Mượn cây tre để nói chuyện hôn nhân

Hôn nhân nhiều khi cũng nên học tập từ phong cách của cây tre. Là gốc sâu, là mềm dẻo nhưng rất kiên cường, là 'thương nhau tre không ở riêng, lũy thành từ đó mà nên hỡi người'. Hôn nhân bền chặt nhờ thế…

 

Mượn cây tre để nói chuyện hôn nhân-1Ảnh minh họa

Vợ chồng khắc khẩu

Có những cặp vợ chồng rất yêu thương nhau nhưng cứ mở miệng ra là… cãi nhau. Và họ đổ tại cho… tuổi xung khắc.

Theo quan niệm dân gian thì 6 cặp tuổi xung khắc nhau gồm:

Tuổi Dần khắc với tuổi Thân

Tuổi Tỵ khắc với tuổi Hợi

Tuổi Thìn khắc với tuổi Tuất

Tuổi Sửu khắc với tuổi Mùi

Tuổi Tý khắc với tuổi Ngọ

Tuổi Mão khắc với tuổi Dậu.

Tôi chẳng biết điều đó có thật không nhưng có khi vì nghĩ vậy mà vợ chồng thành… khắc khẩu không chừng. Giống kiểu hiệu ứng tâm lý "lời tiên tri tự hoàn thành", vì nghĩ vậy nên thành vậy. Bởi cả những cặp vợ chồng hợp tuổi vẫn… khắc khẩu ầm ầm đó thôi.

Vợ chồng khắc khẩu, tôi cho rằng vốn là bởi cả hai chẳng ai tự khắc chế miệng mình. Bởi ai cũng cho là mình đúng, người kia sai. Bởi ai cũng dùng miệng nhiều hơn dùng tai. Bởi chúng ta ai cũng bắt đầu từ hai người dưng, đến từ hai lối sống, văn hóa, quan điểm, nhân sinh quan khác nhau nhưng kiên quyết hòa nhập nhưng không hòa tan, kẻ nước- người dầu hỏa.

Nhiều khi còn là bởi ai cũng cho rằng: Em nói vậy chỉ là muốn tốt cho anh/ Anh yêu em thì anh mới nói, để em tốt lên. Hai kẻ đều muốn đối phương tốt… như mình muốn nên hôn nhân mới thành… "thời tiết xấu". Kẻ nóng- người lạnh thì hôn nhân "ốm sốt" là đương nhiên.

Chưa hết đâu, vợ chồng khắc khẩu còn là bởi chồng hay phê phán gặp vợ hay bất bình, hoặc ngược lại. Cái gọi là nhường nhịn nhau nhiều khi chỉ là: Tức không thèm nói nữa. Mặc kệ anh/em, không nghe thì thiệt.

Mượn cây tre để nói chuyện hôn nhân-2

Nhà văn Hoàng Anh Tú

Nói "nhường vợ" mà như ban ơn, kêu "nhịn chồng" mà như không thèm chấp. Bảo sao kẻ được nhường muốn tức nổ đom đóm mắt, người được nhịn chỉ muốn nổi cơn tam bành. Thứ nhường nhịn kiểu đó thật chẳng khác gì đổ thêm dầu vào lửa.

Vợ- Chồng. Chẳng phải là Người Một Nhà, Một Giường, Một Đời, Một Kiếp sao? Tuổi nào thì tuổi, lấy nhau về chẳng phải là cùng nhau đếm số tuổi hôn nhân này sao? Tam hợp hay Tứ hành xung thì cũng chung một mục tiêu hôn nhân trăm tuổi.

Ai đúng - ai sai quan trọng lắm sao? Thắng vợ đâu khiến mình đàn ông hơn? Thua chồng chẳng lẽ mình không còn là phụ nữ? Hai cái tai thì nghe gấp đôi một cái miệng nói đi, được không? Muốn tốt cho nhau chi bằng hãy tặng chồng mình một người vợ tốt đã, tặng vợ mình một người chồng tốt đã.

Nghĩ được thế, vợ chồng hẳn sẽ thành khắc… nhập!

