Vợ ép chồng kiếm thật nhiều tiền, lên chức, có phải bạo lực gia đình?

Dự luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) quy định 18 hành vi được coi là bạo lực. Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung hàng loạt hành vi từ thực tiễn.

Phiên thảo luận tại tổ về Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) chiều 30/5 ghi nhận rất nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung hành vi được coi là bạo lực gia đình, bên cạnh 18 hành vi đã được quy định trong dự thảo. Đây cũng là nội dung được đại biểu góp ý nhiều nhất.

Rất nhiều hành vi bạo lực khó nhận diện

Giám đốc Sở Tư pháp Long An Phan Thị Mỹ Dung cho rằng bên cạnh hành vi bạo lực có biểu hiện rõ ràng, nhiều hành vi “không nghĩ là bạo lực” nhưng lại gây ra khủng khoảng về tâm lý, tinh thần rất lớn. Đó cũng phải được coi là bạo lực gia đình.

“Ví dụ, khi về nhà chồng im lặng suốt không nói gì, hoặc không chê vợ nhưng suốt ngày cứ khen hàng xóm chu đáo, xinh đẹp, giàu có…”, nữ đại biểu dẫn chứng.

Vợ ép chồng kiếm thật nhiều tiền, lên chức, có phải bạo lực gia đình?-1
Giám đốc Sở Tư pháp Long An Phan Thị Mỹ Dung. Ảnh: Quốc hội.

Theo bà, đây là những hành vi rất khó nhận biết nhưng cần đưa vào luật để áp dụng hiệu quả, bởi lẽ thường “không muốn vạch áo cho người xem lưng” nên việc phòng chống bạo lực gia đình khó khả thi và hiệu quả.

Chung góc nhìn, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng bạo lực về thể xác hay kinh tế có thể nhận diện được ngay nhưng bạo lực về tinh thần không hề đơn giản để nhận ra. Vì thế, vấn đề là cần lượng hóa biểu hiện để luật dễ thực thi.

Dự thảo luật đưa ra 18 hành vi được coi là bạo lực gia đình, song từ thực tiễn, ông Hùng cho rằng có thể bổ sung hành vi, nhất là về bạo lực tinh thần.

Dẫn câu chuyện khi thẩm tra dự luật này, Bộ trưởng Văn hóa đặt vấn đề: “Sức ép của các bà vợ cứ bảo chồng phải đi làm cho thật nhiều tiền, rồi phải lên chức nọ chức kia, đấy có phải hình thức bạo lực không?”. Theo ông, đó cũng là câu chuyện đặt ra để tính toán khi làm luật.

Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo luật cho rằng phải tính đến trách nhiệm của cá nhân, cộng đồng trong phòng, chống bạo lực gia đình, vì nếu “đèn nhà ai nhà nấy rạng” thì không thể nào phòng chống bạo lực được.

Đại biểu Trình Lam Sinh (Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) cũng đề nghị bổ sung một số hành vi mang tính "bạo lực tinh thần", ví dụ chồng tối ngày đi nhậu, để vợ ở nhà…

Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp thực hiện năm 2019 tại Việt Nam cho thấy cứ 3 phụ nữ thì có gần một người bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục. Đáng nói, hơn 90% số phụ nữ bị chồng bạo lực không dám hoặc không muốn nhờ giúp đỡ.

Theo đại biểu, đây là số liệu rất đáng báo động, cần lưu tâm để có bước xử lý nghiêm khắc hơn.

Không chỉ chồng bạo lực với vợ, đại biểu Sinh cũng nêu thực tế vợ bạo lực chồng bằng cách dẫn chứng clip người phụ nữ đập chồng “không còn ra gì”, ông chồng chỉ biết ôm đầu bỏ chạy.

Đề nghị có nơi cách ly người có nguy cơ bạo lực

Nêu thực tế xuất hiện nhiều hành vi bạo lực đa dạng, hình thức tinh vi, phức tạp với mức độ ngày càng nghiêm trọng và khó xử lý, đại biểu Trình Lam Sinh phản ánh câu chuyện gần đây, nhiều vụ cha, mẹ tự tử ép con phải chết theo; hoặc khi bố mẹ “đứt gánh giữa đường”, con về ở với cha dượng, mẹ ghẻ bị đánh đập dẫn đến tử vong.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) lại đặt vấn đề về “bạo lực gia đình trên không gian mạng”. Đó là thực tế không bằng lòng chuyện gì cũng đưa lên mạng để “bêu”. Bà cho rằng điều này khủng khiếp hơn trong gia đình.

Vợ ép chồng kiếm thật nhiều tiền, lên chức, có phải bạo lực gia đình?-2
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM). Ảnh: Quốc hội.

Với giải pháp yêu cầu người có hành vi bạo lực giữ khoảng cách 50 m với người bị bạo lực, bà Kim Anh nhận định “chưa phù hợp”.

“Tôi cũng không hiểu tại sao lại yêu cầu giữ khoảng cách 50 m vì rất có thể còn bạo lực trên mạng, cách nhau nửa vòng trái đất vẫn bạo lực được”, nữ đại biểu băn khoăn.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM) đề xuất bổ sung hành vi bạo lực gia đình, như việc sử dụng các hình thức trừng phạt, ảnh hưởng tới thể chất và tinh thần của trẻ em.

Dự luật quy định về lệnh cấm tiếp xúc khi người có hành vi bạo lực phải giữ khoảng cách với nạn nhân từ 50 mét trở lên, nhằm đảm bảo an toàn cho người bị bạo hành. Nhưng bà Lệ góp ý cần bổ sung quyền cho người bị bạo lực gia đình. Cụ thể, họ phải được lựa chọn chỗ ở trong chính ngôi nhà của mình khi có lệnh cấm tiếp xúc.

“Thực tế lâu nay, hầu hết người ra khỏi nhà đều là người bị bạo hành,trong khi họ có nhu cầu, mong muốn được cư trú ngay tại gia đình của mình. Người có hành vi xâm hại, bạo lực tại sao không phải là người đi khỏi nhà, tại sao lại phải cách ly người yếu thế?”, bà Lệ đặt vấn đề và đề nghị có nơi cách ly cần thiết cho đối tượng có nguy cơ gây bạo lực.

Dự án luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) bổ sung một số hành vi bạo lực mới như: Bỏ mặc không quan tâm, chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em; ngăn cản thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp; phát tán hình ảnh, thông tin, tài liệu riêng tư của thành viên gia đình khi chưa được sự đồng ý của người đó; phân biệt giới tính, định kiến giới và các đặc trưng cá nhân của thành viên gia đình liên quan đến giới.

Hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục; cưỡng ép thực hiện hành vi tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng; xâm hại tình dục trẻ em hoặc thành viên khác trong gia đình; cưỡng ép mang thai, phá thai; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc các nội dung, trình diễn hành vi khiêu dâm, kích thích bạo lực và vi phạm pháp luật… cũng được coi là bạo lực gia đình.

 

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/vo-ep-chong-kiem-that-nhieu-tien-len-chuc-co-phai-bao-luc-gia-dinh-post1322279.html

bạo lực gia đình


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.