Nước mắt chan đầy câu chuyện của hai "Sao mai" U19 Việt Nam

“Em đi thi vào lò PVF đi. Ở nhà đã có anh lo, đi đi chứ ở nhà khổ lắm, bố mẹ không nuôi nổi anh em mình nữa rồi!”

“Em đi thi vào lò PVF đi. Ở nhà đã có anh lo, đi đi chứ ở nhà khổ lắm, bố mẹ không nuôi nổi anh em mình nữa rồi!”, Bùi Tiến Dũng nói với cậu em trai của mình trong nước mắt.

Khó đi anh dắt em đi

Thủ môn Bùi Tiến Dũng và tiền vệ Bùi Tiến Dụng đang thi đấu cho U19 Việt Nam tại VCK U19 châu Á 2016 là hai anh em ruột. Ít ai biết rằng, con đường đến với bóng đá của hai anh em này đầy trắc trở và cả nước mắt vì gia đình quá nghèo khổ.

Hai anh em họ Bùi Tiến sinh ra tại xã Phúc Thịnh (Ngọc Lặc, Thanh Hóa) trong một gia đình có 3 người con. Dũng (sinh năm 1997) hơn Dụng đúng 1 tuổi nhưng nhiều người nói rằng, họ giống như hai anh em sinh đôi.

Tiến Dụng kể: "Ngày trước đi học bóng đá. Tức là phải đóng tiền hàng tháng chứ không phải được bao ăn ở, đi học như bây giờ.

Gia đình em nghèo lắm nhưng vì thấy em và anh Dũng đam mê nên bố mẹ cho theo học bóng đá ở Thọ Xuân, cách nhà hơn 30km. Bọn em phải đóng tháng 1,6 triệu/2 người gồm tiền ăn, ở, tập tại chỗ…

Số tiền này rất lớn với gia đình em. Bố mẹ làm lụng rất vất vả để kiếm tiền nuôi 3 chị em ăn học. Em và anh Dũng thi thoảng mới về nhà.

Đang tuổi ăn, tuổi chơi nhưng cả hai phải sống chắt góp, chẳng có tiền tiêu vặt như các bạn cùng lứa. Bố mẹ thương lắm nhưng điều kiện kinh tế không cho phép".

Nước mắt chan đầy câu chuyện của hai Sao mai U19 Việt Nam - Ảnh 1.

Có một câu chuyện hết sức cảm động, vì nhà quá nghèo nên cậu anh Bùi Tiến Dũng từng chủ động nói với bố mẹ rằng: Thôi con không đi học bóng đá nữa, nhường cho em Dụng.

Nghe vậy, bố mẹ hai em nhà Bùi Tiến chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Năm 2012, sau khi trung tâm bóng đá tư nhân ở huyện Thọ Xuân phải dừng hoạt động. Hai anh em Bùi Tiến Dũng và Bùi Tiến Dụng được chuyển về lò đào tạo Thanh Hóa.

Một thời gian sau, khi hay tin trung tâm PVF tuyển sinh, Dũng nói với Dụng: "Em đi thi đi, cố gắng thi đậu vào đó nhé vì họ lo cho chỗ ăn, chỗ ở, ăn học. Được như thế thì bố mẹ đỡ khổ".

Dụng thừa nhận: "Ở thời điểm đó em chẳng biết gì cả, làm gì, đi đâu cũng theo anh Dũng. Lúc anh nói đi thi, em đi thôi, chứ chẳng nghĩ đến chuyện to tát. Và em đã thi đậu vào lò PVF".

Chúng tôi hỏi tại sao hai anh em không cùng thi vào lò PVF luôn mà chỉ có Bùi Tiến Dụng?. Dụng đáp: "Lúc đó, hai anh em vướng hợp đồng, nếu em đi thì anh Dũng phải ở lại Thanh Hóa. Anh Dũng nói rằng, em phải đi vì em giỏi hơn anh và mai này nếu có cơ hội thì giúp đỡ bố mẹ".

Và rồi mỗi đứa một nơi...

Dụng vào Sài Gòn gia nhập vào lò PVF. Cho đến bây giờ, anh vẫn chưa quên những ngày tháng mới đặt chân đến đất khách quê người.

"Hồi đó, gần như ngày nào cũng khóc vì nhớ nhà. Ngày còn ở với anh Dũng, ngày nào anh cũng giặt đồ, có gì ngon cũng như cho em cả. Thương lắm mà chẳng biết làm gì!", Dụng nói trong nghẹn ngào.

