- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
Khủng hoảng với cách dạy con của chính mình
Mới có 1 đứa con mà tôi đã phát khùng lên được vì không biết phải dạy con thế nào mới đúng, mới chuẩn, mới ngoan ngoãn, nề nếp.
Mới có 1 đứa con mà tôi đã phát khùng lên được vì không biết phải dạy con thế nào mới đúng, mới chuẩn, mới ngoan ngoãn, nề nếp.
Con trai tôi đang chuẩn bị vào lớp 1. Ngay từ bé, Quang Anh (tên thường gọi ở nhà Sâu) đã tỏ ra là đứa bé nghịch ngợm, ương bướng và đặc biệt rất thích ăn vạ. Lúc chưa có con, tôi đọc đủ thứ sách báo về nuôi dạy con, nào là Nuôi con không phải cuộc chiến, Kỷ luật không nước mắt, 10 cách đối phó với con thích ăn vạ, Xoa dịu cơn nóng giận của trẻ... Bản thân tôi cũng là người mẹ rất kiên nhẫn, đương nhiên thương con thì người mẹ nào cũng thừa rồi.
Ấy vậy mà, khi bắt đầu đối mặt với khủng hoảng tuổi lên 2, tuổi lên 3... của con thì tôi gần như rơi vào bế tắc trong chuyện dạy con. Lúc Sâu còn nhỏ, mỗi lần Sâu mè nheo ăn vạ, gào khóc... tôi cố gắng bình tĩnh hết mức có thể, rồi ôm con dỗ dành, chiều theo ý con.
Sau vài lần, tôi nhanh chóng nhận ra mình đã sai lầm, không phải cái gì cũng chiều như thế được, đó là chưa kể được cái này, con lại đòi cái khác...
Song với bản năng của một người mẹ, tôi vẫn dùng cách mềm mỏng và ôn hòa nhất là nịnh nọt con để "điều tiết" cơn giận dữ của Sâu. Càng ngày, Sâu càng hay khóc, hay hờn, hay lăn lộn ra đất ăn vạ. Tôi bị chồng kêu "Con hư tại mẹ", bố mẹ chồng thì bảo "Thương cho roi cho vọt"... Tôi stress khi đứng giữa những lời chỉ trích mà không biết phải đối mặt với con thế nào. Nhiều lúc tôi bảo chồng: "Anh giỏi thì đi mà dạy".
Rồi một lần, sẵn mệt mỏi vì công việc, vừa dọn được mâm cơm ra, Sâu thò cả hai tay vào bát canh... rửa tay. Tôi cầm tay con nhấc ra, Sâu khóc, ăn vạ và chống đối ngay lập tức bằng cách cầm cả đĩa rau, đĩa thịt hất tung khắp nhà. Lúc ấy, Sâu 2 tuổi. Không kiềm chế được, tôi tét đít con, là lần đầu tiên tôi đóng vai ác với Sâu.
Không được nghịch theo ý thích lại bị mẹ đánh, Sâu gào khóc gần tiếng đồng hồ, khàn cả giọng, nấc lên từng hồi. Cuối cùng, tôi lại phải ra tay dỗ dành.
Từ sau lần đó, số lần tôi đánh tôi ngày một dày hơn, khi thì dùng tay, khi thì có cả roi. Chồng tôi ủng hộ cách dạy con này, nói "Phải rèn cho nó vào nề nếp, không thể nuông chiều được". Sự thực mà nói, sau mỗi lần đánh con, tôi day dứt đến cả vài ngày. Lại đọc được những bài báo, những cuốn sách hướng dẫn chuyện kỷ luật không nước mắt... tôi ân hận đến mức ám ảnh.
Đánh con 1 thì xót con 10, hẳn người mẹ nào cũng cùng tâm trạng như tôi. Song nếu đánh con xong, con biết sợ, biết nghe lời hơn thì tôi còn bớt áy náy. Đằng này, Sâu nhà tôi vẫn chứng nào tật ấy, vẫn ăn vạ, vẫn bướng bỉnh. Lần gần đây nhất, Sâu đứng trơ trơ cho tôi phát vào mông, sau đó chạy lên phòng đóng sập cửa lại không thèm ăn uống, tỏ rõ thái độ bất cần.
Tôi nghĩ mình đã sai lầm khi dùng roi vọt với con. Còn với "chiến thuật" mềm mỏng, khen ngợi, động viên con, trước kia tôi cũng đã thất bại thảm hại rồi. Có mẹ nào có con trai bướng bỉnh như Sâu nhà tôi "hiến kế" dạy con giúp tôi với, tôi thực sự quá bế tắc.