Thực phẩm bẩn và câu chuyện nhức nhối trong đề thi nghị luận

Câu chuyện nhức nhối về thực phẩm bẩn được thầy Đặng Ngọc Khương đưa vào đề thi thử nghị luận xã hội, thu hút sự quan tâm của nhiều học sinh.

Câu chuyện nhức nhối về thực phẩm bẩn được thầy Đặng Ngọc Khương đưa vào đề thi thử nghị luận xã hội, thu hút sự quan tâm của nhiều học sinh.

Đề bài: “Ông trồng chè khoe họ được uống chè từ khu trồng sạch nhà quây riêng dành cho gia đình, khu còn lại tất nhiên là trà bẩn để bán. Bà bán rau cũng hân hoan nói nhà mình được ăn rau ở khu trồng sạch, khu nhiều thuốc là để bán. Ông bán thịt lợn cũng vậy.

Nhưng họ không thể cả đời chỉ uống trà, ăn rau hay ăn thịt, họ uống trà sạch nhưng vẫn phải ăn rau bẩn của kẻ khác, ăn rau nhà sạch nhưng vẫn ăn thịt bẩn của kẻ khác… Chúng ta đang giết nhau trong khi cảm thấy an tâm đã bảo vệ được gia đình mình ở một góc nhỏ hẹp hòi…” (Chia sẻ của Trần Nhất Hoàng - cựu thành viên ban nhạc Bức Tường khi nhắc đến kỷ niệm về cố nhạc sỹ Trần Lập).

Anh chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về thực trạng được nói đến trong đoạn trích trên bằng bài viết (khoảng 600 chữ)?

Giáo viên dạy online này cho rằng: Thời gian qua, nhiều vụ việc sử dụng hóa chất cấm trong trồng trọt và chăn nuôi bị phát hiện, gây ra hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng. Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng, là mầm mống của hầu hết các dịch, bệnh.

"Tình cờ đọc được chia sẻ của anh Trần Nhất Hoàng, tôi thấy thực phẩm bẩn không chỉ là vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, mà còn là vấn đề nhức nhối về lương tâm con người. Đây chính là lý do tôi đưa vấn đề này vào đề thi nghị luận xã hội”, thầy Khương chia sẻ.

Thầy giáo cũng chia sẻ, để làm tốt bài nghị luận xã hội này, học sinh cần đảm bảo đúng cấu trúc bài văn nghị luận với ba phần mở bài (giới thiệu vấn đề cần nghị luận), thân bài (triển khai giải quyết vấn đề nghị luận), kết bài (kết luận vấn đề, có thể nêu bài học nhận thức và hành động cho bản thân). Đảm bảo cấu trúc này, học sinh sẽ được 0,25 điểm.

Câu hỏi này có thể xếp vào dạng vận dụng cao bởi vì đề thi đề cập 2 vấn đề cần nghị luận là thực trạng thực phẩm không an toàn và tính ích kỷ, hẹp hòi của con người. Nếu chỉ nghị luận về 1 trong 2 vấn đề này thì bài thi sẽ không được điểm cao. Xác định đúng vấn đề nghị luận, học sinh sẽ được 0,5 điểm.

Học sinh cần triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm, vận dụng các thao tác lập luận, kết hợp lý lẽ, dẫn chứng và rút ra bài học cho bản thân.

Trước tiên, học sinh cần giải thích thế nào là thực phẩm bẩn (là những thực phẩm chứa các chất độc hại, tác động tiêu cực đến sức khỏe và tính mạng con người.

“Tính ích kỷ, hẹp hòi” là bản tính chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân, lợi ích trước mắt mà không nghĩ đến lợi ích lâu dài, lợi ích của người khác. Đoạn trích trên đã nói đến thực trạng một bộ phận người dân khi sản xuất, vì tính ích kỷ, hẹp hỏi và độc ác nên chỉ chú ý đảm bảo an toàn cho thực phẩm mình dùng, còn thực phẩm đem bán, cho thì không quan tâm.

Thuc pham ban va cau chuyen nhuc nhoi trong de thi nghi luan hinh anh 1

Thí sinh làm bài thi THPT quốc gia. Ảnh: Anh Tuấn.

Sau đó, học sinh bình luận về vấn đề đặt ra trong đề thi. Học sinh cần nhắc đến thực trạng về thực phẩm bẩn và tính ích kỷ, hẹp hỏi của một nhóm người trong xã hội. Trên thực tế, không chỉ có người dân sản xuất nhỏ lẻ để bán mà còn có các nhà máy, xí nghiệp sản xuất hàng loạt sản phẩm kém chất lượng, những thực phẩm độc hại cung cấp cho người tiêu dùng nhằm thu lợi.

Nhóm người này chỉ chú ý đảm bảo an toàn cho những thực phẩm mà mình sử dụng hàng ngày còn coi thường chất lượng của sản phẩm đem bán, tiêu thụ.

Sau khi nhắc đến thực trạng, học sinh bàn luận về nguyên nhân và hậu quả của thực trạng nói trên. Nguyên nhân khiến những người tiêu dùng không quan tâm sức khỏe của người khác chính là vấn đề lợi nhuận. Vì lời nhuận nên khi trồng trọt, chăn nuôi họ thường sử dụng các loại chất kích thích, các hóa chất độc hại thì cây trồng vật nuôi sẽ phát triển nhanh, ít sâu bệnh, nhanh thu lợi.

Đi liền mục đích lợi nhuận chính là sự xuống cấp về lương tâm, đạo đức và là biểu hiện của một trình độ nhận thức hẹp hòi, ích kỷ như tác giả đoạn trích đã nhận định.

Hậu quả của việc chỉ nghĩ đến bảo vệ mình và xem thường sức khỏe, tính mạng của người khác là tình trạng mọi người đang tìm cách giết hại lẫn nhau, vì "chúng ta không thể cả đời chỉ uống trà, ăn rau hay ăn thịt, họ uống trà sạch nhưng vẫn phải ăn rau bẩn của kẻ khác, ăn rau nhà sạch nhưng vẫn ăn thịt bẩn của kẻ khác… Chúng ta đang giết nhau trong khi cảm thấy an tâm đã bảo vệ được gia đình mình ở một góc nhỏ hẹp hòi…”.

Học sinh lấy thêm dẫn chứng từ những sự việc gây phẫn nộ như tiêm thuốc siêu nạc, thuốc an thần, tiêm thuốc chất salbutamol… là nguyên nhân gây ra biến tướng về mặt sức khỏe, thậm chí là nguyên nhân của bệnh ung thư.

Sau khi bàn luận vấn đề, học sinh rút ra bài học cho bản thân mình, nêu cao ý thức tự giác trong việc cung cấp thực phẩm sạch, an toàn cho mình và cho người khác, lên án những kẻ chạy theo lợi ích trước mắt, xem thường sức khỏe, tính mạng người khác… Những bài học này cần đưa ra một cách tự nhiên, chân thành, tránh sáo rỗng, hô khẩu hiệu.

Ngoài việc đảm bảo đủ các ý trên, học sinh cần sáng tạo khi sử dụng ngôn từ, hành văn nghị luận sâu sắc, mới mẻ và độc đáo, đảm bảo đúng quy tắc chính tả, dùng từ và đặt câu. Đây là những yếu tố lấy lòng ban giám khảo.

Theo Zing


Thực phẩm bẩn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.