Những đứa trẻ không lớn trong chiếc áo quá chật

Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, hình ảnh những ông bố bà mẹ vã mồ hôi ngồi ngoài trời trong cái nóng hơn 40oC, chỉ để làm một điều mà nhiều người coi là… vô nghĩa

Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, hình ảnh những ông bố bà mẹ vã mồ hôi ngồi ngoài trời trong cái nóng hơn 40oC, chỉ để làm một điều mà nhiều người coi là… vô nghĩa, là chờ đợi 3 tiếng đồng hồ trong lúc con đi thi, đã gây ra không ít ý kiến trái chiều.

Rồi những câu chuyện, những hình ảnh cha mẹ chăm lo cho con cái. Đặc biệt, câu chuyện về một người mẹ mới phẫu thuật gan chưa lâu, nhưng cố gắng theo con đến trường thi, trong lúc chờ con phải xin sinh viên tình nguyện mảnh bìa để thỉnh thoảng nằm xuống cho đỡ đau. Lý do chị đưa ra là “không yên tâm để con đi thi một mình”, dù địa điểm thi ở Trường ĐH Kinh tế quốc dân cách nhà chị ở phố Mai Động có vài kilomet, đã không khiến mấy người cảm động mà còn trách móc.

Những chăm sóc, lo lắng cho con trong những ngày thi cử còn có thể đồng cảm được. Chứ những chăm sóc của các bậc phụ huynh với các cô – cậu ở độ tuổi không còn nhỏ mới làm nhiều người phát sốt.

thi THPT quốc gia, chăm con
Ngóng con... (Ảnh N.Trang)

Chăm con như thể…

Chị Thanh Mai (Hà Nội) có chiến công chở con đi học trong suốt 12 năm qua. Ngày nắng cũng như ngày mưa, ngày hai buổi chị chở cậu con trai đến trường. Khi nào bố cháu có thời gian thì bố sẽ chở, hoặc khi nào chị bận sẽ nhờ em gái hoặc em trai đi đón cháu. Từ tiểu học, lên cấp hai, rồi đến khi con học cấp 3, chị vẫn chạy xe ngoài đường như vậy, từ lớp học chính đến lớp học thêm của con. Cậu con trai cứ cao dần lên sau lưng mẹ. Hỏi chị tại sao không để con tự đi xe đạp, chị bảo sợ không an toàn. Hỏi tại sao không dạy con đi bus chị đỡ mất công đưa đón, chị nói đi bus chậm, con phải di chuyển nhiều sợ con không có thời gian nghỉ ngơi. Hỏi chị sao không để con tự đi hoặc thuê xe ôm đưa đón, chị nói không muốn người lạ chở con mình…

Nếu nói về chiều con, thì chị Minh Ngọc (Hà Nội) xứng đáng ở nhóm đầu. Hai vợ chồng chỉ có một cô con gái, nên chị chăm con tận răng. Con gái lớn tướng nhưng nấu ăn rửa bát vẫn là mẹ, con chỉ có việc học. Mỗi sáng, chị vào phòng gọi con trước 15 phút, nửa tiếng để… massage cho con đỡ mỏi sau một đêm nằm ngủ. Việc chăm con ăn thì khỏi cần bàn. Người bác tới chơi về kể, sốc nhất là chị ngồi… gọt quả chôm chôm cho con ăn. Không chỉ là cắt bỏ vỏ, mà là cắt lát phần thịt quả ra, để con ăn không bị dính hạt.

Việc ăn uống, đi lại với các mẹ đã là rất to tát. Còn chuyện tình cảm thì đúng là… kinh thiên động địa. Các bố mẹ hay muốn con được hưởng nền giáo dục của các nước tiên tiến, muốn con học được các kiến thức mới mẻ, nhưng con Tây có thể yêu sớm chứ con Ta mà như thế thì không được.

