“Cao thủ rượu đế” hễ nhậu xỉn vác tô lên Ủy ban xã xin cơm ăn

Về vùng đất Tân Trụ nằm kẹp giữa hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, chúng tôi được nghe nhiều giai thoại trên bàn nhậu đến khó tin.

Về vùng đất Tân Trụ nằm kẹp giữa hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, chúng tôi được nghe nhiều giai thoại trên bàn nhậu đến khó tin. Câu chuyện về bợm nhậu quá “ức chế” vì tiếng gà gáy, đã cởi truồng cầm dao rượt mẹ già chạy thục mạng.

Vác dao rượt mẹ chỉ là “đùa tí thôi”

Về ấp Tân Bình, thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ (Long An) hỏi về “cao thủ rượu đế” Trần Thanh Hoàng (SN 1972), có rất nhiều người biết tới. Và câu chuyện bợm nhậu nói trên được bà con, cán bộ địa phương xác nhận là chuyện thật 100%. Men theo con hẻm nhỏ, chúng tôi hỏi thăm đến nhà Hoàng, nghe nhắc tới tên của gã, một người dân chỉ thẳng ra lộ lớn: “Đấy, cái thằng cởi trần ngồi trên xe máy tống ba vừa quẹo ra lộ đấy. Cứ trưa này tụi nó lại rủ nhau đi nhậu”. Chúng tôi kịp ngoái đầu lại, thấy rõ một gã đàn ông cởi trần ốm nhách, áo vắt vai đi giữa trưa nắng cháy… Đã từ lâu, đằng sau những cuộc “chén chú, chén anh” quên cả lối về của gã “đệ tử lưu linh” đã không còn xa lạ với người dân trong vùng. Nói về Hoàng ngoài chuyện nổi tiếng ở địa phương là “cao thủ rượu đế” vì trong bàn nhậu gã uống hơn 1 lít rượu vẫn tỉnh bơ, còn có không ít câu chuyện cười ra nước mắt.

Chuyện là mỗi chiều bên đôi bờ sông Vàm Cỏ gió mát, khi trà dư tửu hậu, nhiều người dân ấp Tân Bình vẫn đem chuyện xảy ra cách đây gần một năm của gã để giải khuây. Đó là vào tháng 7/2014 vào lúc 17h, sau khi ngồi nhậu cùng với mấy chiến hữu hết gần 5 lít rượu đế, Hoàng lật khật bước về đã vội nằm sấp xuống cạnh hiên nhà. Cách đó không xa, mẹ gã bà Nguyễn Thị Ới (SN 1943) đang loay hoay nhốt hai con gà trống vào lồng chỉ chực xổ ra để ngày hôm sau làm đám giỗ cha ruột Hoàng.

Trần Thanh Hoàng khi bị bắt tại trụ sở công an xã vì vác dao chém mẹ

Chẳng hiểu sao, hai con gà trống choai cứ thi nhau gáy vang liên tục, inh ỏi nhức tai khiến gã không tài nào ngủ được. Tức giận, gã ngồi bật dậy, chạy đến xách lồng lên lôi hai con gà ra bóp cổ chết rồi ném xuống kênh như ném quả bóng. “Cơn điên” đi cùng giấc ngủ bị đánh thức, chưa hả dạ Hoàng tức tốc chạy xuống bếp đem thúng gạo bà mẹ già mới mua về đổ hẳn xuống mương. Xong xuôi, gã  “Chí Phèo” của ấp bắt đầu cất cao tiếng chửi, kệ cũng lạ gã không chửi ai ngoài chửi mẹ ruột chỉ vì “bà dám để gà gáy to làm tôi không ngủ được”. Thân già hom hem, dù tức giận nhưng bà Ới vẫn cố làm thinh. Bà nghĩ mai giỗ chồng, im sự cho lành vì bà biết tính gã, cứ chửi chán rồi sẽ vô ngủ chèo queo như mọi hôm. Nhưng chẳng hiểu sao hôm nay gã chửi nhiều thế, mà rốt cục cũng chỉ vì “con gà-mẹ già” làm hắn mất ngủ.

Không chỉ dừng lại ở đó, gã ma men còn đứng giữa sân nhà cởi quần áo “trần như nhộng” cầm con dao cán dài đòi rượt chém mẹ già khiến bà chạy quanh ấp. Có khi bà bổ nhào người xuống kênh lại cố bò lổm ngổm lên để lấy sức chạy, người dân muốn can ngăn nhưng lại sợ. Chỉ đến khi bà Ới chạy vào nhà đóng cửa cố thủ, người dân điện thoại báo công an, Hoàng được đưa về trụ sở xã sự việc mới được dừng lại. Điều khiến mọi người té ngửa, cười ra nước mắt là những lời lẽ hài hước, ngô nghê của bợm nhậu để biện minh cho hành động rượt chém mẹ.

Ngôi nhà được bà Ới bán ruộng để xây cất

“Nhận được tin báo của bà con, tôi và công an xã đã có mặt ngay và mời Hoàng lên trụ sở công an làm việc. Khi được hỏi lí do vì sao lại có những hành động bất hiếu với mẹ già thì Hoàng thản nhiên đáp rằng hành động rượt chém mẹ chỉ là “đùa tí thôi”, sau vụ việc Hoàng được đưa đi cải tạo ba tháng”. Từ đấy, câu chuyện về gã “cao thủ rượu đế” nhậu say cởi truồng vác dao chém mẹ không chỉ trở thành câu chuyện cười cợt với người dân mà còn là chuyện răn đe đứa con ma men bất hiếu, không có tính người với đấng sinh thành của mình. 

