Quốc sách mà 'vơ bèo gạt tép' là hỏng to

Mỗi năm đều thấy có những bức tâm thư đẫm nước mắt để xin vào trường hay học viện này nọ, còn trường sư phạm thì có cảm giác tuyển kiểu “vơ bèo gạt tép".

Mỗi năm đều thấy có những bức tâm thư đẫm nước mắt để xin vào trường hay học viện này nọ, còn trường sư phạm thì có cảm giác tuyển kiểu “vơ bèo gạt tép".

Nếu giáo dục là quốc sách thì việc tuyển chọn, đào tạo, phát triển và sàng lọc cần phải làm tương đương như với các ngành đặc thù như kiến trúc, xây dựng, y khoa, an ninh, quốc phòng.  

Bởi cuộc chiến về trí tuệ không chỉ diễn ra trên chiến trường mà ngày và đêm, từng phút từng dây đang diễn ra trên mọi mặt trận từ kinh tế, chính trị, xã hội. Giáo dục là mối quan tâm hàng ngày của người dân và  là dấu hiệu cho sự phát triển bền vững của một quốc gia.

Tại Pháp, nghề giáo viên được tính lương công chức ngay sau khi thi đỗ vào trường đại học sư phạm, sau 4 năm đại học, ra trường được phân bổ nhiệm vụ và đã lên được 4 bậc lương. Với cách đãi ngộ như vậy, trường đại học sư phạm sẽ thu hút được những học viên có đầu vào tốt nhất, từ đó có thể đào tạo ra lực lượng nền cho phát triển xã hội.

Quốc sách mà 'vơ bèo gạt tép' là hỏng to
Học viện An ninh luôn thu hút số lượng lớn các thí sinh thi đại học. Ảnh: HNM

Ở Việt Nam hiện nay sinh viên sư phạm được miễn học phí, và có nhiều người được học bổng, chính sách đãi ngộ tương đối cạnh tranh so với rất nhiều ngành học khác. Nhưng tại sao mỗi năm đều thấy có những bức tâm thư đẫm nước mắt để xin vào trường công an, còn trường sư phạm thì có cảm giác tuyển kiểu “vơ bèo gạt tép” (với 96 mã ngành đào tạo năm 2016, phần lớn điểm từ 16đ đến 22đ.

Chỉ có các ngành dạy tiếng Anh, tiếng Pháp là trên 25 điểm). So với một vài ngành đặc thù thì điểm cao nhất vào được sư phạm sẽ tương đương với điểm thấp nhất vào được các ngành này.   

Một giáo viên lâu năm của ngành sư phạm chia sẻ “lương giáo viên tương đối cạnh tranh trong hệ thống thang bảng lương nhà nước. Tuy nhiên cơ hội để cải thiện tổng thu nhập đối với các giáo viên lại rất khác nhau, tạo thành một khoảng cách rất lớn trong nội bộ ngành, điều này đến từ việc tổ chức trường học và các môn học”.

Chị không nói chi tiết, nhưng tôi hiểu đó là quan niệm về môn chính, môn phụ. Có một thực tế là chuyện nhiều gia đình chịu chi rất nhiều tiền cho con học mỹ học, mỹ thuật, âm nhạc, đàn, hát ở ngoài, nhưng lại bỏ qua các môn đạo đức. Họ luôn ước mơ con cái được khoẻ mạnh nhưng thể dục luôn được xếp vào nhóm môn phụ. Họ mong muốn con trẻ sống tự lập nhưng các môn kỹ thuật lại luôn bị bỏ qua. Cũng từ tâm lý như vậy thành ra nhiều giáo viên dạy những môn học này cũng luôn nằm trong nhóm ngành ít được lựa chọn, đầu tư.

Dù muốn hay không, từ những người đứng đầu cho tới các thường dân ai muốn nên người cũng phải bắt đầu từ việc học. Người có ảnh hưởng lớn nhất đến 18 năm đầu đời của mỗi con người, chính là các thầy cô giáo.

Do vậy muốn cải thiện chất lượng giáo dục phải tập trung vào nâng cao chất lượng giáo viên. Vậy còn chờ gì nữa không bắt tay cải cách tiêu chí tuyển sinh, cách thức tuyển sinh và phương pháp giảng dạy trong các trường sư phạm?

Người thầy có thể không phải là người giỏi nhất nhưng chắc chắn phải là người có phương pháp học tập tốt và luôn luôn tự học và phải có khả năng truyền cảm hứng sang cho bọn trẻ, tạo động lực để bọn trẻ ham học, ham đọc và chia sẻ.

Muốn vậy, chất lượng người thày cũng cần được đánh giá, đo lường bằng những tiêu chí cụ thể. Do vậy, việc giáo viên có “chứng chỉ hành nghề” theo khung năng lực phù hợp với yêu cầu của thời đại có thể là một giải pháp khả thi.  

Điều đáng buồn là có hiện tượng một số trường, một số thầy cô có tâm lý “nhìn vào túi tiền của phụ huynh” để định giá và đề nghị đóng góp hỗ trợ. Có lẽ họ đã quên mất rằng, xu thế hiện nay phụ huynh không chỉ là “ khách hàng” mà còn là “ đối tác”.

Cá nhân tôi từng đến thăm, gặp gỡ, trò chuyện, dự giờ trong những lớp học khang trang. Tôi đã tận mắt thấy và không khỏi có cảm giác nhiều giáo viên đứng lớp như người “thợ dạy” với những bài giảng khô khan, thiếu hơi thở cuộc sống. Lẽ nào cuộc chiến mưu sinh, sự thiếu hợp tác của một số phụ huynh, và cũng có thể là những chằng chịt của chính sách đã khiến họ đánh rơi đâu đó “ trái tim nghề nghiệp”.

Nói đi cũng phải nói lại. Nhiều gia đình hiện nay có tâm lý phó mặc, thậm chí đẩy hết trách nhiệm dạy dỗ bọn trẻ cho phía nhà trường cũng là một nguyên nhân khiến cho các thầy cô nản chán.

Phụ huynh cũng cần giúp các con có mục tiêu học tập cụ thể, lý tưởng học tập là học để làm người, nhưng lý tưởng cần được chia thành các mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn cụ thể và sát thực với khả năng của từng đứa trẻ, trong môi trường giáo dục mà gia đình có thể lựa chọn.  

Nơi xã hội phát triển chính là nơi có hệ thống giáo dục tốt. Nơi có hệ thống giáo dục tốt  là nơi có sự gắn kết thông suốt giữa gia đình – nhà trường và xã hội. Bởi vậy, cái chúng ta cần hiện nay là:

- Cần chủ động đối thoại với giáo viên về việc học tập của bọn trẻ. Chia sẻ và cũng bàn bạc những giải pháp phối hợp; Thẳng thắn phản biện những gì gia đình thấy bất hợp lý và đồng thời cũng nên hiểu rằng không thể “ trăm sự nhờ cô”.

- Hiện nay ở các trường cấp THPT rất hiếm các chuyên gia định hướng nghề nghiệp. Phụ huynh các ngành nghề khác nhau có thể tổ chức các buổi nói chuyện theo chuyên đề với các con, hoặc mời các bạn lớp con đến nơi làm việc của mình thăm, tìm hiểu và trò chuyện...

Theo VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.