LTS: Môn Ngữ văn bậc Trung học phổ thông đang đối diện với nhiều khúc mắc trong nội dung giảng dạy.
Những nội dung lạc hậu đến mức người đọc, người học "vừa buồn cười vừa tức" nhưng không biết phải làm sao.
Trong bài viết này, tác giả Khánh Văn đã chỉ ra một số điểm đã lỗi thời và cần phải đổi mới cho phù hợp với học sinh.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết về việc thay sách giáo khoa vào năm học 2018-2019 khiến cho nhiều giáo viên kì vọng. Bởi ai cũng mong muốn có những điều chỉnh về nội dung kiến thức, cắt giảm những kiến thức lạc hậu, không còn phù hợp.
Và, đặc biệt là lần thay sách lần này sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa sẽ tạo nên một diện mạo mới cho ngành giáo dục.
Phải nói rằng bộ sách giáo khoa hiện nay có nhiều bất cập. Đó là nhiều kiến thức dàn trải, nhiều bài kiến thức quá nặng và cũng nhiều bài đã quá lạc hậu so với thời điểm hiện tại.
Trong bài viết này, chúng tôi xin phản ánh về những bất cập trong sách giáo khoa Ngữ văn cấp Trung học cơ sở.
Trong 4 cuốn sách giáo khoa Ngữ văn cấp THCS thì sách giáo khoa lớp 7 là nặng về kiến thức nhất. Bởi phần Đọc - hiểu văn bản ở học kì 1 có quá nhiều thơ Đường luật được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm.
Chỉ riêng học kì 1 thì học sinh lớp 7 phải tiếp cận với 13 tác phẩm
và đoạn trích. Trong đó, có 8 tác phẩm và đoạn trích thơ Đường luật của
văn học Việt Nam và 5 tác phẩm thơ Đường luật của Trung Quốc.
Mặc dù những tác phẩm này rất hay và tiêu biểu của văn học Việt Nam và
Trung Quốc nhưng với trình độ cảm nhận của học sinh lớp 7 thì các em rất
khó tiếp cận được cái hay của từng thi phẩm.
Bởi, chúng ta thử hình dung các em học sinh 12-13 tuổi thì liệu các em
có thẩm thấu được những nội dung và tư tưởng mà các nhà thơ đã thể hiện
không?
Nếu người nào đã được học chữ Hán và chữ Nôm sẽ hiểu, khi đọc và học thơ chữ Hán thì cái hay nằm ở phần phiên âm và dịch nghĩa.
Tuy nhiên, theo hướng dẫn hiện hành thì các giáo viên chủ yếu là dạy phần dịch thơ.
Nên nhiều khi có những bài thơ dịch không sát nghĩa đã giảm đi cái
hồn của thi phẩm - Bài Nam quốc sơn hà là một ví dụ khi dịch chữ “đế”
sang chữ “vua”.
Hơn nữa, đối với thơ Đường luật đòi hỏi một trình độ nhất định mới thẩm
thấu và phân biệt được những qui định bắt buộc của từng thể loại. Nào là
phép đối, niêm, luật, cách gieo vần…
Vì thế, việc đưa những văn bản này vào sách Ngữ văn 7 là quá tầm với
của học sinh. Trước đây, phần văn học này thuộc chương trình Ngữ văn 9.
Phần văn bản nhật dụng của sách giáo khoa hiện hành của cấp Trung học cơ
sở đưa vào rất nhiều (13 tác phẩm) và cũng có nhiều bài quá tầm cảm
nhận của học sinh.
Ví dụ ở lớp 6 có bài Bức thư của thủ lĩnh da đỏ đề cập đến vấn
đề: Năm 1854, Tổng thống thứ 14 của nước Mĩ là Phreng-klin Pi-ơ-xơ muốn
người da đỏ nhượng bớt đất cho người da trắng.
Tù trưởng Xi-át-tơn (Seattle) của bộ lạc da đỏ Đu-oa-mix (Duwamish) và
Su-qua-mix (Supuamish) đã trả lời với người đại diện của Tổng thống Hoa
Kì.
Một câu chuyện thể hiện quyền lợi của cả một dân tộc như vậy mà bắt
học sinh lớp 6 phân tích, cảm nhận thì liệu các em có làm nổi không?
Còn ở chương trình Sách giáo khoa Ngữ văn 9, tập I đưa vào văn bản Đấu tranh cho một thế giới hòa bình của nhà văn Mắc két người Côlômbia.
Theo chúng tôi vấn đề hạt nhân là vấn đề chính trị quá lớn thuộc vào
tầm vĩ mô của cả nhân loại, thuộc phạm vi của các nguyên thủ quốc gia
mới có thể giải quyết được.
