Cậu học trò nghèo “bò tới trường” khao khát thành kỹ sư CNTT

Đôi chân bị teo không còn đi lại được, nhưng cậu học trò nghèo Lương Văn Mậu vẫn quyết tâm gồng gánh tới trường trên đôi tay gầy guộc để thực hiện giấc mơ của mình.

Đôi chân bị teo không còn đi lại được, nhưng cậu học trò nghèo Lương Văn Mậu vẫn quyết tâm gồng gánh tới trường trên đôi tay gầy guộc để thực hiện giấc mơ của mình.

Tuổi thơ bất hạnh

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An (nơi từng được xem là điểm nóng về tình trạng mua bán trái phép chất ma túy), nên ngay từ lúc lên 6 tuổi Lương Văn Mậu (SN 1998) đã không có được sự ân cần chăm sóc của cả bố lẫn mẹ.

Nhớ lại quãng thời gian thơ ấu của mình, Mậu rưng rưng nước mắt kể, ngay từ lúc mới sinh em đã bị tàn tật bẩm sinh, đôi bàn chân teo không thể đi lại được, việc đi lại phải sử dụng bằng đôi bàn tay và đầu gối.

Những ngày đầu cậu bắt đầu tập tễnh “bò” đến trường bằng đôi tay gầy guộc của mình cũng chính là lúc bố và mẹ cậu phải vào tù vì buôn bán ma túy.

Không được bố mẹ đưa đón tới trường, người anh trai duy nhất lại đi học không cùng được nên Mậu phải tự mình xoay xở và nhờ cậy người bạn Lô Lương Chôm dìu dắt suốt 5 năm tiểu học.

Mậu phải lấy giường làm bàn học trong phòng trọ chật chội
Mậu phải lấy giường làm bàn học trong phòng trọ chật chội

Vì còn quá nhỏ nên 2 anh em Mậu chuyển về sống chung với bà ngoại. Cuộc sống khó khăn thiếu thốn nên để chăm sóc một đoàn trẻ lắt nhắt đối với bà ngoại của Mậu là một điều không dễ dàng gì, nên cung không có nhiều thời gian để đặc biệt quan tâm tới Mậu.

Đối với những đứa trẻ bình thường, điều đó cũng rất khó để vượt qua huống hồ là một đứa trẻ tật nguyền như em. Vượt qua số phận, vượt qua nghịch cảnh, Mậu vẫn khao khát đến trường, nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của Mậu và sự giúp đỡ của người bạn Lô Lương Chôm, Mậu đã hoàn thành chương trình tiểu học, trung học cơ sở, nhiều năm liền em là học sinh tiên tiến.

“Thời gian đầu em cũng chỉ mong có được tới trường để biết thêm con chữ và gặp bạn bè cho vui chứ không dám ước mơ gì nhiều. Nhưng rồi em thấy bố mẹ mình đều lần lượt vào tù do buôn bán ma túy chỉ vì quá nghèo nên em quyết tâm học thật tốt để thay đổi số phận của mình”, Mậu chia sẻ.

Con đường tới trường của Mậu đỡ vất vả hơn khi có chiếc xe lăn làm bạn đồng hành
Con đường tới trường của Mậu đỡ vất vả hơn khi có chiếc xe lăn làm bạn đồng hành

Là học sinh khuyết tật được miễn thi nhưng Mậu vẫn tham gia kỳ thi chuyển cấp và đậu vào Trường THPT Tương Dương 1. Lên lớp 10, con đường của cậu học trò nghèo mới đỡ vất vả hơn khi được một nhà hảo tâm tặng cho một chiếc xe lăn để tới trường, nhà trường cũng tạo nhiều điều kiện thuận lợi để cậu có thể tiếp tục được tới trường.

Nhưng cũng chính lúc này, do gia đình không có đất làm rẫy, lại không có công việc gì ổn định nên “ngựa quen đường cũ”. Sau khi vừa ra tù được một năm thì bố Mậu lại bị bắt phạt 16 năm tù giam vì buôn bán ma túy; 1 năm sau, mẹ cậu cũng bị bắt luôn khiến hai anh em rơi vào tuyệt vọng.

Bà ngoại năm nay đã gần 70 tuổi nên cũng không còn đủ sức để lo hai anh em cậu nữa. Thương em, Lương Văn Tý (anh trai Mậu) liền nghỉ học lặng lẽ xếp đồ đạc từ biệt bà ngoại rồi vào Nam làm thêm kiếm tiền gửi về cho em trai tiếp tục đến trường.

“Giấc mơ còn xa lắm”

Với số tiền ít ỏi 600.000 đồng/tháng được anh trai gửi cho, Mậu phải tự phân chia sao để đủ tiền thuê phòng trọ, ăn uống và sinh hoạt hằng ngày cho mình. Trường cách nhà quá xa nên cậu phải gói ghém đồ đạc lên thị trấn thuê phòng trọ gần trường sống tự lập.

Nhanh nhạy phụ bạn nhặt mớ rau để chuẩn bị cho giờ cơm trưa, Mậu buồn bã nói: “So với những tấm gương khác thì em có là gì đâu, thành tích học tập của em vẫn còn kém lắm. Nhiều người bị cụt cả hai cánh tay, khó khăn hơn em nhiều mà họ vẫn trở thành được một người tài năng, có thể tự nuôi sống được bản thân của mình”.

Ước mơ được trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin để có thể tự lập và nuôi sống bản thân mình như lời cậu chia sẻ “em phải làm sao để sống khác với bố mẹ mình”. Ngoài những giờ tin học ở trường và ít cuốn sách cũ về tin học mà thầy cô và bạn bè cho, Mậu thường tranh thủ những giờ rảnh để ra quán internet ngồi làm quen với máy tính và tìm tài liệu về học.

 Đường vào phòng trọ quá hẹp không đủ lọt xe lăn, Mậu phải tự “bò” ra ngoài sân để đi học
Đường vào phòng trọ quá hẹp không đủ lọt xe lăn, Mậu phải tự “bò” ra ngoài sân để đi học

Nói đến đây, gương mặt khôi ngô của cậu bỗng trở nên buồn rầu, hướng đôi mắt nhìn ra xa Mậu cho biết: “Giấc mơ còn xa lắm, để trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin rất khó, phải học hỏi rất nhiều nhưng đến giờ em vẫn chưa có được một chiếc máy tính để học tập. Điều kiện khó khăn, đi lại cũng phải phụ thuộc người giúp nên em cũng không thể ra quán internet để học được nhiều”.

Cô Lương Thị Công (cô giáo chủ nhiệm của Mậu) cho biết tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng Mậu luôn có ý thức và chăm chỉ học tập nên được các bạn bè quý mến rất nhiều.

Nhà trường cũng đã cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để em học tập, còn về việc học thì các thầy cô giáo cùng các bạn trong lớp cũng chỉ có thể động viên và khích lệ để em cố gắng mà thôi.

Theo Gia đình & Xã hội


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.