Sáng đi mua ve chai, chiều nhậu tới bến

Tìm đến căn nhà nhỏ của Hoàng nằm trong hẻm thuộc ấp Tân Bình, đập vào mắt chúng tôi đó là một gã đàn ông chừng 40 tuổi nằm “quắc cần câu” trên hiên nhà. Đó là N. người anh trai của Hoàng. Chừng lát sau, một cụ bà đầu đã hai thứ tóc, chân lấm lem bùn đất bước vào, bà chính là mẹ ruột Hoàng. Nhắc tới đứa con đệ tử lưu linh, bà ngán ngẩm bảo: “Trời ơi, đừng nhắc tới nó nửa. Suốt ngày nó nhậu bê tha, chứ có biết làm lụng là gì đâu. Trước đây nó hiền lắm chứ không thế này đâu”. Đời bà kể ra cũng khổ, lấy chồng hai mươi năm liền bà tằng tằng sinh liền một mạch 12 người con. Nhà đông con, nhưng chồng lại là một tên bợm nhậu có tiếng trong vùng, suốt ngày ham rượu không ham làm nên cứ đói quanh năm. Bà bảo rồi ông cũng qua đời cách đây 15 năm vì bệnh tật. Mấy đứa con gái thì ngoan hiền, còn mấy thằng con trai có lẽ hưởng “gien” từ ba nhiều nên mê nhậu nhẹt. Trong số đấy phải kể đến Hoàng, gã con thứ 4 của bà.

 Bà Ởi chia sẻ với PV về đứa con trai ma men

Trước đây, Hoàng vốn hiền lành, siêng năng nhưng từ ngày đi làm công nhân xây dựng cầu đường gã sa vào những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng nên thành ra nghiện rượu. Cũng vì rượu mà gã trắng tay và dở dang chuyện đôi lứa. “Cách đây bốn năm, Hoàng đi làm cầu đường ở Đồng Tháp. Nó quen được một cô gái người địa phương, rồi bao nhiêu tiền làm ra nó xin ứng hết để đưa cho cô ta xây nhà. Nhà xây xong, hai bên tính chuyện vợ chồng nhưng vì thằng con trai tôi bê tha rượu chè nên người ta bỏ nó. Nó đi làm quanh năm chẳng thấy có đồng bạc nào, bà Ới rầu rĩ than thở.

Người dân trong vùng bảo Hoàng từ ngày về nhà thì đời lại phơi phới như diều gặp gió, như “thằng bợm nhậu gặp nồi thịt chó” quả không ngoa chút nào. Hồi mới về, gã nhận đi bán vé số. Ngặt nỗi, gã đi nhậu nhiều hơn đi bán. Sáng Hoàng cũng như bao người tới đại lý nhận vé số, nhưng gã không đi bán ngay mà cùng với mấy “chiến hữu” làm dăm ly rượu có khi đến say mới thôi. Có hôm sáng ra đã say mèm, gã lại lê lết dọc đường, trên tay cầm xấp vé số bán mà chẳng ai dám mua. Chẳng hiểu sao gã bước vào một quán ăn bên đường phát “miễn phí” cho mỗi người trong quán một tờ, có khi là giục luôn cả xấp vé số. “Bán vé số lời được bao nhiêu đâu thế mà mỗi lần say nó lại giục tới giục lui, đi tới từng bàn trong các quán rải mỗi bàn mỗi tờ. Đến khi tỉnh lại thì chẳng nhớ chuyện gì nữa. Chỉ khổ bà Ới, mỗi lần như thế lại phải đi làm mướn kiếm tiền để đền cho đại lí. 

Từ ngày bỏ nghề bán vé số, Hoàng đi làm “thợ đụng” ai mướn gì làm nấy nên bấp bênh. Có vẻ như thu thập không “ổn định” ảnh hưởng tới khoản “thu- chi” trong tiệc nhậu nên gã không làm nữa mà chuyển sang đi…buôn ve chai. Mấy tháng nay, người dân trong ấp lại “mắt tròn mắt dẹt” khi thấy Hoàng sáng nào cũng đạp chiếc xe cà tàng, hai bên đuôi xe có gắn thêm hai bao bố để đựng chai nhựa, lon bia, hay vài chiếc bìa cát tông. Gã chẳng đi đâu xa mà chỉ quẩn quanh thị trấn. Bất kể ngày đó “mua may bán đắt” hay ế ẩm, cứ đến trưa gã lại đạp xe về để kịp giờ nhậu.

Bất lực với đứa con bất trị, người mẹ già chỉ biết ngậm ngùi, buồn rầu bà bảo: “Nay nó đi bán ve chai cũng được dăm chục ngàn, trưa về lại đi nhậu. Có khi nó nhậu say chiều về đói bụng, vào bếp lục lọi xong nồi không có gì ăn lại chửi tôi, chửi đã rồi nó xách cả cái tô bự lên Ủy ban xã xin cơm. Riết rồi cán bộ trên đấy ai cũng biết mặt nó. Còn hôm nào nó nhậu đến nửa đêm mới chịu về thì y nhưng rằng đêm đó chẳng chịu ngủ mà cứ đứng đập cửa rầm rầm, hoặc nó cởi trần ra nằm ngay đường lộ mà ngủ cho đến sáng hôm sau”. 

Ái Thụy/VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.