Có nên để con cái tự quyết định tương lai của mình?

Thay vì đau đầu chọn trường, chọn nghề và áp đặt con cái phải theo, nhiều phụ huynh cho rằng hãy cứ để con trẻ tự quyết định khi chọn một nghề cho bản thân trong tương lai.

Theo quy chế mới, các trường ĐH-CĐ tới tháng 8/2015 mới bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển thay vì vào tháng 3, tháng 4 như mọi năm. Đây là cơ hội cho phụ huynh và học sinh có thêm thời gian để chọn trường, chọn nghề nghiệp tương lai kỹ càng hơn. Thay vì đau đầu chọn và áp đặt con cái phải theo, nhiều phụ huynh cho rằng hãy cứ để con trẻ tự quyết định khi chọn một nghề cho bản thân trong tương lai.
>>6 phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng 2015
>>Mượn danh “con nhà người ta”, bố mẹ đang khiến trẻ tự ti?
>>Nghèo đói không nên là trường đại học tốt nhất

Đừng áp đặt cho con theo ý mình
ThS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Khoa Tâm lý giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết thầy từng làm những cuộc khảo sát như: “Nếu có cơ hội lần hai, anh chị nào đang ngồi đây quyết định sẽ chọn lại ngành học cho mình?”. Kết quả vô cùng bất ngờ: 60-70% sinh viên nhanh chóng giơ tay và nhiều em trong số đó cho biết rằng “Vì em thi theo bắt buộc của gia đình. Ba em bắt học ngành này để khi em tốt nghiệp, ba đưa vào công ty của ba; mẹ muốn em học ngành này để sau này giàu có….”.

Đây cũng là lý do nhiều sinh viên tự ép mình học ngành mà mình không hứng thú, cũng chẳng phù hợp, cuối cùng, các em chỉ cố học cho qua, cố thi để ra trường. Thực tế, nhiều em học đại học ra trường nhưng không thể làm và sống được với nghề mình đã học do thiếu đam mê và kiến thức thì hời hợt. Không ít em sau đó thất nghiệp, sống dựa vào bố mẹ hoặc phải rẽ ngang làm một nghề khác hẳn, thậm chí học lại từ đầu với một lựa chọn khác.
Thực trạng này khiến nhiều phụ huynh hiện nay rút kinh nghiệm cho con quyền tự quyết khi chọn trường chọn nghề cũng như  tự chịu trách nhiệm cho tương lai của mình.
Chú Nguyễn Văn Tảo (Thanh Liêm, Hà Nam) tâm sự: "Tôi có 3 đứa con gái, đứa đầu

Chú Nguyễn Văn Tảo (Thanh Liêm, Hà Nam)
thi đỗ ĐH Sư phạm Hà Nội nhưng lúc đó kinh tế gia đình khó khăn, lại có đứa thứ 2 năm sau cũng thi mà nó lại học giỏi hơn chị. Lo cả 2 đứa cùng học trên Hà Nội thì lấy tiền đâu mà nuôi, thế là tôi bắt cháu lớn học cao đẳng sư phạm ở quê. Giờ cháu ra trường đi dạy mấy năm rồi mà chẳng vào được biên chế, lương hợp đồng bèo bọt, thương con mà tôi ân hận mãi".

"Đứa thứ 2 thì đúng là học tài thi phận, cháu học tốt hơn chị mà thi 2 năm liền chẳng đỗ vào đâu cả (tôi thích và hướng cháu thi vào ngành Y và Kinh tế), giờ nó giận bố mẹ không cho thi trường nó chọn nên ở nhà đi làm may, vất vả lắm. Sắp tới đến lượt con bé út chắc tôi cho nó tự quyết, thích thi gì thì thi, thích học gì thì học chứ như 2 đứa lớn bây giờ cứ quay ra trách tôi, đau đầu lắm rồi”.
Tâm lý phụ huynh thường muốn con mình học đại học để có những công việc danh giá, nhàn nhã mà nhiều tiền. Thế nhưng thực tế trong cuộc sống cho thấy, không phải tất cả những người thành công trong xã hội đều bước ra từ cánh cửa đại học. Theo các chuyên gia, để dễ tìm việc làm và có một việc làm tốt sau này, thí sinh không nên đua theo các ngành nghề “cao sang” mà nên chọn nghề phù hợp với mình, vì có phù hợp với khả năng của mình thì mới có thể học giỏi và hẳn nhiên cơ hội việc làm sau tốt nghiệp cũng tốt hơn.

Định hướng nghề cần căn cứ trên năng lực của con

Quan điểm cho con quyền tự  lựa chọn nghề nghiệp và tự chịu trách nhiệm với tương lai của mình  đang được khá nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên có nên buông lỏng hoàn toàn? Con cái tự quyết có chính xác?

