Phương pháp này xác định điểm chuẩn theo phần trăm của điểm chuẩn hiện tại dựa trên tổng điểm 3 môn của thí sinh. Nguyên tắc chung là điểm càng cao phần trăm điểm cộng ưu tiên càng giảm.
Ví dụ, mức phần trăm điểm cộng cho thí sinh đạt 27 điểm là 50. Nếu ở khu vực 1, em sẽ được cộng 50% của 1,5, tương ứng 0,75 điểm và có tổng điểm xét tuyển là 27,75.
Với 27 điểm, thí sinh ở khu vực 2 được cộng 50% của 0,5, tức 0,25 điểm và có tổng điểm xét tuyển là 27,05.
Phần trăm điểm cộng giảm dần, đến mức điểm 29,5, thí sinh sẽ chỉ được cộng 12,5% điểm cộng theo quy định hiện tại. Điều này đồng nghĩa việc, trường hợp em ở khu vực 1, được cộng điểm ưu tiên nhiều nhất, số điểm cộng thêm là 0,09. Điểm xét tuyển đạt 29,84.
Thí sinh đạt 30 điểm cho 3 môn xét tuyển sẽ không được cộng điểm ưu tiên. Như vậy, nghịch lý 30 điểm trượt đại học hay trường hợp lấy điểm chuẩn 30,5 sẽ không xảy ra.
Người đưa ra đề xuất này là anh Nguyễn Minh Tú, cựu sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội. Anh Tú cho rằng việc cộng điểm ưu tiên khu vực là cần thiết song cách cộng hiện nay đang quá "lãi" đối với thí sinh khu vực 1.
Cựu sinh viên Bách khoa đề xuất lấy 18 làm mốc điểm cơ bản. Thí sinh đạt mức điểm này được cộng 100% điểm ưu tiên. Tại các mức điểm khác, điểm cộng được xác định dựa trên công thức chung.
Ví dụ, nếu số người đạt 18 điểm là 5.000 và 2.000 em đạt 27 điểm, điểm cộng của thí sinh đạt 27 điểm là 2.000/5.000, tương đương 40%.
Để đảm bảo thí sinh yên tâm về số điểm được cộng, không phụ thuộc vào phổ điểm năm cụ thể, việc xác định điểm ưu tiên sẽ được cố định.
Cách tính phần trăm điểm ưu tiên theo nguyên tắc điểm cộng giảm dần khi tổng điểm tăng. Ảnh: Minh Tú. |
Anh đề xuất phần trăm điểm ưu tiên (y) được xác định dựa trên 4 phương trình theo 4 mức điểm (x).
Từ 0 đến 18 điểm, y = (-1/72)*x + 1,25. Như vậy, nếu thí sinh đạt 15 điểm, phần trăm điểm ưu tiên của em sẽ là (-1/72)*15 + 1,25 và xấp xỉ 1,042 (104,2%).
Các khoảng điểm tiếp theo tính theo phương trình như biểu đồ trên.
Mốc điểm trong đồ thị điểm ưu tiên đó có thể do các chuyên gia tùy chọn sao cho phù hợp các khu vực. Sau khi xác định hệ số cho điểm ưu tiên khu vực, mức cộng này sẽ được cố định.
Điểm ưu tiên khu vực được tính dựa trên mức điểm thí sinh đạt được. Ảnh: Minh Tú. |
(Xem thêm mức điểm cộng ưu tiên khu vực cụ thể cho từng mức điểm do anh Nguyễn Minh Tú đề xuất tại đây).
Với cách cộng điểm này, tổng điểm sẽ được làm tròn như quy định hiện nay rồi mới xác định điểm ưu tiên. Sau đó, điểm xét tuyển sẽ không làm tròn. Như vậy, trường không cần dùng tiêu chí phụ.
Trong trường hợp nhiều thí sinh có điểm xét tuyển là 30, trường có thể lấy khu vực làm tiêu chí phụ.
"Cách này có thể giải quyết tình trạng bất công do điểm ưu tiên khu vực, loại bỏ nghịch lý 30 điểm vẫn trượt đại học và trường hợp lấy điểm chuẩn 30,5", cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội khẳng định.