Nếu như trong thời kỳ phong kiến, chuyện “nam nữ” gần gũi, đôi khi chỉ là gặp mặt chạm tay cũng coi là cấm kị, thì ngày nay, tại chốn công sở “đường hoàng”, nếu bạn từ chối một cái “nhéo má”, một biểu hiện “thân mật” của những người đồng nghiệp khác giới, có thể bạn sẽ bị quy là “người sống thời phong kiến”, là “cổ hủ”, là “nghĩ mình danh giá lắm”… Chung quy cái tội “giữ gìn” sự trong sáng sẽ mang lại ối các phiền phức cộng theo những khó dễ trong quá trình làm việc, người ta gọi đó là “tự mua dây buộc mình”.
Những cám dỗ tình ái công sở thuộc dạng “tác phong gần gũi” chỉ có trong những buổi liên hoan, những buổi karaoke, những chuyến đi chơi cơ quan, nơi các anh khó lòng đi ngược với tiếng gọi bản năng, nhưng cũng không dám “vượt rào” để lại hậu quả. Nhưng phổ biến hơn, và cũng phiêu lưu hơn, là những “chuyến công tác dài ngày”, nơi mà không ai biết “chúng ta” là ai, thì khoảng cách của cám dỗ tình ái trở nên ngắn hơn bao giờ hết.
Đôi khi chỉ vì “sự đồng cảm” trong quá trình giải quyết công việc chung, hay đôi khi do tác động của rượu bia những lần tiếp khách” với đồng nghiệp nam, đôi khi cũng vì do “hoàn cảnh xô đẩy”, để rồi sau đấy là những cuộc giao hoan không hồi kết, những chuyện phiêu lưu ký đầy sợ sệt, và những “cánh cửa mở” cho công việc, thăng tiến tấm vé cho mọi trận bán kết công danh địa vị trong cơ quan như đã được an bài. Chẳng thế mà, thời kì hiện đại, người ta ví von chị em công sở thuộc một trong những loại rau tươi ngon mang tên “rau sinh thái”, kết quả xếp loại sau những cám dỗ đường mật và đầy lợi ích nơi công sở vốn “chuẩn tắc, nghiêm túc”.
Linh, nhân viên, tâm sự: “Mình không phải “gái hư”, nhưng thú thật là có vài lần mình cũng... Mình với anh ấy làm cùng cơ quan khá lâu, anh ấy là sếp của mình. Sự gắn bó trong công việc khiến mình và anh ấy khá hiểu nhau, như có thần giao cách cảm trong công việc vậy. Rồi ngày ấy cũng đến, khi chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của mình không mang lại kết quả mong muốn. Mình đã thất vọng và khóc rất nhiều, vì nó đã lấy đi rất nhiều cơ hội. Chỉ có anh hiểu và đồng cảm, giấy phút ấy, đáng lẽ… mình không nên ôm anh... thì mọi sự sẽ không bao giờ có bắt đầu”.
Bị cám dỗ hay tự nguyện bị cám dỗ
Rất ít chị em công sở khi vướng vào “lưới tình” chốn văn phòng, lại tự thừa nhận mình là “tự nguyện bị cám dỗ”, chân yếu tay mềm hay yếu đuối, ngốc nghếch, cả tin thường là lý do để các nàng công sở trình bày những câu chuyện “đã bị cám dỗ” ra sao và mình luôn là “nạn nhân” trong những chuyến phiêu lưu với đồng nghiệp nam công sở.
Bình, 30 tuổi, lại cho rằng, những cái “vuốt má, va chạm nhẹ” không đủ gây nên hậu quả, chỉ là nam giới đôi khi không kìm chế được nên khó tránh. Không để đồng nghiệp nam “lợi dụng”, nhưng Bình cũng thừa nhận, để giữ sĩ diện cho các anh, đồng thời cũng để “hòa vào không khí chung” trong những buổi gặp đối tác hay tiếp khách VIP, cũng có lúc Bình nhắm mắt cho qua những lúc cần sự bình tĩnh và tỉnh táo nhất của người phụ nữ, chỉ là không để mọi chuyện “đi quá xa”…
Ân hận muộn màng
Sẽ chẳng lạ nếu có chuyện đánh ghen tai văn phòng, những cảnh tru tréo của các bà vợ với “đồng nghiệp nữ” của chồng, cũng chẳng thiếu những cảnh “ly hôn” vì phát hiện “vợ/chồng” mình phản bội vì “tội dan díu” với đồng nghiệp, cũng thấp thoáng những “hậu quả” nghiêm trọng mà người ta vẫn chọn cách “xử lý” để hòng được yên thân khi cả hai không muốn có rắc rối và ràng buộc, hay những giọt nước mắt ân hận của người lớn, những giọt nước mắt ngây ngô của lũ trẻ trong phiên tòa xử ly dị… muôn vàn muôn vẻ những câu chuyện đây nước mắt làm hồi kết cho những “cám dỗ tình ái” nơi công sở, mà khi đã bước chân vào, khó mà “rút chân” ra khỏi vũng bùn lầy.
Kết cục của những chuyến phiêu lưu mang lại cảm giác mới lạ, hào hứng… nhưng đánh đổi hạnh phúc cả đời, mà chỉ khi đánh mất, chị em mới kịp nhận ra “cám dỗ” là loại “cám” nguy hiểm nhất.