Vợ chồng khắc nhập - khắc xuất

Nhớ câu chú trong "Cây Tre Trăm Đốt" Khắc Nhập- Khắc Xuất ấy! Vợ chồng không phải lúc nào cũng Khắc Nhập mà đôi khi cần phải niệm Khắc Xuất nữa!

Ừ thì nhiều khi đổ tại ông trời, duyên số hô "khắc nhập" mà hai ta nên duyên vợ chồng. Nhưng cái vụ "khắc xuất" lại chẳng do ông trời đâu. Có người "khắc xuất" khỏi cuộc hôn nhân là vì chồng "khắc nhập" với "đốt tre" khác.

 

Mượn cây tre để nói chuyện hôn nhân-3

Ảnh minh họa

Lại có người hô: "Khắc xuất! Khắc xuất" vì cái "đốt tre" chồng/ "đốt tre" vợ bị sâu đục, hỏng rồi. Hoặc cũng là bởi nhiều năm lời chú "khắc nhập" hết linh, mà rời rạc nhau như hai hạt cơm nguội, khản giọng hô "khắc nhập" mà chẳng liền lại.

Tôi bảo này những người vợ, người chồng ơi! Vợ chồng "khắc nhập" là cả mình lẫn bạn đời cùng phải đồng thanh thì mới tương ứng, đồng khí thì mới tương cầu được. "Khắc nhập" là để dung hòa với nhau, để chúng mình 1+1=1. Đừng như nước với dầu hỏa mà chung bình khác bọt.

Nhưng đôi khi cũng cần phải niệm "khắc xuất" nữa. Là cơm sôi bớt lửa. Căng thẳng với nhau thì "khắc xuất" một lúc đi, như rút củi đáy nồi vậy. Chờ bình tĩnh lại mới ngồi xuống "khắc nhập" với nhau. Là em nghe anh đây, là anh nghe em đây. Nghe nhiều hơn nói nhé! Nghe để hiểu.

Có hiểu mới có thương. Tặng nhau đôi tai thay vì tống vào nhau toàn lời nói khó nghe. Hét vào mặt nhau không chỉ khiến bạn đời tổn thương đâu mà còn khiến hình ảnh của ta trong nhau cũng thành tổn hại, hôn nhân tổn thất, thậm chí, sức khỏe của ta cũng tổn hao.

Vợ chồng đôi khi cũng cần "khắc xuất" để dành thời gian "update" mình, chăm sóc mình, thay vì suốt ngày chồng chồng con con. Mình có ổn, có đẹp, có khỏe, có năng lượng tràn đầy thì mình mới có cái để đổ đầy vào hôn nhân này chứ, phỏng ạ?

Hôn nhân thành "Cây tre trăm đốt" bắt đầu từ những "đốt tre" hạnh phúc bé nhỏ ta khắc nhập vào, bằng khắc xuất những "đốt tre" sâu đục ra khỏi cây tre…

Hôn nhân như cây tre

Những năm đầu của hôn nhân như cây tre vậy, mọc lên chậm nhưng rễ lại bén sâu vô cùng. Là chúng ta chăm cho cái gốc của hôn nhân như cách mà cây tre mọc vậy. 4 năm đầu có thể chỉ tăng thêm 3cm bề mặt nhưng cái rễ có khi đã đâm sâu.

Gốc rễ của hôn nhân chính là cách mà chúng ta nuôi dưỡng hôn nhân này. Là dành cho nhau nhiều hơn chứ đừng chỉ hời hợt.

"Thương nhau tre chẳng ở riêng. Lũy thành từ đó mà nên hỡi người". Là gia đình như tre mọc thành bụi. Mà nên lũy nên thành trước bão giông cuộc đời. Là như cây tre biết mềm dẻo, uyển chuyển khi gió bão, thay vì cương còng lên với nhau.