Bởi, kể từ thế chiến thứ 2 khi Mĩ bỏ hai quả bom nguyên tử xuống Nhật
Bản đến nay chúng ta vẫn chưa hạn chế việc sản xuất mà mỗi ngày lại càng
được sản xuất và các quốc gia sở hữu lại càng nhiều vũ khí hạt nhân
hơn.
Với một vấn đề lớn như vậy phải chăng khi đưa vào chương trình giảng dạy ngữ văn lớp 9 là đang đánh đố cả thầy và trò?
Hơn nữa, việc đưa thể loại văn bản nhật dụng vào sách Ngữ văn nhưng
không có tính văn chương mà theo cách lí giải của người viết sách là:
chỉ để giáo dục cho các em ý thức để đấu tranh, bảo vệ và giữ gìn… thì
rõ ràng đưa vào bộ môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân thì sẽ phù hợp
và dễ dạy hơn, bởi nó phù hợp với đặc trưng của các môn học này.
Nếu cần thiết đưa vào Ngữ văn vì nó có nhiều phương thức biểu đạt giống
môn Văn thì rõ ràng chúng ta đưa hẳn những văn bản văn học đích thực vào
sẽ cung cấp cho các em kiến thức môn học nhiều hơn.
Phân môn Tập làm văn cũng có nhiều bài bất cập và lạc hậu trong cách ra đề thi của sách giáo khoa.
Ví dụ ở lớp 8 khi học về phương thức biểu đạt thuyết minh có các đề tham
khảo và thường được giáo viên đưa vào các bài kiểm tra định kì và cả
thi học kì như: Em hãy thuyết minh chiếc áo dài Việt Nam, Em hãy thuyết minh về chiếc nón lá, Em hãy thuyết minh về chiếc phích (bình thủy)...
Đây là 3 đề thường được giáo viên lựa chọn nhưng thử hỏi: Những đề thi
kiểu này liệu có phù hợp với học sinh lớp 8 không? Nón lá thì chỉ có
những người làm nghề nông ở miền Trung, miền Bắc mới dùng, còn miền Nam
thì rất hiếm.
Áo dài thì phải là học sinh nữ cấp THPT mới mặc nhưng học sinh miền
Bắc lại ít bắt đồng phục áo dài. Đối với chiếc phích đựng nước thì chỉ
có miền Bắc, miền Trung lạnh mới dùng…
Thành thử, khi ra các đề này học sinh làm lung tung hoặc lên mạng chép,
còn bản chất nội dung như thế nào thì các em không thể nào biết được.
Nên nhớ, văn thuyết minh đòi hỏi rất khắt khe, không thể dùng trí tưởng
tượng mà viết được.
Bởi mục đích cuối cùng của phương thức biểu đạt này là cung cấp tri thức khách quan cho người đọc, người nghe.
Lên lớp 9 thì học phương thức Tự sự kết hợp với biểu cảm nên có đề văn
yêu cầu viết thư cho bạn. Rồi có cả một bài Thư - điện học trong 2
tiết.
Từ lâu, chuyện viết thư gần như đã không còn nữa, còn chuyện điện báo
thì tuyệt nhiên không còn ai dùng. Bởi nhà nào cũng đã có điện thoại cố
định và di động rồi.
Vì thế, khi dạy học sinh những bài này thực sự đã không còn phù hợp và cần thiết nữa.
Ngoài ra, còn nhiều văn bản và các ví dụ trong phần Tiếng Việt không
hoặc chưa phù hợp mà trong phạm vị bài viết này chúng tôi không thể đề
cập hết.
Sách giáo khoa hiện hành được thiết kế và xây dựng dạy theo tích hợp
từng bài có sự kết hợp của 3 phân môn Ngữ văn nên không chú trọng phần
Văn học sử.
Vì thế, việc bố trí một số bài quá tầm lĩnh hội của học sinh, hoặc có
nhiều bài còn dài dòng - nhất là đối với phân môn Tập làm văn là điều
không cần thiết.
Hi vọng, lần thay sách giáo khoa vào năm 2018-2019 của Bộ giáo dục cần
xây dựng được bộ sách phù hợp kiến thức, lí giải vấn đề một cách ngắn
gọn, dễ hiểu và tăng khả năng tự học là điều mà giáo viên và học sinh
mong muốn.
Chúng ta đã nói nhiều về thực trạng học sinh không thích học Văn, không
viết được bài văn hay đúng nghĩa, chúng ta thường nói nhiều đến tình
trạng văn hóa học đường xuống cấp, bạo lực học đường tăng nhanh thì hãy
đưa môn Văn về giá trị đích thực của nó.
Một tác phẩm văn học hay sẽ cảm hóa được nhiều tâm hồn thơ trẻ biết yêu và trân trọng cái đẹp.
Theo Giáo dục Việt Nam