Phụ huynh, thí sinh đánh giá cao kỳ thi “Tây”

Ngày 5/5, nhiều địa phương trên cả nước đã tổ chức đợt I kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Ngày 5/5, nhiều địa phương trên cả nước đã tổ chức đợt I kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức. Dù khá lạ lẫm, song cả thí sinh, phụ huynh đều đánh giá cao kỳ thi “Tây” này. Qua đây không những tạo thêm cơ hội vào nhiều trường đại học, mà các thí sinh còn khá thoải mái khi làm bài thi trên máy tính, thao tác đơn giản, biết điểm ngay.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực 2016 làm bài thi hoàn toàn trên máy tính. Ảnh: VNU
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực 2016 làm bài thi hoàn toàn trên máy tính. Ảnh: VNU

Sướng như đi thi bên... Tây

Sáng 5/5, có mặt tại điểm thi môn Ngoại ngữ - đợt I, kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức (được tổ chức tại ĐH Thăng Long, Hà Nội), rất nhiều phụ huynh cảm thấy bất ngờ bởi kỳ thi này rất nhẹ nhàng và diễn ra trong một trường đại học khang trang, hiện đại. Trong khi các thí sinh làm bài thi thì các sinh viên của ĐH Thăng Long vẫn học bình thường, không ảnh hưởng tới việc thi cử... Còn phụ huynh thoải mái đi lại, ngồi ghế ở vườn hoa của trường, hay thưởng thức cà phê của căng tin... Đây là điều hiếm có tại một kỳ thi đại học vốn “nội bất xuất, ngoại bất nhập” ở nước ta.

Cảm thấy thoải mái khi chờ con đang thi đại học, phụ huynh Nguyễn Thị Loan (Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: “Năm nay con tôi dự thi kỳ thi đánh giá năng lực, tôi cũng chưa hiểu nhiều về chuyện công nghệ, cách thức thi cử... nhưng thấy con hào hứng. Kỳ thi này đặt ra con phải vừa biết sử dụng máy tính, vừa nắm chắc kiến thức và phân bổ thời gian làm bài thi cho hiệu quả. Gia đình tôi ai cũng cảm thấy thoải mái về kỳ thi này, vì mở thêm nhiều cơ hội để con đỗ vào đại học, nhất là thi nhanh gọn mà được xét tuyển vào nhiều trường”.

Lặn lội từ Quảng Ninh đưa con xuống Hà Nội dự thi, phụ huynh Phạm Đức Nam chia sẻ: “Kỳ thi này có rất nhiều điểm thuận lợi, các cháu được thi nhanh, phòng thi có điều hòa, sạch sẽ... nhất là thi xong biết điểm luôn, không phải thấp thỏm chờ đợi như trước kia. Do số lượng thí sinh không quá đông, nên không phải lo ngại về tàu xe, phòng trọ. Tuy nhiên, nếu như các cháu được xét tốt nghiệp THPT, sau đó tham gia kỳ thi này và dùng kết quả vào nhiều trường đại học, cao đẳng thì sẽ hay hơn. Bởi đã đánh giá năng lực, được chứng minh năng lực rồi không nên lấy điểm thi THPT quốc gia để xét tuyển nữa”.

Sáng 5/5, không chỉ tại điểm Trường ĐH Thăng Long, Hà Nội còn nhiều điểm tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực 2016 do ĐH Quốc gia Hà Nội chủ trì. Các địa điểm này đều có cơ sở vật chất tốt, có chỗ nghỉ cho phụ huynh... Còn tại các địa phương khác như: Nghệ An, TP.HCM, Đà Nẵng... Theo thống kê, có gần 70.000 thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực trong đợt I (năm 2015 là 45.000 lượt), được diễn ra từ 5 đến 15/5.

