- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
Học sinh lớp 9 viết tâm thư thỉnh cầu “mở” cổng trường
Bức tâm thư xúc động của một em học sinh Trường THCS Nguyễn Du (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) nhằm thỉnh cầu ngành chức năng địa phương sớm giải quyết dứt điểm việc cổng trường bị đóng...
Bức tâm thư xúc động của một em học sinh Trường THCS Nguyễn Du (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) nhằm thỉnh cầu ngành chức năng địa phương sớm giải quyết dứt điểm việc cổng trường bị đóng để các em học sinh và thầy cô tại đây được an tâm đến trường.
Bức tâm thư dài khoảng 5 trang giấy được viết bởi một em học sinh lớp 9 của Trường THCS Nguyễn Du (xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu). Em học sinh này cho biết, qua tìm hiểu từ thầy cô và người dân địa phương nên em biết được vụ việc trường học bị đóng cổng chính. Vì thế, em viết bức tâm thư này với mong muốn ngôi trường mà mình đang theo học được “trở lại bình thường” như bao ngôi trường khác.
Xin đăng toàn bức tâm thư:
“Cũng như các bạn khác, với cương vị là một học sinh được sống và học tập trong một môi trường giáo dục hoàn toàn tốt đẹp như ngôi trường Trung học cơ sở Nguyễn Du, chúng em thật sự hạnh phúc và tự hào. Rời xa mái trường cùng 3 tháng hè, chúng em bắt đầu trở lại ngôi nhà thứ 2 tràn đầy yêu thương và ấm áp của mình.
Thế nhưng, đó không còn là niềm vui, sự phấn khởi, háo hức nữa mà thay vào đó là sự tuyệt vọng, lo lắng với những sự việc xảy ra trước mắt. Tình trạng trường bị đóng cửa đã diễn ra suốt gần 2 năm. Cùng với đó là những biển hiệu, logo được treo lên nói về vụ việc tranh chấp đất giữa địa phương và một hộ dân khác. Những hàng rào đã được giăng lên cổng trường và hơn thế nữa là một cái hố to đùng xuất hiện ngay trước cổng ra vào. Biểu tượng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du dần như đang bị đe dọa. Đây là điều mà ai trong chúng ta cũng không mong muốn, nhất là các bạn học sinh đã và đang còn ngồi trong ghế nhà trường. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp sự lo âu, buồn bã của thầy cô và các bạn qua vẻ mặt. Sự việc này không đơn thuần là thiệt hại tài sản, vật chất mà hậu quả đáng lo ngại hơn chính là gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng học tập của các bạn học sinh. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì hậu quả để lại là vô cùng nghiêm trọng và khó lường. Tương lai của các bạn rồi sẽ ra sao? Điều nhờ vào quá trình học tập và giảng dạy, nhưng nếu không có được môi trường thích hợp và điều kiện học tập tốt thì kết quả sẽ như thế nào? Nó không mang lại hiệu quả như mong muốn mà có thể là mặt trái. Kiến thức không lúc nào cũng có sẵn mà ngược lại, nếu không được củng cố thì trở nên vô ích, nó sẽ trở thành một con sâu đục khoét vào trí não, đầu óc. Điều đó cũng như tình cảnh “ngàn cân treo sợ tóc” của nhà trường và các bạn học sinh vậy.
Điều đáng nói hơn ở đây là kiến thức của học sinh rồi sẽ ra sao nếu không được tu dưỡng, vun đắp trong một thời gian khá dài như vậy. “Đi đến trường không được học rồi lại ra về” là hình ảnh quen thuộc thường hay thấy của học sinh chúng em.
Chúng em không thể làm gì khác ngoài việc chờ đợi ngày này qua ngày nọ. Sự ảnh hưởng tiêu cực mà việc này mang lại thật khó để giải quyết nếu chỉ dựa vào sự đồng lòng từ nhà trường và học sinh. Mọi người cảm thấy thật sự bất lực, không còn cách nào khác, mặc dù không muốn nhưng vẫn phải chờ đợi kết quả từ một phía. Vì vậy, ngay từ bây giờ hãy hành động vì lợi ích của nhà trường và học sinh. Hãy bảo vệ những mầm non nhỏ, những chủ nhân tương lai của đất nước để những mầm non này tiếp tục phát huy khả năng, kiến thức của bản thân, cũng như trang bị cho những học sinh những nền tảng tri thức bổ ích để có tự tin bước vào ngưỡng cửa giáo dục mới.
