Trường phổ thông dạy học sinh theo kiểu đại học

Ở trường này, cũng có vườn cây, khu nuôi chim, gia cầm... nhưng với quy mô nhỏ hơn và chỉ để cho HS học chứ không kinh doanh.

Ở trường này, cũng có vườn cây, khu nuôi chim, gia cầm... nhưng với quy mô nhỏ hơn và chỉ để cho HS học chứ không kinh doanh.

"Học viện dành cho các nhà khoa học trẻ"

Yadlin Experimental Elementary School nằm ở thành phố Rishon Letzion cách Jerusalem chừng 1 giờ 20 phút đi xe hơi mà theo các bạn Israel là "không xa".

Ấn tượng đầu tiên khi vừa đến trường này là được giới thiệu với hiệu trưởng - một người đã được cử về để đóng cửa trường cách đây 6 năm vì hoạt động không hiệu quả. Đến nay, không những cô đã giữ lại được mà còn xây dựng trường trở thành một trường thực nghiệm thành công và là trường kiểu mẫu tại Israel trong việc thực hiện Công ước về Quyền trẻ em của Liên hiệp quốc.

Israel, thực nghiệm, học sinh, giáo viên

Trong khi các bạn khác đang học trong lớp, nhóm HS lớp 4 này lại chọn lựa tự tách ra ngồi học riêng ngay trước cửa lớp. Thỉnh thoảng, khi cần thiết, các em lại chạy ra chạy vào để hỏi thầy đang dạy bên trong.

Trước đó, chúng tôi cũng được giới thiệu rằng trường có thế mạnh về chương trình lãnh đạo cho HS và được xem là "Học viện dành cho các nhà khoa học trẻ" ở khu vực này.

Một nhóm học sinh lớp 6 được cô hiệu trưởng phân công hướng dẫn đoàn đi thăm trường. Cũng giống như ở các trường khác mà chúng tôi đã đến, các em trông thật tự tin và rất thân thiện. Ở trường này, cũng có vườn cây, khu nuôi chim, gia cầm... nhưng với quy mô nhỏ hơn và chỉ để cho HS học chứ không kinh doanh như Trường trung học thực nghiệm Ein Karem.

Đặc biệt, trường có mô hình trồng cây và nuôi cá liên hoàn do học sinh tự thiết kế và thực hiện toàn bộ. Các "hướng dẫn viên" nhí có vẻ rất tự hào khi giới thiệu với chúng tôi về những thành quả của mình.

Đáng ngạc nhiên và khâm phục là tư duy của các em về những công việc mình đang làm. Khi dắt chúng tôi đến khu nuôi chim, các em giải thích rằng đang tiến hành dự án cải tạo lại để nuôi một loại động vật mới vì chim đã bay đi hết!

Chúng tôi hỏi đùa rằng vậy có tiếc không? Một HS lớp 6 trả lời rất nghiêm túc: "Không, như thế tốt hơn cho chúng vì chúng đã được tự do!".

Một cậu bé khác giải thích thêm với giọng điệu y như một triết gia: "Chúng em chỉ làm các công việc ban đầu, phần còn lại là để thiên nhiên tự quyết định!".

Thật may mắn là chúng tôi đến thăm trường vào ngày thứ Năm nên đã được chứng kiến một giờ ra chơi rất đặc biệt ở đây. Tại trường này, mỗi chiều thứ Năm hàng tuần đều có một hoạt động gọi là Active Break (giờ ra chơi chủ động). Gọi như vậy vì toàn bộ các hoạt động trong giờ chơi này đều do các HS lớp lớn tự thiết kế và tổ chức cho các HS lớp nhỏ tham gia.

Để chuẩn bị cho việc đó, hàng tuần, Hội đồng thể thao phải làm việc rất nghiêm túc để suy nghĩ, sáng tạo ra các trò chơi mới cho Active Break (trường có tới 22 hội đồng (HĐ) khác nhau của HS chứ không phải chỉ có một. Mỗi HĐ phụ trách một nhiệm vụ khác nhau như HĐ thể thao, HĐ môi trường, HĐ truyền thông, HĐ chuyên trách các vấn đề UNICEF...).

Các giáo viên hoàn toàn không can thiệp vào việc chuẩn bị cũng như tổ chức các hoạt động của Active Break (giờ giải lao sôi nổi) mà chỉ góp ý cho các em khi cần thiết để đảm bảo tính an toàn của các trò chơi. Các HS thật sự rất hứng thú với giờ ra chơi chiều thứ Năm này vì cả trường sẽ được cùng chơi với nhau và luôn có các trò chơi mới hấp dẫn. Trong khi các em nhỏ chơi thì các anh chị lớp 6 vừa tham gia chơi cùng, vừa giúp đỡ và hướng dẫn cách chơi vì tất cả đều là các trò chơi do các em thiết kế...