“Hôm trước ra cửa hàng tạp hóa chứng kiến một cậu trông còn trẻ lắm, chắc học lớp 11, 12 hoặc năm đầu đại học là cùng, tỉnh bơ hỏi mua băng vệ sinh cho bạn gái. Nghĩ đến cảnh sau này con trai mình đi mua đồ cho bạn gái như vậy, mình thấy tức nghẹn. Rồi lại nghĩ tới lúc con gái mình được bạn trai đi mua cho như vậy, chắc mình chết mất” – chị Hoàng Lan than thở.

Khi nào mới thả?

Lý giải cho tâm lý chăm con tới mức kỳ lạ như thế, nhiều phụ huynh cho rằng con càng ở độ tuổi vị thành niên thì càng phải quan tâm chăm sóc.

“Lúc nhỏ chỉ lo chuyện nó ăn no học giỏi, nó lớn lên còn là chuyện tâm sinh lý, mình càng phải lo. Từ 15 là độ tuổi tâm sinh lý bắt đầu phát triển rồi, nhưng chưa hoàn thiện. Nên nó ra đường, đi chơi với bạn bè là mình lo đủ thứ. Bạn bè tôi cũng thế thôi, nhất là những nhà có con gái, càng xinh càng lo. Nhìn ra ngoài thấy như chỗ nào cũng có cạm bẫy rình con mình” – chị Hoàng Lan chia sẻ.

“Có mỗi đứa con, không chăm cho nó thì chăm cho ai?” – chị Minh Ngọc lý giải về sự chăm sóc con thái quá của mình. “Mình toàn làm điều tốt cho nó, có gì đâu mà ngại”.

Với không ít bậc phụ huynh, khái niệm để con tự lập dường như làm họ thấy rất bất an.

“Vợ chồng tôi cho con đi thi đại học thế này, nhưng cứ nghĩ đến lúc cháu đi học xa mà lo ngay ngáy. Không phải con mình vụng thối vụng nát nên lo đâu, nhưng cũng không dễ dàng gì khi thấy con sẽ phải tự quyết định mọi chuyện, tự loay hoay trong cuộc sống hàng ngày. Thấy con người ta được chăm nom chu đáo, để con mình một thân một mình ở thành phố lớn, chẳng bố mẹ nào yên tâm được” – anh Đỗ Văn Quang (Nam Định) tâm sự. “Tôi lo nhất chuyện yêu đương, bây giờ nó đang hồn nhiên vô tư thế, nhưng khi sống xa nhà biết bao nhiêu là cám dỗ. Chẳng biết tới khi nào chúng tôi mới yên tâm được”.

Chị Thanh Mai không phải không nhận ra mình đang bảo bọc con quá mức. “Có lúc con cũng đòi tự đi đấy chứ, nhưng tôi nhất định chưa cho. Mọi người hay bảo con gái mới đáng lo. Tôi thì thấy con trai chẳng kém. Không chỉ là chuyện an toàn khi đi lại, mà tôi lo sơ sểnh nó bị bạn bè lôi kéo rủ rê vào mấy chuyện đánh nhau, hút chích, hay lo là nó yêu đương rồi “làm gì” con người ta, khéo vào tù chứ chả chơi. Nên mình cứ chịu khó đưa đón con, cũng là một cách để còn quản lý” – chị Thanh Mai phân trần.

Vậy khi nào mới là lúc để con tự lập? Trước câu hỏi này, chị Thanh Mai kiên quyết “Tôi nghĩ rằng con muốn chứng tỏ đã lớn, cũng thấy ngượng với bạn bè. Nhưng trong mắt những người làm cha mẹ như tôi, 17, 18 chứ đến 20 tuổi hãy còn rất lắm điều phải lo. Có lẽ, tôi còn phải lo đến khi nó ra trường, có công ăn việc làm ổn định, rồi lập gia đình”.

“18 tuổi, theo quy định của pháp luật là đủ tổi kết hôn với đi bỏ phiếu rồi đấy, nhưng tôi cho rằng trong điều kiện sinh sống của các gia đình hiện nay, thì ngần đấy tuổi chưa phải là nhiều, mới có lớn mà chưa có khôn, tôi cho rằng bố mẹ cần phải rèn con thêm nữa mới có thể tự tin để con bước vào đời” – anh Quang nhìn nhận.

Theo Phương Chi/VietNamNet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.