềm tệ thế'

Ông Đỗ Cao Bảo, Phó tổng giám đốc FPT nói phần mềm bán vé xem trận đấu giữa tuyển Việt Nam

Ông Đỗ Cao Bảo, Phó tổng giám đốc FPT nói phần mềm bán vé xem trận đấu giữa tuyển ĐT Việt Nam và Philippines là tệ nhất trong tất cả phần mềm ông từng sử dụng 34 năm qua.

Ngày 28/11, website mở bán vé xem trận bán kết lượt về giữa tuyển Việt Nam và tuyển Philippines của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) được mở, nhưng luôn trong tình trạng quá tải, thậm chí chỉ vài phút, website thông báo hết vé. Không những vậy, các cổ động viên còn trải qua nhiều thủ tục rườm rà, mất thời gian để có thể đặt được vé.  

Nhận định về phần mềm bán vé của VFF, ông Đỗ Cao Bảo, Phó tổng giám đốc FPT nói: "Thử mua vé online của VFF mới thấy đây là phần mềm tệ nhất, dở nhất trong tất cả phần mềm tôi từng sử dụng 34 năm qua. Đến sinh viên năm 3 cũng không làm ra cái phần mềm tệ đến thế".

Bán vé trực tuyến của VFF, chuyên gia công nghệ: Sinh viên năm 3 cũng không làm ra phần mềm tệ thế-1

Ông Đỗ Cao Bảo (Ảnh: Cafebiz)

Thừa nhận sự quá tải của hệ thống là có bởi lượng người truy nhập quá lớn tại một thời điểm cũng như nhu cầu mua vé vượt quá xa số vé bán ra, nhưng ông Bảo chỉ ra những tính năng đơn giản nhất mà hệ thống bán vé online của VFF không thực hiện được như thông tin về số vé được bán, đã bán, đang bán và chưa bán không hề có.

Cụ thể, phần mềm bán vé online phải có thông báo rõ ràng, minh bạch ở góc màn hình các thông tin: Tổng số vé trên SVĐ Mỹ Đình (ví dụ 40.000 vé), tổng số vé đối ngoại, tổng số vé cho đội khách, tổng số vé bán online, tổng số vé đã bán và tổng số vé chưa bán (giảm theo thời gian).

Thứ hai, hệ thống cũng cần thông báo rõ ràng các thông tin sau về số người mua vé online ở góc màn hình: Tổng số người đang truy nhập, tổng số người đang làm thủ tục đăng ký mua vé, tổng số người đang làm thủ tục thanh toán, tổng số người đã mua được vé và tổng số vé đã bán ra.

Thứ ba, tổng số vé đã bán, tổng số vé còn lại là bao nhiêu phải thống nhất giữa hệ thống bán vé và thông tin thông báo ra công chúng. Thực ra về bản chất thì chỉ có hệ thống phần mềm mới biết chính xác là đã bán bao nhiêu vé, còn bao nhiêu vé, chứ không thể để lãnh đạo VFF ra thông báo là vẫn còn 9.000 vé chưa bán, vẫn còn 5.000 vé chưa bán như đã làm. Lãnh đạo VFF làm sao mà biết còn bao nhiêu vé, trong khi hệ thống có lại không thông báo công khai trên mạng cho người dùng.

Thứ tư, việc để người đã chọn xong loại vé, giá vé, phương thức thanh toán, phương thức nhận vé, thông tin cá nhân, địa chỉ nhận vé xong, đến phần thanh toán lại không thanh toán được là thiết kế cực dở, nó giống như người xếp hàng mua vé, vất vả xếp hàng, lấy được vé, điền tên trên vé mà đến quầy thanh toán không nộp được tiền vậy.

Bán vé trực tuyến của VFF, chuyên gia công nghệ: Sinh viên năm 3 cũng không làm ra phần mềm tệ thế-2

Thông báo vé đã bán hết sạch chỉ sau 4 phút mở bán. 

Thứ năm, không thể có hiện tượng mới chỉ xong phần đăng ký mua vé, chưa thanh toán tiền xong, hệ thống bị lỗi mà đã bị coi là mua rồi, cấm mua vé. Đây là lỗi ngớ ngẩn nhất.

