CEO trẻ chia sẻ kinh nghiệm ngày đầu khởi nghiệp

Các CEO trong lĩnh vực CNTT tin rằng điều quan trọng nhất để thành công là không ngại khó, ngại khổ và sinh viên cần phải rèn luyện ngoại ngữ thật tốt mới có thể nắm bắt cơ hội của mình

Các CEO trong lĩnh vực CNTT tin rằng điều quan trọng nhất để thành công là không ngại khó, ngại khổ và sinh viên cần phải rèn luyện ngoại ngữ thật tốt mới có thể nắm bắt cơ hội của mình.

Ngày 18/3, chương trình "CEO Talk” với chủ đề “You Can Make It” (Bạn cũng có thể làm được) được tổ chức tại Học viện Bưu chính viễn thông, thu hút sự tham gia của gần 700 sinh viên.

Chương trình có sự tham dự của bà Trịnh Thị Thu Hồng, Trưởng Ban Nhân sự Tập đoàn FPT, PGS.TS Trần Quang Anh, Phó Giám đốc PTIT và PGS.TS Từ Minh Phương, Trưởng khoa CNTT1 của PTIT và 5 diễn giả là các lãnh đạo trẻ của FPT Software gồm: Tổng Giám đốc Hoàng Việt Anh; Giám đốc Phát triển nguồn lực Trần Xuân Khôi; Phó Giám đốc Đơn vị Phần mềm chiến lược số 1 Lê Hồng Hải; Giám đốc Trung tâm Phần mềm số 2 Nguyễn Quang Hưng và Bùi Công Sơn, Trưởng nhóm dự án.

Các CEO trẻ chia sẻ kinh nghiệm với các bạn sinh viên
Các CEO trẻ chia sẻ kinh nghiệm với các bạn sinh viên

Với chủ đề “You Can Make It”, chương trình “CEO Talk” muốn khích lệ sinh viên hãy chấp nhận thử thách, nỗ lực theo đuổi đam mê để sớm đạt được thành công như những diễn giả của sự kiện.

Trong buổi giao lưu này, anh Lê Hồng Hải – một CEO là cựu sinh viên Học viện Bưu chính Viễn thông kể câu chuyện thời anh: "Trong quá trình học tôi cũng khá nghi ngờ liệu ra trường có việc làm không, các bưu điện không nhận thì sao. Mà cũng không may cho tôi là khi ra trường thì các bưu điện nhập vào viễn thông.

Sau khi ra trường, tôi đi làm ở một số công ty nhỏ sau đó mới tiến vào. Ngày đầu tiên đi làm thực sự là sốc vì được nghe các anh chị đi làm việc tại Anh về kể chuyện công việc rồi cuộc sống tại Anh và nghe mọi người trao đổi với khách hàng qua skype bằng tiếng Anh nhanh như gió.

Lúc đó cũng có chút lo sợ mình liệu có làm được việc không, vì lúc đó tiếng Anh của tôi cũng không được tốt lắm. Ngày đầu tiên, sếp bắt viết báo cáo bằng tiếng Anh, phải mất 2 ngày chỉ để viết báo cáo. Về sau, tôi quyết tâm học tiếng Anh, mỗi ngày dành một tiếng để học mới theo kịp đồng nghiệp.

Sau ngày đầu tiên sốc, tôi đã đặt ra mục tiêu 3 năm sau khi đi làm phải được cử đi làm việc tại nước ngoài, sau 5 năm đi làm sẽ trở thành quản lý dự án. Và tôi đã đạt được mục tiêu của mình".

Theo anh Hải, để đạt được mục tiêu của mình cần phải chia mục tiêu lớn thành các mục tiêu nhỏ theo thời gian 6 tháng, một năm và cố gắng hoàn thành công việc một cách tốt nhất có thể. Quan trọng là không ngại khó, ngại khổ.

Các bạn sinh viên liên tiếp đưa ra những câu hỏi về việc làm, khởi nghiệp cho các CEO
Các bạn sinh viên liên tiếp đưa ra những câu hỏi về việc làm, khởi nghiệp cho các CEO

Anh Bùi Quang Hưng, cũng là một cựu sinh viên Học viện Bưu chính Viễn thông đưa ra lời khuyên khi tham gia tuyển dụng cho các bạn sinh viên: "Qua kinh nghiệm phỏng vấn các bạn sinh viên, tôi thấy tiếng Anh của các bạn khối kỹ thuật còn chưa ổn, đọc hiểu tài liệu có thể là khá tốt nhưng giao tiếp thì chưa ổn. Cho nên các bạn cần học tiếng Anh ngay từ bây giờ. Và có thể cuối tuần lên khu vực Hồ Hoàn Kiếm gặp các bạn nước ngoài trao đổi, nói chuyện để cải thiện giao tiếp.

Tiếp đến là sự tự tin, đa số sinh viên không tự tin lắm khi được hỏi về công nghệ, rụt rè trong chia sẻ những gì mình có. Và cuối cùng là các kỹ năng mềm, cần phải thể hiện được độ máu lửa sự tự tin và các kỹ năng mềm khác trước những người phỏng vấn các em".

Trước những băn khoăn của nhiều sinh viên “khi được nhận vào công ty, cần đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ gì đề không bị đánh giá thấp hay sa thải”, các vị khách mời khẳng định: Sinh viên mới tốt nghiệp, được lựa chọn đào tạo và làm việc trên cơ sở khả năng phát triển, sau đó sẽ được giao việc từ dễ đến khó. “Hơn nữa các bạn sinh viên mới ra trường sẽ không phải tự bay một mình mà luôn được bay cùng người có kinh nghiệm”, anh Hải động viên.

Đối với câu hỏi của sinh viên về cơ hội được làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Nhật Bản, anh Trần Xuân Khôi trả lời: "Với thị trường Nhật hiện nay, chúng ta có năng lực đến đâu các bạn Nhật sẽ giao việc đến đó. Nhật Bản đang thiếu nhân lực CNTT. Họ xác định Việt Nam và Ấn Độ là hai thị trường cung cấp nhân lực chính và Việt Nam đang có lợi thế.

Đến năm2020 Nhật Bản cần khoảng 60.000 nhân sự CNTT. Nhật Bản chấp nhận những người có kinh nghiệm vừa phải. Chỉ yêu cầu là có tiếng Nhật. Chuẩn bị được tiếng Nhật từ trong trường thì cơ hội sang Nhật thật sự sáng.

Theo Dân Trí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.