Văn Trần Hoàn - hay còn được biết đến với những biệt danh Hoàn “say”, Hoàn “pháo sáng”, Hoàn “ảnh Bác” - là một doanh nhân có tiếng của đất cảng Hải Phòng. Nhưng điều khiến ông được biết đến đông đảo là tình yêu bóng đá cuồng nhiệt, đôi khi ngông nghênh và cực đoan của mình.
Vì bóng đá, Hoàn “say” không màng đến chuyện vợ con dù đã ngoài 40 tuổi. Tính từ lần đầu tiên xuất ngoại xem bóng đá tại SEA Games 1995, Hoàn “say” chưa bỏ qua bất cứ một trận đấu nào của ĐTVN hay U23. Ông cũng lên kế hoạch xem 10 kỳ World Cup và đã trải qua giải đấu lần thứ 4 tính từ lần đầu tiên vào năm 2002. Quãng thời gian gần 20 năm ăn bóng đá, sống chết cùng bóng đá của Hoàn “say” có rất nhiều giai thoại đáng nhớ.
Văn Trần Hoàn luôn mang theo
tấm chân dung Bác Hồ khi đến sân xem bóng đá. Ông xem đây là kỷ vật và
luôn giữ khư khư bên mình trong các chuyến bay. |
Mù tịt ngoại ngữ
Hầu như năm nào Hoàn “say” cũng xuất ngoại xem bóng đá, từ World Cup, EURO, chung kết Champions League đến SEA Games, AFF Cup... nhưng ngoại ngữ của ông rất hạn chế, không đủ để giao tiếp với người dân bản địa. Việc này khiến CĐV đất cảng chịu rất nhiều thiệt thòi khi tham dự giải đấu lớn nhất hành tinh.
Tại World Cup 2010, ông cùng với người bạn tâm giao của mình là Sáng “Củ Chi” lên đường đến Nam Phi. Vì mù tịt về ngoại ngữ nên họ phải cắn răn lưu trú trong khách sạn có giá đến 2.500 USD/đêm mà không biết chỗ nào rẻ hơn. Về sau, họ gặp các kiều bào và được đưa về ở tại Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Phi với chi phí rẻ hơn nhiều lần.
Chi trăm triệu, ngắm thành phố từ trên trực thăng
Cũng tại World Cup 2010, Hoàn “say” cùng Sáng “Củ Chi” chơi sang khi bỏ ra 5.000 USD để thuê trực trăng ngắm Nam Phi từ trên bầu trời trong vài giờ đồng hồ. Trước đó, 2 ông đã đi đến nhiều thắng cảnh của Nam Phi. Tính ra trong 10 ngày "chơi" World Cup và xem 7 trận đấu tại đây, doanh nhân đất cảng đã "đốt" 600 triệu đồng.
Hoàn “say” và Sáng “Củ Chi” (bên trái) tại mũi Hảo Vọng, Nam Phi. |
Suýt ăn đạn vì tưởng… khủng bố
Trên khán đài, Văn Trần Hoàn luôn có những hành động không ai ngờ tới, nó giúp anh thu hút được sự chú ý nhưng có lần suýt khiến anh… thiệt mạng.
Tại trận bán kết SEA Games 2005 ở Bacolod giữa U23 Việt Nam và U23 Malaysia, U23 Việt Nam bị dẫn trước nhưng gỡ hòa nhanh chóng rồi ngược dòng thành công để vào chung kết. Quá vui sướng, Hoàn “say” nhảy từ khán đài A lên thẳng hàng ghế danh dự có hàng chục chính khách của Thái Lan, Việt Nam, Philippines rồi sau đó “phi” thẳng từ trên cao xuống đường biên để chia vui. Lực lượng an ninh Philippines tưởng nhầm anh là đối tượng khủng bố, nên ngay lập tức bủa vây và suýt chút nữa đã cho anh ăn đạn. Chỉ đến khi anh lồm cồm đứng dậy, cầm chân dung Bác Hồ giơ lên và chỉ vào chiếc áo cờ đỏ sao vàng mình đang mặc, họ mới biết đó là một CĐV Việt Nam cuồng nhiệt.
Hoàn "say" và Sáng "Củ Chi" chi hơn 5.000 USD để ngắm sân vận động Soccer City, Nam Phi từ trên cao vào năm 2010. |
Luôn mang ảnh Bác Hồ
Trong hành trang Hoàn “say” mang theo đến khắp các sân vận động trên thế giới, anh luôn mang theo một tấm chân dung Bác Hồ cỡ lớn. Và trong suốt chuyến bay, anh luôn giữ khư khư bên mình, không ký gửi. Khi được hỏi về điều này, anh cho biết: “Đối với tôi, xem bóng đá vừa để thể hiện tình yêu vừa là quyền, nghĩa vụ của mỗi công dân. Tấm chân dung Bác Hồ như một lời nhắc nhở đối với bản thân và các cầu thủ về tinh thần dân tộc, khơi dậy lòng tự hào trong mỗi con người Việt Nam. Đó là suối nguồn của sức mạnh, của tình yêu bóng đá”.
Mất tiền vì “pháo sáng” vẫn… vô tư
Văn Trần Hoàn có đam mê, phần nào dị dạng với “pháo sáng”. Anh mê mùi thuốc pháo và cả âm thanh, ánh sáng đặc biệt của nó khi được đốt lên. Cứ mỗi lần đội bóng quê hương Hải Phòng thi đấu trên sân nhà là anh lại đốt pháo sáng trên khán đài. Vì trò vui này, Hoàn "pháo sáng" đã bị phạt rất nhiều tiền nhưng vẫn vô tư chấp nhận. Anh mê pháo đến nỗi khi Đà Nẵng tổ chức cuộc thi bắn pháo, anh đã đặt phòng khách sạn trước 1 năm để đến ngắm.
Bỏ tiền túi thưởng cho đội bóng
Hoàn “say” rất hào phòng với tình yêu bóng đá của mình. Có lần xem bóng đá thấy Hải Phòng ghi được nhiều bàn thắng, anh cầm ngay 50 triệu đồng thưởng nóng cho đội. Khi đi xem các trận đấu tại World Cup, anh sẵn sàng may hàng trăm chiếc áo cờ đỏ sao vàng, băng rôn để tặng cho người khác, giúp mọi người biết nhiều hơn về Việt Nam. Trong hành lý anh mang sang Brazil năm nay có đến vài chục kg vải để chia sẻ cho những phóng viên thể thao đang tác nghiệp ở đây. Thậm chí tại World Cup 2006 ở Đức, anh còn mang sang... thịt chó để thết đãi mọi người.