Không chỉ em, mà em muốn thay mặt tất cả các bạn của Trường THCS Nguyễn Du bày tỏ mong muốn, nguyện vọng của bản thân. Rất mong cơ quan, tổ chức, Nhà nước sớm giải quyết tình trạng “căng thẳng” này để lấy lại cho chúng em một sân chơi học tập lành mạnh, bổ ích như trước và cũng như có thể giành lại quyền và lợi ích hợp pháp của những người xứng đáng được hưởng. Chúng em xin chân thành cảm ơn”.
Trên là toàn bộ bức tâm thư của em T.T.N.L., đại diện học sinh của Trường THCS Nguyễn Du đã viết tay. Nhận được bức tâm thư trên, PV đã tìm về địa phương để tìm hiểu thực hư vụ việc.
Ngày PV có mặt tại ngôi trường này, ghi nhận, cánh cổng trường bị đóng chặt, ngay phía ngoài là hàng rào cây phủ kín không thể đi vào được bên trong trường, kề bên đó là một băng rôn dài tóm tắt ngắn gọn việc tranh chấp của hộ dân và chính quyền địa phương .
Để vào được bên trong, một em học sinh dẫn PV đi sang một bên hông trường và phải… leo rào (bức tường bị đập thấp xuống một đoạn - PV) mới có thể vào được. Dù gần đến ngày tựu trường nhưng ngôi trường khá vắng vẻ, chỉ có 1, 2 thầy cô đang làm vài thủ tục giấy tờ bên trong phòng.
“Với tình cảnh cổng trường đóng cửa, không muốn cho con em mình học ở đây nữa, mới đây đã có nhiều phụ huynh đến rút hồ sơ cho con đi học nơi khác rồi”, một giáo viên cho biết.
Trong khi đó, một số giáo viên ở khu tập thể ngay trong trường cũng chung cảnh bất tiện khi ra vào trường. Do trường đóng cửa nên nhiều giáo viên phải gửi xe bên ngoài, rồi leo rào để vào trong.
Theo một số giáo viên, những gì mà trường đang gặp phải như những lời mà học sinh của trường đã nói đến trong bức tâm thư đã nói trên. Họ cũng mong muốn chính quyền địa phương sớm giải quyết dứt điểm vụ việc để trường hoạt động được thông suốt hơn.
Trao đổi với PV về vụ việc trên, ông Ngô Hoàng Oanh - Chủ tịch UBND xã Lộc Ninh, thừa nhận, có việc Trường THCS Nguyễn Du bị người dân đóng, rào cổng chính. Tuy nhiên, việc tranh chấp là giữa hộ dân với chính quyền địa phương chứ không phải với trường học.
Theo ông Oanh, nhiều năm trước đây, huyện có mua phần đất của gia đình ông Lục Văn Hữu để xây dựng một số công trình, trong đó có Trường THCS Nguyễn Du. Tuy nhiên, trong quá trình làm thủ tục giấy tờ có nhiều vướng mắc chưa được xử lý cụ thể nên dẫn đến sự bức xúc của gia đình.
“Việc người dân đóng cổng chính đã xảy ra nhiều lần chứ không chỉ một lần mỗi khi họ thấy bức xúc vì không được giải quyết thỏa đáng. Hộ dân đó đóng cổng chính của trường nhằm gây áp lực với địa phương sớm giải quyết dứt điểm việc tranh chấp mua bán đất từ nhiều năm qua giữa họ với Nhà nước mà thôi, chứ không liên quan gì đến nhà trường”, ông Oanh thông tin.