Facebooker Tường Nguyễn Mạnh chia sẻ trên trang cá nhân: “Mình từ bé được coi học cũng tạm, đi học từ lớp 1-12 nào cũng top 1-2, vào đại học thì kém hẳn vì toàn nhân tài cả nước lại dân chuyên nhiều, năm thứ nhất ĐH ngồi học Toán cao cấp, Toán rời rạc mà chả hiểu gì sất. Rồi sau đó đi Hàn học MSc về Software, rồi học MBA về Finance & Banking. Nhưng cuối cùng hiện nay đang làm...bồi bàn và tư vấn tài chính”.

Anh Nguyễn Văn Tuấn (Trung Văn, Hà Nội) sinh viên Bách Khoa Hà Nội, khoa Kinh tế năng lượng K46 cho biết: Lớp anh có 36 người, thì tới bây giờ, sau gần 10 năm ra trường có tới một nửa là làm nghề khác chứ không theo nghề đã học. Lý do thì mỗi người mỗi khác, bản thân anh cũng đang làm một nghề không đúng ngành lắm.

Anh Nguyễn Văn Tuấn (Trung Văn, Hà Nội)

Ngoài ra anh Tuấn chia sẻ thêm: “Gia đình tôi thuộc dạng tân tiến nên thời đó cũng không áp đặt con cái chuyện chọn trường chọn nghề. Nhà có 4 anh em trai thì chúng tôi đều tự tham khảo và quyết định chọn, chủ yếu theo xu hướng thời đại. Ông anh cả theo học xây dựng (ngành hot những năm 1997), tuy nhiên sức khỏe hơi yếu nên ra trường làm đúng nghề nhưng thu nhập cũng chỉ tàm tạm (không theo công trình được nhiều). Bản thân tôi, năm 2001chọn ngành IT để thi nhưng không đủ điểm nên đành vào học Kinh tế năng lượng của Bách Khoa, may sao lại hợp và giờ công việc cũng tương đối. Cậu em thứ 3 học cao đẳng Công nghiệp, rồi học liên thông lên ĐH nhưng đi làm lại thấy không hợp, không “sống” được với nghề, giờ chuyển sang kinh doanh, tư vấn bất động sản thì lại ổn. Cậu bé nhất, rút kinh nghiệm, chúng tôi dựa vào năng khiếu của nó tư vấn học công nghệ thông tin, quả thật em nó có sự yêu thích nên học tốt và hiện giờ công việc rất ổn, lương cao.

Có thể thấy việc tôn trọng ý thích của con cái, cho con quyền tự quyết nghề nghiệp tương lai của mình là điều nên làm. Tuy nhiên với những chuyện quan trọng cả đời thế này, phụ huynh không quyết định thay con nhưng phải là người đồng hành và tư vấn cho con. Đồng thời cũng nên căn cứ vào năng lực bản thân mỗi người để đưa ra những lời khuyên bổ ích với con cái. Với kinh nghiệm và tầm nhìn về cơ hội việc làm tốt hơn, phụ huynh nên phân tích ưu nhược điểm của từng nghề, xem nghề nào phù hợp với sở trường của con rồi hãy chọn. Trong trường hợp bố mẹ ở nông thôn chẳng hạn, kinh nghiệm chưa nhiều thì có thể nhờ người thân bạn bè có tầm hiểu hiêt rộng hơn để cùng tư vấn cho con.

Ba đỉnh của tam giác chọn nghề

Muốn có một nghề nghiệp hợp lý, phải thỏa mãn cả ba đỉnh của tam giác chọn nghề, nhưng thông thường, cha mẹ chỉ yêu cầu con vì một tiêu chí duy nhất: cơ hội nghề nghiệp, mà không tính đến những yếu tố quan trọng khác.

Đỉnh thứ nhất là đam mê. Muốn sống chung trọn đời với nghề nghiệp đó, muốn có động lực để rèn luyện chuyên môn thì phải có sự yêu thích, có động cơ.

Đỉnh thứ hai là năng lực. Đó chính là năng khiếu. Đây là yếu tố tạo nên sự ham muốn tìm tòi, và bạn muốn phát triển tiếp nó lên.

Đỉnh thứ ba là cơ hội nghề nghiệp. Đầu tiên là cơ hội việc làm hoặc tự tạo việc làm. Những ngành nghề xã hội cần lao động sẽ có nhiều cơ hội tìm việc. Tuy nhiên, những ngành ấy cũng sẽ có rất nhiều thí sinh chen vào. Một cái chậu có mười con cá và một cái chậu có hai con cá, hãy chọn lựa một cách khôn ngoan.

Nguồn: Internet

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, khi con cái chọn trường chọn nghề thì cha mẹ nên thế nào?

Vân Khánh (Vietnamnet)


Bình luận