Giáo viên phải làm việc gấp 5 lần một giáo viên bình thường

Cũng giống như mô hình của một trường thực nghiệm, trường Yadlin tiến hành dạy cho HS theo phương pháp dạy học theo dự án. Để thuận lợi hơn cho cả giáo viên và HS trong việc dạy theo dự án, trường đã chia các môn học theo từng bộ môn (campus). HS được chia theo ba cấp độ (lớp 1-2, lớp 3-4, lớp 5-6) và học theo từng nhóm (như nhóm về khoa học, nhóm về nghệ thuật).

HS sẽ được dạy theo nhóm và theo bộ môn như vậy với cấu trúc chương trình tăng dần về mặt học thuật từ năm lớp 1 đến năm lớp 6 (tương tự như các năm học ở bậc đại học). Ví dụ, với bộ môn Khoa học, các cấp độ học thuật được chia ra như sau :

- Lớp 1- 2 : Làm quen với thí nghiệm.
- Lớp 3-4 : Bắt đầu làm thí nghiệm.
- Lớp 5-6 : Bắt đầu học với mức độ nghiên cứu chuyên sâu như một nhà khoa học thực thụ. Thậm chí các em còn phải có các công trình khoa học mang đi chia sẻ ở các hội nghị trong nước và quốc tế.

Cô hiệu trưởng đưa cho chúng tôi xem cuốn sổ giới thiệu về các bộ môn trong trường. Mỗi bộ môn được ký hiệu bằng một màu sắc khác nhau để phân biệt và khu học tập của từng bộ môn cũng được sơn theo màu như vậy.

Vào đầu năm, phụ huynh và HS sẽ được phát các cuốn sổ này để tham khảo trước về các bộ môn, sau đó các giáo viên phải đi đến từng lớp học thuyết trình cho HS về nội dung và kế hoạch hoạt động trong năm ở bộ môn của mình để các em quyết định việc chọn lựa dự án. So với trường bình thường học 29 tiếng/tuần theo quy định của Bộ, ở đây HS phải học khoảng 35 tiếng/tuần (riêng khối lớp 5 và 6 học 38 tiếng). 6 tiếng học thêm này là để HS học theo bộ môn và thực hiện dự án.

Tôi hỏi cô hiệu trưởng rằng đây là trường công lập, nếu các giáo viên phải làm việc nhiều hơn so với giáo viên dạy ở trường bình thường như vậy cô có phải trả tiền lương thêm giờ cho giáo viên hay không và cha mẹ có phải đóng góp gì thêm cho trường không?

Cô thừa nhận rằng một giáo viên ở đây phải làm việc gấp 5 lần một giáo viên bình thường, nhưng lượng kiến thức cũng như khả năng chuyên môn của họ phát triển tốt hơn rất nhiều, và đó là lợi ích lớn nhất họ nhận được. Vì thế, không hề có chuyện phải trả tiền thêm giờ.

Các giáo viên vẫn lĩnh lương theo khung bình thường như ở các trường khác. Còn phụ huynh thì không phải trả thêm bất cứ khoản tiền nào cho con em của họ ở trường vì GD phổ thông của Israel đã được Nhà nước quy định là hoàn toàn miễn phí.

Về nghiệp vụ quản lý, cô có cách để phân bổ lịch làm việc của giáo viên trong trường một cách hợp lý, công bằng và vì họ dạy theo bộ môn nên việc bố trí thời gian dạy cũng được giải quyết rất thuận lợi.

Đáng chú ý là giáo viên ở đây vẫn giữ nhiệm vụ chủ nhiệm để có trách nhiệm gắn bó với lớp của mình. Họ chỉ dạy theo môn để thuận tiện cho việc hỗ trợ HS làm dự án. Giáo viên được quyền chọn bộ môn để dạy cũng như chọn nhóm lãnh đạo HS để hướng dẫn.

Cô hiệu trưởng kết luận chắc nịch: "Ngôi trường này không phải là một nơi dành cho những giáo viên lười biếng và không có tâm với HS. Chỉ những GV đam mê, luôn muốn dành hết tâm trí và thời gian cho HS mới có thể làm việc ở đây!".

***

Mô hình trường thực nghiệm của Israel đã mang đến cho nền GD của nước này một làn gió mới vì cách thức chủ động, sáng tạo trong dạy và học. Không chỉ có thế, những giải pháp sáng tạo này lại là đến từ chính các trường chứ không phải từ Bộ Giáo dục. Bất cứ trường nào cũng có thể đề xuất tiến hành thực nghiệm nếu muốn thay đổi các giải pháp dạy và học, tuy nhiên quy trình để chính thức trở thành một trường thực nghiệm lại không hề đơn giản.

Sau khi trở thành trường thực nghiệm, trường cũng phải chịu sự giám sát chặt chẽ của Bộ ở mức độ gấp 5 lần một trường bình thường. Sau 5 năm thực hiện, chỉ những mô hình thực nghiệm thành công, được công nhận là thực sự mang lại những giải pháp tiến bộ và hiệu quả mới được tiếp tục giữ lại và "nhân bản" cho các trường khác....

Nguyễn Thị Kiều Oanh (Chủ tich HĐQT hệ thống Trường
quốc tế Canada và Trường Albert Einstein)
Theo VietNamNet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.