Tâm sự đầu xuân với ngành Giáo dục

 Trong ngày đầu tiên của năm mới, lãnh đạo trường ĐH công lập, dân lập và trường THPT đã chia sẻ với PV những mong ước đầu xuân đối với ngành Giáo dục.

GS.TS. NGƯT Nguyễn Văn Cương, hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hóa: “Ước mơ thay đổi để đạt yêu cầu hội nhập Quốc tế”

Tôi thấy chưa bao giờ, việc hội nhập Quốc tế lại sát sườn và bước gần các trường đại học đến vậy. Điều này đặt ra nhiều vấn đề về sự thay đổi. Riêng với chúng tôi, ước mơ lớn nhất là phải thay đổi để nâng mình lên nhằm đạt yêu cầu với hội nhập Quốc tế.

Hiệu trưởng Nguyễn Văn Cương trong ngày khai giảng năm học năm 2015 (ảnh: FB nhân vật)
Hiệu trưởng Nguyễn Văn Cương trong ngày khai giảng năm học năm 2015 (ảnh: FB nhân vật)

Để có thể hội nhập, tôi nghĩ trước mắt cần thay đổi từ chính đội ngũ giảng viên. Họ phải có năng lực, trình độ và quan điểm tư duy để có thể bắt kịp với hội nhập. Đội ngũ này phải có phương pháp giảng dạy tiên tiến bởi phương pháp dạy đại học của chúng ta hiện nay còn nhiều lạc hậu. Trong đó, tính thực tiễn của các khoa học, nhất là khoa học xã hội rất quan trọng. Vì thế các giảng viên không thể “tháp ngà” trong khoa học mà cần thay đổi cả phương pháp giảng dạy.

Tôi đã từng đi tìm câu hỏi về động lực học tập của đội ngũ giảng viên hiện nay. Nếu nói do kinh phí thì không đúng bởi lẽ trước đây, thế hệ của nhiều nhà giáo từng thắp đèn dầu đi học nhưng họ vẫn ở tầm cao tri thức và được nhiều người ngưỡng mộ. Vì thế, tôi nghĩ cái chính là động lực của giáo viên: Họ vẫn thích đi dạy hơn là đào sâu nghiên cứu khoa học.

Thứ hai, việc nghiên cứu khoa học hiện nay vẫn còn hạn chế vì các trường đại học chỉ tập trung vào nhiệm vụ đào tạo nên tôi mong muốn có những hỗ trợ, khuyến khích để giảng viên nghiên cứu khoa học. Theo tôi được biết, ở nước ngoài, nếu giảng viên không nghiên cứu khoa học thì được chấm điểm rất thấp. Nếu đội ngũ này đăng kí đi hội thảo Quốc tế trong năm thì được hỗ trợ kinh phí và được cộng điểm. Còn ở nước ta, giảng viên cứ vào được biên chế là “chắc chân” và không cần phấn đấu nữa.

Thứ 3, để hội nhập, điểm yếu của các trường ĐH và giảng viên là trình độ ngoại ngữ. Hiện nay, việc giảng dạy hoặc giao tiếp bằng tiếng Anh của đội ngũ giảng viên đang rất thấp. Nếu hội nhập Quốc tế mà không có ngoại ngữ, giống với việc không có chìa khóa để mở cánh cửa hội nhập. Vì thế, mong muốn của tôi trong năm mới là phải có thay đổi đột phá.

Nhiều người vẫn cho rằng, chúng ta cần thay đổi căn bản về giáo dục. Tuy nhiên, để có thay đổi, tôi nghĩ cần thay đổi rất nhiều điều. Trong đó, đơn giản và tối thiểu nhất với một trường đại học là điều kiện cơ sở vật chất thì vẫn chưa đạt và chưa được quan tâm.

Nhìn sang một số nước lân cận hoặc đơn giản, chỉ so với một số tỉnh nghèo của vài nước lân cận, có thể thấy họ đã “văn minh đại học”- tức là có chuẩn về cơ sở vật chất. Nhưng nước ta hiện chưa có trường ĐH nào đạt chuẩn khu vực. Các trường được xây dựng bé tẹo, tủn mủn nên rất ảnh hưởng đến quá trình đào tạo.

Vì thế, trong năm mới, tôi rất mong ước có những thay đổi mạnh mẽ trên đây để đáp ứng quá trình hội nhập, được đầu tư đúng mức để có một “văn minh đại học” như một số nước trong khu vực.

GS.TSKH Đặng Ứng Vận, Hiệu trưởng ĐH Hòa Bình: “Mong có phương thức tuyển sinh ĐH mới, đáp ứng được nhu cầu xã hội”

Giáo dục nước ta qua nhiều cuộc cải cách và có nhiều cố gắng của toàn xã hội cũng như của các cấp quản lý nhưng vẫn chưa đáp ứng được kì vọng của xã hội.