Với nỗ lực không ngừng cũng như mơ ước đá bóng để phụ gia đình, Bùi Tiến Dụng trở thành một trong những cầu thủ xuất sắc nhất của lò PVF.

Cùng với Lâm Dĩ, Trọng Hóa, Lâm Thuận, Việt Anh… Tiến Dụng là hạt nhân của ĐT U19 Việt Nam dưới thời HLV Hoàng Anh Tuấn. Tiền vệ trung tâm này luôn có một vị trí chính thức trong đội hình, nếu không nói là cầu thủ không thể thay thế.

Nước mắt chan đầy câu chuyện của hai Sao mai U19 Việt Nam - Ảnh 2.

Khác với cậu em, Bùi Tiến Dũng chỉ mới nổi lên trong năm 2015 khi cùng U19 Thanh Hóa tại giải U19 quốc gia. Một năm sau được đôn lên đội 1 nhưng không được đăng ký thi đấu.

Trước khi có vị trí chính thức trong khung thành U19 Việt Nam, Tiến Dũng từng bị xếp số 3. Anh dường như không có cửa cạnh tranh vị trí số 1 so với Đỗ Sĩ Huy hay Nguyễn Thanh Tuấn.

Tuy nhiên, với ý chí và tinh thần cầu tiến, Dũng đã lấy trọn niềm tin của ông thầy khó tính Hoàng Anh Tuấn tại giải U19 Đông Nam Á vừa qua và VCK U19 châu Á đang diễn ra tại Bahrain. 

Trước khi bắt gôn, Tiến Dũng từng là một trung vệ

Lúc mới tập bóng đá, Bùi Tiến Dũng luôn được sắm vai trung vệ nhờ sự điểm tĩnh và phán đoán tình huống tốt của mình. Tuy nhiên, sau này do đội thiếu hụt thủ môn nên anh bị "dí" cho vị trí thủ môn. Cũng không ngờ, Tiến Dũng lại trở thành "người gác đền" triển vọng như bây giờ.

Sau tất cả là niềm hạnh phúc

Bùi Tiến Dũng và Bùi Tiến Dụng đang là hai "linh hồn" của U19 Việt Nam tại VCK U19 châu Á 2016.

Tiến Dụng đang là ông chủ của khu trung tuyến, còn cậu anh xứng đáng là người nắm giữ "50% sức mạnh" của đội bóng với những màn trình diễn chói sáng trong 2 trận với Triều Tiên (thắng 2-1) và UAE hòa 1-1.

Dũng nói với chúng tôi: "Ngày trước khổ quá, giờ đi đá bóng có đồng ra đồng vào là dành dụm để gửi về cho bố mẹ. Chẳng có gì sướng hơn khi được thấy nụ cười của bố mẹ cả.

Nước mắt chan đầy câu chuyện của hai Sao mai U19 Việt Nam - Ảnh 4.

Tiến Dũng giờ đã là thủ môn số 1 của U19 Việt Nam.

Tương tự, Dụng cũng đầy tâm tư: "Bố mẹ trước đây khổ nhiều rồi, giờ thì đỡ hơn chút ít. Nếu không có bóng đá, không biết chừng em và anh Dũng đang đi cày ruộng".

Bây giờ, mỗi khi nhắc về hai anh em nhà Bùi Tiến, bố mẹ rất đỗi tự hào về họ. Tự hào không chỉ là những cầu thủ đầy tương lai mà còn là những người con hiếu thảo.

Đúng thế, sau tất cả thì Dũng và Dụng lại trở về nhà chỉ mong được mẹ nấu cho bữa cơm nhà và được cùng bố "bình loạn" bóng đá.

Tiến Dũng và Tiến Dụng thật sự là những "sao mai" của bóng đá Việt Nam. Cũng mong rằng, anh em nhà Bùi Tiến sẽ vẫn giữ vững khát vọng, sự cầu tiến và cả cầu thị, bởi ở tuổi 18 và 19, con đường bóng đá chuyên nghiệp của họ chỉ mới bắt đầu!. 

Tiến Dụng chinh phục V-League

Ở mùa 2016, Bùi Tiến Dụng đã được Than Quảng Ninh mượn về chơi tại V-League. So với Lâm Thuận và Hà Đức Chinh (cũng được mượn) thì Tiến Dụng là người được ra sân nhiều nhất. Mùa tới, tiền vệ có chiều cao 1m73 này có thể sẽ trở thành một trong những cầu thủ trẻ đáng xem nhất tại giải đấu cao nhất của Việt Nam.

Theo Trí Thức Trẻ


U19 Việt Nam


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.