Chuyện 'cười ra nước mắt' của ngôi trường nghỉ Tết cả tháng

Do đợt rét đậm đúng vào những ngày giáp Tết nên từ 16 Âm lịch học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Bản Phùng, Hoàng Su Phì, Hà Giang đã nghỉ tết. Dự kiến đúng rằm tháng giêng các em mới đi học trở lại.

Do đợt rét đậm đúng vào những ngày giáp Tết nên từ 16 Âm lịch học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Bản Phùng, Hoàng Su Phì, Hà Giang đã nghỉ tết. Dự kiến đúng rằm tháng giêng các em mới đi học trở lại.

Trường học chồng chất khó khăn

Cùng chung cảnh vất vả của trường học thuộc khu vực miền núi, thầy cô và học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Bản Phùng, Hoàng Su Phì - một huyện biên giới vùng cao của tỉnh Hà Giang - khiến mọi người rưng rưng bởi câu chuyện vượt khó của mình.

Chia sẻ của cô hiệu trưởng Đỗ Thị Thảo, cả trường có 316 học sinh chia cho 19 lớp. Trường có 5 điểm thì vẫn còn điểm trường Thống Nhất là nhà gỗ với 102 học sinh theo học. Những ngày mát trời không sao, nhưng cứ mỗi đợt rét về, từng khuôn mặt các em lại tái nhợt, đôi bàn chân lại tím tái trong đôi dép tổ ong rách nát. Các em vừa học vừa run rẩy, lập cập trong cái lạnh của gió lùa qua khe gỗ.

chuyen 'cuoi ra nuoc mat' cua ngoi truong nghi tet ca thang - 1

Học sinh của trường tiểu học Bản Phùng.

chuyen 'cuoi ra nuoc mat' cua ngoi truong nghi tet ca thang - 2

Một trong 5 điểm trường vẫn còn xây dựng bằng vách gỗ.

Chính vì vậy, trong khi hầu hết các trường học giáp Tết âm lịch mới được nghỉ thì hàng năm học sinh và thầy cô nơi đây đã nghỉ đông từ ngày 23 theo chỉ thị của Phòng Giáo dục. Đã vậy, năm nay trường còn được nghỉ dài hơi hơn từ ngày 16 do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh tràn về. Điều đó cũng có nghĩa học sinh sẽ nghỉ Tết cả tháng vì mãi tận rằm tháng Giêng các em mới phải quay lại trường.

Kể về chuyện nghỉ Tết, cô Thảo không khỏi lo lắng chuyện vận động các em đi học sau kỳ nghỉ. Theo cô Thảo, 90% học sinh của trường thuộc dân tộc La Chí (một trong những dân tộc ít người của cả nước), số còn lại là dân tộc Tày, Nùng. Sau Tết cũng là lúc các bản làng vào mùa lễ hội của dân tộc mình. Thế nên, việc học sinh ham chơi ném còn, đánh quay, đu dây... quên cả việc đến trường là chuyện không hiếm.

Muốn học sinh đi học, các thầy cô phải đến từng nhà các em vận động. Tuy nhiên, để nhận được cái gật đầu của cha mẹ học sinh, giáo viên phải ngồi ăn cơm cùng gia đình, thậm chí còn ngồi uống rượu suông với họ. Cô giáo nào mới lên dạy cũng phải trải qua cảm giác lâng lâng này vì chưa quen cách từ chối. "Người dân tộc họ hiếu khách lắm. Trong nhà chỉ có con gà họ cũng làm thịt mời khách. Đã đến nhà dân là phải ngồi lâu chứ không dễ dàng chào ra về được", cô giáo Phạm Minh Thủy, giáo viên lớp 1 của trường chia sẻ.

chuyen 'cuoi ra nuoc mat' cua ngoi truong nghi tet ca thang - 3

Cô giáo Minh Thủy những năm đầu mới đến trường dạy học.

Cũng theo cô Thủy, chỉ có vài ngày trong năm các em "tự giác" đến trường đông đủ là ngày cấp gạo hoặc có quà của đoàn từ thiện. Theo lịch, học sinh sẽ được hỗ trợ 15kg gạo mỗi tháng và các em sẽ được lấy theo quý hoặc theo kỳ học. "Các em đến trường nhận quà xong có khi quên cả học bỏ về luôn", cô Thủy tươi cười kể chuyện.

Cô giáo đi bộ 2km để xách nước

Cô hiệu trưởng ngậm ngùi kể về những khó khăn của trường, mặc dù Ban giám hiệu đã cố gắng nhưng vẫn chưa khắc phục được hết. Khu bán trú được xây tháng 10/2014 nhưng bếp ăn của các em chưa được đảm bảo. Đặc biệt trường chưa có nhà vệ sinh và nhà tắm theo đúng tiêu chuẩn. Các thầy cô phải tự quyên góp tiền làm nhà vệ sinh tạm cho mình. Là trường vùng cao chịu giá rét nhưng giường và chăn màn của học sinh bán trú hiện tại chưa đủ.

Tuy nhiên, khổ nhất là việc các cô thay nhau đi bộ ra suối xách nước. "Đường rừng núi không đi xe được, giáo viên phải đi bộ 2km ra khe suối xách từng xô nước về dùng", cô Thảo kể lại.

chuyen 'cuoi ra nuoc mat' cua ngoi truong nghi tet ca thang - 4

Các cô giáo phải đi bộ 2km đường rừng mới có khe suối xách nước.

Còn với cô giáo Minh Thủy thì đó là một kỷ niệm mãi không quên. Cô Thủy là người Phú Thọ, lên trường dạy được 5 năm. Ngày đầu lên đây, cô cũng theo chân chị em đi xách nước về dùng và tranh thủ tắm luôn. Nhưng với một cô giáo vừa chân ướt chân ráo ra trường, tuổi xuân phơi phới, cô Thủy không đủ dũng cảm đứng tắm giữa núi rừng khi chỉ có chiếc bạt vây quanh. Cô lặng lẽ ra về. Ngày thứ 2 cũng vậy, cô đi ra rồi lại quay về. Ngày thứ 3 cô quyết định xách xô nước con con về khu nội trú tắm nhưng cuối cùng không chịu được bẩn hôm sau cô Thủy cũng phải ra khe nước tắm cho thoải mái như mọi người. "Cũng may hiện tại nước sạch đã về trường, học sinh và giáo viên cũng đỡ cực hơn", cô Thủy cho biết.

chuyen 'cuoi ra nuoc mat' cua ngoi truong nghi tet ca thang - 5

Cô hiệu trưởng Đỗ Thị Thảo đã gắn bó với ngôi trường nhiều năm nay.

Chuyện ăn ở của giáo viên cũng không thoải mái hơn là bao. Cả trường có 32 giáo viên thì hầu hết các thầy cô đều ở bán trú vì chung cảnh xa nhà. Thầy cô ở gần thì cuối tuần về, còn người ở các tỉnh như Phú Thọ, Thái Nguyên thì 1, 2 tháng. Thậm chí các thầy cô ở Nam Định, Ninh Bình cả năm mới về nhà hai lần dịp tết và hè.

Chỗ ở của họ thì gói gọn trong căn phòng 6m2dành cho 2, 3 người. Mỗi khi "nhà có khách" là chồng của giáo viên nào lên thăm thì người ở cùng biết ý đi ngủ nhờ phòng khác để tạo điều kiện cho vợ chồng đồng nghiệp lâu ngày không gặp nhau. Chuyện "cười ra nước mắt này", cô Thảo lâu nay chỉ biết an ủi các thầy cô: "Ở đông cho vui".

Theo Khám phá


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.