Cuối cùng, mượn cây tre mà nói chuyện hôn nhân dù có đôi chút khiên cưỡng cũng là bởi ai không mong giữ được hôn nhân đến lúc tuổi già, đúng không? Như tre kia trăm tuổi…

NGHĨ TRƯỚC KHI PHÊ BÌNH MỘT AI ĐÓ

Sai thì phải phê bình. Đúng! Nhưng phê bình thế nào lại là một kỹ năng mà nhiều người còn thiếu. Vì vậy, nhiều lời phê bình trở thành lời tuyên án, trở thành bạo lực ngôn ngữ, trở thành vết đâm thấu tim người bị phê bình, nhất là với những đứa trẻ…

1. Cảm xúc của bạn quyết định lời phê bình

Đừng phê bình bằng nỗi bực tức, bằng sự giận dữ. Bởi những lời phê bình đi cùng cảm xúc tiêu cực sẽ thành những lời tuyên án. Nếu bạn thương họ, yêu họ, mong họ tốt lên thì hãy cho họ biết, họ thấy trước khi bạn nói ra lời phê bình và cả sau khi bạn nói ra lời phê bình. Trừ trường hợp, bạn chẳng có cảm xúc gì với họ. Và nếu thế, lời phê bình của bạn chỉ là một đòn đánh.

2. Có giải pháp không?

Ta luôn dễ dàng nhìn ra cái sai của người khác nhưng điều đó không khiến ta cao hơn họ, giỏi hơn họ, tinh hơn họ. Ta chỉ có thể như thế nếu như ta đưa ra được giải pháp thuyết phục để giúp họ tâm phục khẩu phục. Phê bình có tính xây dựng sẽ khiến họ nể trọng và biết ơn ta hơn. Hãy học cách tôn trọng để nhận về sự tôn trọng.

3. Phê bình lỗi,

không phê bình con người

Đặc biệt là với con cái. Tách bạch lỗi sai của con với con người- tính cách của con. Đừng biến con là kẻ thất bại khi phê bình con, đừng dùng một cái lỗi để chỉ trích một con người. Bạn cũng đâu muốn bị phê bình việc đến muộn bằng lời tuyên bạn là kẻ thiếu chuyên nghiệp, người vô trách nhiệm, sớm muộn gì cũng thất bại nếu cứ đi muộn thường xuyên như thế?

4. Đừng hủy hoại một ai bằng lời phê bình

Nếu lời phê bình của bạn có thể khiến một ai đó bị hủy hoại, điều đó chẳng vui chút nào đâu. Nói vậy không phải là ta sẽ im lặng trước cái sai mà là đừng biến những lời phê bình của mình thành vũ khí sát thương một ai. Bạn là người tử tế vì những cư xử tử tế, làm ơn!

5. Nghiện phê bình sẽ biến bạn thành "mầm độc"

Có những người nghiện phê bình. Họ nhìn đâu cũng ra lỗi sai, lúc nào cũng thường trực lời phê bình trên miệng. Một người chỉ biết phê bình người khác mà không biết ghi nhận người khác là một con người độc hại, họ chẳng bao giờ thấy được điều tốt đẹp của bạn đâu. Hãy tránh xa họ!

Phê bình không có kỹ năng cũng là một dạng bạo hành, nhất là với con cái, với vợ, với chồng, những người thân yêu của bạn. Chúng ta muốn họ tốt lên nên chúng ta phê bình nhưng nếu không có kỹ năng thì nó chẳng khác nào nhiệt tình + ngu dốt = phá hoại. Bạn có thể hủy hoại một người bằng lời phê bình kiểu đó đấy, làm ơn!

Theo PNVN

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunuvietnam.vn/muon-cay-tre-de-noi-chuyen-hon-nhan-20241112122819317.htm

Vợ Chồng

Hôn Nhân


Điểm danh những mâm cỗ cưới ở miền Bắc xứng đáng 'điểm 10 không có nhưng'
Thực đơn cỗ cưới không những cần ngon, chất lượng mà còn cần sự bắt mắt và phù hợp với văn hóa địa phương từng vùng miền. Dưới đây là những mâm cỗ cưới ở miền Bắc được nhiều người lựa chọn để các cặp đôi có thể tham khảo cho đám cưới của mình.
'Cầu nối' giữa cha và con trai
Chuyện căng thẳng trong gia đình chị Thuận (ở quận Tân Bình, TPHCM) bắt đầu từ việc cậu con trai tốt nghiệp đại học, xin được việc làm và muốn bố mẹ cho ra… ở riêng.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.