Đại hội Đảng vừa kết thúc xong nên với tư cách một giảng viên và một nhà quản lý trường đại học tư, tôi mong ước sẽ được Đảng quan tâm đầu tư hơn về trí tuệ để làm thế nào phát triển nền giáo dục Việt Nam xứng tầm dân tộc, đáp ứng sự phát triển của xã hội.

GS Đặng Ứng Vận (ảnh: Nhân vật cung cấp)
GS Đặng Ứng Vận (ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ngoài ra, với vai trò một nhà quản lý, tôi mong muốn có một phương thức tuyển sinh đại học mới đáp ứng được nhu cầu của xã hội, đáp ứng được nguyện vọng của học sinh, sao cho các em vào được các trường đại học đúng năng lực bản thân. Còn các trường đại học thì tuyển được nguồn nhân lực có năng lực.

Thứ hai, người ta bàn nhiều về tự chủ nhưng đó là đối với các trường đại học công. Còn đối với trường đại học tư, chúng tôi cũng mong ước làm sao được cạnh tranh bình đẳng với các trường đại học công. Trên cơ sở đó, các trường có thể dốc hết sức mình để đóng góp cho việc xây dựng và phát triển.

Cuối cùng, tôi mong muốn các em sinh viên khi vào các trường đại học, cần phải có niềm say mê. Chỉ có niềm say mê, các em sẽ học tập tốt. Các em đừng vì dư luận lâu nay, sinh viên tốt nghiệp ra không kiếm được việc làm nên các em không còn đam mê học tập.

Tuy nhiên, các em không hiểu, các trường đại học giáo dục cho các em nền tảng về trí tuệ, về kĩ năng, về thái độ để có thể lập nghiệp. Nên các em cần nghĩ, mình vào đại học là để lập nghiệp chứ không phải để làm thuê nên không kiếm được việc làm thuê thì nản chí. Chính điều đó tác động không tốt đến bản thân cũng như với sự nghiệp giáo dục chung của cả nước.

Đối với cấp phổ thông, tôi mong muốn xây dựng được một chương trình đáp ứng được thực tiễn nhu cầu phát triển về năng lực phổ thông hiện nay. Nếu chúng ta không làm việc này một cách thận trọng và nghiêm túc, có thể chúng ta đã bỏ qua những cái đã làm tốt mà không biết duy trì phát triển và tạo nên sự xáo trộn không cần thiết. Vì thế, tôi nghĩ thay vì xáo trộn trong việc đào tạo các kĩ năng cứng, nên chăng, chúng ta cần đầu tư hơn nữa cho các em ở kĩ năng mềm, về thái độ và về nhận thức.

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng THPT Việt Đức- Hà Nội: “Cần một quy chế thi có sức sống lâu dài, ít thay đổi”

Trước thềm năm mới, mỗi người đều có những cảm xúc riêng. Đối với tôi, sau kì Đại hội Đảng với rất nhiều những định hướng phát triển của đát nước trong đó có giáo dục đào tạo, tôi cũng như mọi người, đều mong muốn đất nước yên bình, phát triển và hội nhập.

Đặc biệt, với lĩnh vực GD&ĐT, chúng ta phải thực hiện quyết liệt hơn nữa Nghị quyết 29 NQ/TW, về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Đó không đơn thuần là những lời nói trong nghị quyết nữa mà cần triển khai trong thực tế bằng những kết quả thực sự.

Thầy giáo Quốc Bình cùng học sinh gói bánh chưng đưa đi vùng cao trong dịp Tết Bính Thân
Thầy giáo Quốc Bình cùng học sinh gói bánh chưng đưa đi vùng cao trong dịp Tết Bính Thân

Việc phát triển giáo dục mũi nhọn rất cần thiết nhưng với giáo dục đại trà, tôi nghĩ cần nâng tầm lên cao hơn, không chỉ về kiến thức mà còn là kĩ năng, cách ứng xử, văn hóa cũng phải tiếp cận được với thời kì hội nhập.

Theo lộ trình, năm 2018, ngành giáo dục sẽ có bước đột phá mới. Tôi nghĩ những gì thực hiện trong thời gian qua là tiền đề cho sự phát triển. Đối với bản thân mỗi thầy cô giáo cần nỗ lực hơn nữa để thay đổi chính mình nhằm bước theo lộ trình đó. Nhưng hiện nay đã là năm 2016 nhưng tôi thấy vẫn còn ngổn ngang và nhiều vấn đề chúng ta vẫn đang loay hoay tìm con đường đi thực sự hiệu quả.

Riêng năm mới này, khi Bộ GD&ĐT cũng vừa công bố phương án thi THPT Quốc gia và ĐH- CĐ 2016, cơ bản như 2015. Tôi nghĩ trước mắt phương án này có thể đáp ứng trong năm nay thôi nhưng về lâu dài, có lẽ cần có một quy chế có sức sống lâu dài hơn, ít có sự thay đổi để người dân và phụ huynh, học sinh có thể đi trên con đường đấy mà không phải lo lắng mỗi năm phải tìm một lối rẽ, phải đi vòng hoặc tìm bước đi mới nên sẽ không thể ổn định được.

Theo Dân  Trí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.