Thứ sáu, không cần đăng ký phương thức nhận vé, địa chỉ nhận vé khi mà việc mua vé chưa hoàn tất (chưa thanh toán tiền). Việc ấy nên để người mua đăng ký tiếp vào ngày hôm sau, khi hệ thống đã kết thúc việc bán vé. Với một hệ thống quá tải thì nên tách việc mua vé, thanh toán với việc nhận vé, gửi vé riêng. Làm như vậy vừa phân tải, bớt tắc nghẽn mà người mua đỡ bức xúc vì phải khai báo quá nhiều thông tin mà vẫn không mua được vé.

Thứ bảy, có đồng hồ thời gian thông báo là hệ thống đang xử lý cái gì (chờ vào hệ thống, chọn vé, thanh toán) chứ không để hệ thống nằm im như đang treo máy hàng phút.

Thứ tám, việc chống hacker mua vé tự động có nhiều cách, cách dùng hàm cùa Google để kiểm tra người hay robot truy nhập hệ thống là cách chọn dở nhất. Đừng đổ lỗi cho Google, Google viết ra không phải chuyên cho hệ thống bán vé, không dành cho người không biết tiếng Anh. Cá nhân ông Bảo cho rằng modul này nên tự lập trình và dùng 100% tiếng Việt, bởi việc tự làm modul này không khó lắm.

Cuối cùng, ông Bảo cho rằng, phần mềm bán vé online sẽ hoàn hảo hơn nếu có chức năng: Chọn vé theo khán đài, cửa, hàng, số ghế; có sơ đồ chỗ ngồi trên sân vận động; có tô màu những ghế đã bán, những ghế chưa bán.

Từ phân tích trên, ông Bảo cho rằng VFF không nên đổ lỗi do đông người mua, đông người truy cập, cũng không nên đổ lỗi hết cho người viết phần mềm, bởi một hệ thống phần mềm bao giờ cũng là sản phẩm chung của chủ đầu tư và những người xây dựng ra hệ thống phần mềm ấy.

5 thủ tục rườm rà gây khó người đặt vé online của VFF 

Có kinh nghiệm 12 năm viết phần mềm và đạt nhiều thành công, ông Đỗ Cao Bảo cũng chỉ rõ các thủ tục gây khó người đặt vé.

Thứ nhất, ở phần kiểm tra xem người hay robot, tôi phải qua bước này đến không dưới 20 lần, với ít nhất 50 lần trả lời câu hỏi xem cái ảnh ấy là gì (xe bus, xe đạp, đèn đường, cứu hoả...). Có những lần nó hỏi đến 6 lần. Chả nhẽ người với robot lại không thể phân biệt trong 2 câu hỏi.

Thứ hai, kiểm tra người hay robot bằng tiếng Anh, thế này thì ai dốt tiếng Anh không thể mua được vé.

Thứ ba, xếp hàng online vào hệ thống cũng gian khó như xếp hàng ở sân Mỹ Đình mua vé trực tiếp.

Thứ tư, khi đã lọt vào vòng trong rồi, chọn được mệnh giá (500.000 đồng), chọn số vé mua (4), khai báo đủ các thứ, đến phần thanh toán, quay tít thò lò đến ba phút sau trả lời không kết nối được với máy chủ.

Thứ năm, khi làm lại thủ tục mua vé thì báo tên này, số điện thoại này, email này đã có người mua? Có gì gửi mail cho booking@vebongdaonline.vn. "Tôi còn may mắn hơn rất nhiều bạn còn chưa đến bước thanh toán đã hết vé", ông Bảo nói.

Liên quan đến sự cố thông báo hết vé sớm khi mới chỉ vài phút mở cửa bán, VFF cho rằng đó chỉ là hiểu sai câu chữ. Trong quá trình khách hàng đặt mua, do lượng truy cập cùng lúc rất lớn nên chỉ có một số lượng nhất định có thể cùng lúc tiến hành các bước thanh toán. Những khách hàng vượt quá ngưỡng của cổng tiếp nhận thanh toán sẽ tiếp tục chờ và cập nhật để có thể vào giao dịch.

Trong quá trình vận hành lúc mới mở bán, có lúc hệ thống báo hết vé hoặc đang chờ thanh toán, thực tế do sự hiểu sai câu chữ nên nội dung dòng thông báo khiến người truy cập hiểu nhầm, Ban tổ chức đã khắc phục ngay.

VFF cũng khẳng định hệ thống chỉ bị tắc nghẽn và gián đoạn tạm thời, không có tình trạng sập. Mọi giao dịch đặt mua vé thành công online sẽ bắt đầu nhận vé từ ngày 30/11/2018.

Theo VTC


ĐT Việt Nam


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.