Nơi nấu cơm miễn phí cho hàng trăm sĩ tử là căn phòng chỉ rộng 25 m2, nằm sâu trong con ngõ trên phố Nguyễn Đổng Chi, Hà Nội. Thời tiết nóng nực, những bạn trẻ ướt đẫm mồ hôi khi phải nấu nướng bên hai chiếc bếp ga đang đỏ lửa.
Nhóm "đầu bếp nghiệp dư" nấu ăn hàng giờ trong căn bếp nóng hầm hập. Ảnh: Ngọc Tân. |
Chủ nhà là chị Bích Liên, một phụ nữ trung tuổi, có đôi mắt phúc hậu. Suốt hai ngày cuối tuần qua, chị Liên chuẩn bị nấu ăn cho thí sinh dự thi Đại học quốc gia Hà Nội.
Cùng làm việc với chị Liên là nhóm bạn 8X khoảng 6 người. Bạn Nguyễn Văn Bản, thành viên trong nhóm, cho biết: "Mọi người cũng từng là sinh viên ngoại tỉnh, nay đã ra trường và có việc làm. Do cảm thông với nỗi vất vả của thí sinh tỉnh xa lên Hà Nội thi đại học, nên cùng nhau làm những suất cơm miễn phí tiếp sức cho thí sinh nghèo".
Dù là đàn ông, nhưng các bạn trẻ rất thạo bếp núc. Sau vài đợt nấu cơm miễn phí cùng chị Liên, cả nhóm đã trở thành những "gã nội trợ" lành nghề.
Trao đổi với PV, nhóm bạn cho biết, đang chuẩn bị thức ăn cho sĩ tử, gồm đậu sốt cà chua, rau muống và 3 miếng chả kho. Để có được khẩu phần như vậy, chị Liên phải dậy từ 4h sáng, đạp xe ra chợ mua nguyên liệu. Sau đó, chị và nhóm tình nguyện dành cả một ngày để chuẩn bị, chế biến thức ăn.
Khi công đoạn chế biến hoàn tất, đúng 3h sáng ngày thi thứ nhất (30/5), cả nhóm tập trung để chia cơm ra từng suất. Nhóm sinh viên tình nguyện của Đại học Quốc gia Hà Nội cũng được huy động tham gia công đoạn này.
Sinh viên tình nguyện tham gia chia cơm tại nhà chị Liên. Ảnh: Ngọc Tân. |
Buổi trưa, những suất cơm được mang đến Đại Học Công Nghiệp, nơi nhiều phụ huynh đang mệt và đói vì đợi chờ trong nắng nóng. Khá nhiều phụ huynh và thí sinh đã nhận cơm và ăn ngay tại sân trường.
Chị Liên cho biết, hoạt động thiện nguyện này được duy trì nhiều năm qua. Trước đây, chị thường phối hợp Đại học Giao thông Vận tải để thực hiện. Năm nay, biết tin Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi riêng, chị và gia đình quyết định góp tiền nấu cơm cho thí sinh nghèo ở 3 điểm thi là Đại học Tài nguyên Môi Trường, Đại học Công Nghiệp và Cao Đẳng Thực hành FPT.
Bên cạnh việc phát cơm cho thí sinh, chị Liên còn nhường hết diện tích nhà của mình cho những thí sinh nghèo có nơi tá túc. "Có năm, thí sinh đến nhà ở chật kín, chồng con chị phải sang nhà ngoại ngủ nhờ", chị Liên nói.