PV đặt vấn đề, nếu không liên quan gì đến nhà trường thì việc hộ dân đóng cổng chính sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập ở đây, vậy chính quyền địa phương xử lý thế nào? Ông Oanh cho biết, mỗi khi hộ dân đóng cổng, xã chỉ biết vận động, tuyên truyền để họ mở cổng, tạo điều kiện cho nhà trường hoạt động thuận lợi.
“Chỗ gia đình ông Hữu có nói nếu vụ việc giải quyết dứt điểm, thỏa đáng thì ông sẽ không đóng cổng nữa vì vụ việc của ông không dính dáng gì đến nhà trường. Xã chỉ biết báo cáo lên cấp trên để xem xét giải quyết chứ việc giải quyết tranh chấp không thuộc thẩm quyền của xã”, ông Oanh lý giải.
Cũng theo Chủ tịch xã Lộc Ninh, hiện các ngành chức năng của huyện đang xúc tiến để sớm giải quyết dứt điểm vụ việc trước năm học mới này.
Khi làm việc với PV, ông Nguyễn Quốc Tuấn- Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Hồng Dân, cũng thừa nhận: Việc đóng, rào cổng trường thời gian quan đã tạo tâm lý không tốt cho phụ huynh và học sinh.
Theo ông Tuấn, Phòng đã có báo cáo lên huyện và Sở GD-ĐT. UBND huyện đang tích cực làm việc với các ngành chức năng của tỉnh để giải quyết rốt ráo vụ việc liên quan đến hộ dân.
PV Dân trí nêu vấn đề, nếu vụ việc vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm mà cổng trường bị đóng nữa thì ngành giáo dục sẽ xử lý thế nào để ổn định việc học tập tại trường? Ông Tuấn quả quyết: “Thời gian này chưa nhập trường nên phụ huynh cứ yên tâm. Dứt khoát chuyện đóng, rào cổng trường sẽ không xảy ra trong năm học mới này. Lần này là giải quyết dứt điểm để không còn tình trạng trường bị đóng cổng nữa”.
Vì một vụ tranh chấp đất đai của một hộ dân với chính quyền địa phương từ nhiều năm nay chưa được giải quyết rốt ráo mà gần 2 năm qua, hơn 32 thầy cô giáo, nhân viên và trên 450 học sinh của trường bị ảnh hưởng rất lớn trong việc dạy và học.
Năm học 2016-2017 sắp bắt đầu, nếu tình cảnh cổng trường lại lúc đóng, lúc mở thì việc học tập tại đây sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.
-
Tin giáo dục09/02/2020Ghi nhận đến chiều ngày 8/2, trên cả nước đã có 63 tỉnh, thành thông báo cho học sinh các cấp được nghỉ thêm 1 tuần nữa để phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra.
-
Tin giáo dục07/02/2020Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt tờ trình của Sở GD&ĐT Hà Nội, theo đó học sinh các cấp sẽ được nghỉ tới hết ngày 16/2 để phòng dịch do virus corona gây ra.
-
Tin giáo dục07/02/2020Tính đến 15h ngày 7/2 đã có 35 tỉnh/thành phố kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh thêm để phòng, chống dịch bệnh nCoV.
-
Tin giáo dục07/02/2020Học sinh các cấp tại Hà Nội có thể được nghỉ tiếp 1 tuần nữa và đến 17/2 sẽ quay trở lại trường học.
-
Tin giáo dục06/02/2020Chiều 6/2, ông Nguyễn Thành Trung, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết học sinh trên địa bàn thành phố nghỉ đến ngày 16/2.
-
Tin giáo dục06/02/2020So với kế hoạch ban đầu, các trường đại học đã lùi lịch học lại 2 tuần và dự kiến sinh viên quay trở lại trường vào ngày 17/2.
-
Tin giáo dục06/02/2020Sở GD&ĐT TP.HCM đề nghị cho toàn bộ học sinh thành phố nghỉ đến ngày 16/2 để phòng chống dịch nCoV.
-
Tin giáo dục06/02/2020Tỉnh Quảng Ngãi cho học sinh nghỉ đến ngày 16/2. Đây là tỉnh đầu tiên kéo dài lịch nghỉ cho học sinh thêm một tuần.