Thí sinh hào hứng vì thi xong biết điểm ngay

Kết thúc bài thi đánh giá năng lực môn tiếng Anh, nhiều thí sinh vui mừng vì vừa trải qua kỳ thi không bị nhiều áp lực. Dù khá tiếc vì chủ quan, song Đỗ Trần Minh Châu - học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lào Cai cho biết: “Em làm đúng được 53/80 câu, em có hơi chủ quan vì không đọc kỹ, nên mặc dù xong sớm trước 20 phút nhưng kết quả lại không cao. Các câu hỏi được bố trí khá hợp lí, có các câu hỏi dễ lẫn khó. Tuy nhiên, em cũng khá hài lòng và tiếp tục chờ đợi ở phần thi tới. Kỳ thi này đòi hỏi thí sinh phải ôn kỹ, làm quen tới các bài thi”.

Khá hài lòng về bài thi của mình, thí sinh Nguyễn Phương Bình - lớp 12 Trường THPT chuyên Sơn Tây (Hà Nội) chia sẻ: “Em khá bình tĩnh nên làm được tổng cộng 72/80 câu, quy ra điểm số được 9 điểm. Em thấy đề thi khá vừa sức, có nhiều câu hỏi thuộc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa cấp THPT. Có một số câu nâng cao để phân loại thí sinh, các câu này đòi hỏi thí sinh phải nắm chắc kiến thức và vận dụng để không “dính bẫy”. Thao tác máy tính theo em hơi khó so với làm bài trên giấy, nhưng nếu nắm chắc kiến thức vấn đề này cũng khá thuận lợi. Thêm một kỳ thi sẽ giúp thí sinh có nhiều cơ hội vào đại học, nên em sẽ cố gắng để tận dụng từng cơ hội”.

Theo lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội, trong 2 ngày 5/5 và 6/5, thí sinh làm bài thi Ngoại ngữ trên máy tính, là một trong các môn học tiếng Anh (D1), tiếng Nga (D2), tiếng Pháp (D3), tiếng Trung Quốc (D4), tiếng Đức (D5) và tiếng Nhật (D6), gồm 80 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút. Kết quả bài thi Ngoại ngữ chỉ có giá trị ngay trong năm dự thi để xét tuyển. Từ ngày 7 - 8/5 và 13 - 15/5, thí sinh làm bài thi Đánh giá năng lực, bao gồm 140 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian làm bài 195 phút. Kết quả bài thi Đánh giá năng lực này được bảo lưu trong hai năm.

Trong đợt I, có gần 70.000 lượt thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh ĐH chính quy vào ĐH Quốc gia Hà Nội. Kết quả bài thi đánh giá năng lực có giá trị để đăng ký xét tuyển vào ĐH Quốc gia Hà Nội và vào các trường ĐH, CĐ có công bố sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực và đã được ĐH Quốc gia Hà Nội đồng ý để xét tuyển. Năm 2016, có thêm 8 trường ngoài ĐH Quốc gia Hà Nội cùng tham gia tổ chức Kỳ thi đánh giá năng lực và sử dụng kết quả thi để xét tuyển. Bên cạnh việc tổ chức nhẹ nhàng, không áp lực thì yếu tố này cũng là nguyên nhân khiến lượng thí sinh tăng đột biến so với đợt I của kỳ thi năm 2015.

Theo ĐH Quốc gia Hà Nội, kết quả bài thi đánh giá năng lực có giá trị trong thời gian 24 tháng kể từ ngày thi. ĐH Quốc gia Hà Nội không tổ chức phúc khảo bài thi đánh giá năng lực. Thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến (online) qua cổng thông tin điện tử “Đăng ký xét tuyển đại học chính quy năm 2016” tại địa chỉ website của ĐH Quốc gia Hà Nội: https://vnu.edu.vn hoặc địa chỉ website của các đơn vị đào tạo. Thời gian đăng ký xét tuyển từ ngày 13/6 đến 24/6 (đợt 1), từ ngày 16/8 đến 25/8 (đợt 2).

Theo Gia đình & Xã hội


bài thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển sinh đại học


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.