- Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
- Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
- Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
- Mục này không có nhuận bút.
6 sai lầm mẹ nào cũng mắc khi phạt con
Hét to vào mặt con, thay đổi quyết định đưa ra trước đó… là những sai lầm nhiều phụ huynh thường phạm phải trong quá trình dạy con.
Kỷ luật đối với những hành vi vượt giới hạn của trẻ luôn là một vấn đề khó khăn, khiến không ít người làm cha làm mẹ đau đầu. Việc mắc lỗi là điều khó tránh khỏi nhưng nếu tìm hiểu kỹ và quyết tâm sửa đổi, cha mẹ sẽ đạt được hiệu quả cần thiết khi áp dụng các biện pháp giúp trẻ dừng hành vi có hại.
1. Kỷ luật những hành vi thông thường của trẻ: Có những thứ gây cho người lớn cảm giác khó chịu nhưng đối với trẻ con, đó lại là chuyện hết sức bình thường, thậm chí là trò chơi đầy thú vị như việc tạo ra những tiếng động lớn bất thường, những âm thanh vô nghĩa… Hãy hiểu rằng đó là hoạt động thông thường mà bất cứ đứa trẻ nào cũng làm chứ không riêng gì con bạn.
2. Hò hét, quát tháo vào mặt trẻ: Nhiều chuyên gia tâm lý, các nhà giáo dục đều nhất trí với nhau rằng hét to, la mắng vào mặt trẻ là hành động không nên làm nhất của các bậc cha mẹ khi phản ứng với hành vi xấu ở trẻ. Nếu bạn làm thế với trẻ tức là không tôn trọng trẻ và đứa trẻ cũng sẽ học được cách không tôn trọng bạn. La hét là dấu hiệu của sự giận dữ và mệt mỏi hơn là nỗ lực thực sự muốn giải quyết vấn đề.
3. Không kiên định, hay thay đổi quyết định kỷ luật: Một khi đã nói “không” với trẻ, bạn hãy giữ vững lập trường của mình. Đừng để mềm lòng trước những giọt nước mắt hay những lời ỉ ôi đáng thương của trẻ mà thay đổi quyết định. Kỷ luật chỉ có tác dụng cảnh báo với trẻ về giới hạn không được vượt qua khi nó được thực hành một cách nghiêm túc, thông suốt và kiên trì. Hơn nữa, việc thay đổi quyết định kỷ luật có thể khiến trẻ hiểu rằng bằng chiêu trò, chúng có thể vẫn “mua chuộc” được bạn để tránh bị phạt và có được thứ mình muốn.
4. Không kỷ luật trẻ với tư cách cá nhân: Mỗi đứa trẻ là một nhân cách khác biệt. Với kỷ luật, trẻ cũng có cách phản ứng tiếp nhận khác nhau. Có bé dễ nghe lời hơn nếu bạn tỏ thái độ thực sự nghiêm khắc. Nhưng có bé lại trở nên ngoan hiền nếu bạn dành những lời dịu dàng, ngọt ngào nhưng kiên quyết cho bé. Vì vậy, việc áp dụng chung một kiểu kỷ luật cho các con bạn chính là sai lầm mà không ít ông bố bà mẹ mắc phải.
5. Nhầm lẫn giữa khái niệm “kỷ luật” và “hình phạt”: Kỷ luật là cách để dạy trẻ biết luôn có những giới hạn nhất định. Nếu trẻ vượt qua giới hạn đó, trẻ sẽ gây hại cho chính mình và cho những người xung quanh. Từ đó, trẻ sẽ học được cách tự kiểm soát bản thân để không đi quá giới hạn. Còn hình phạt chỉ tập trung vào điểm sai trái trong hành vi của trẻ và buộc cha mẹ phải nghĩ ra các cách để dừng hành vi đó thay vì biến đổi nó theo chiều hướng tích cực hơn.
6. Kỷ luật trẻ dựa trên tâm trạng: Cùng một lỗi mà trẻ mắc phải, bạn lại có những cách xử lý không nhất quán như: lúc đang vui sẽ dễ dàng cho qua, lúc đang giận lại tăng nặng hình thức kỷ luật không cần thiết. Việc xử lý lỗi sai của trẻ dựa trên trạng thái tâm lý hiện có khiến nhiều cha mẹ trở nên mất uy tín, mất độ tin cậy trước trẻ. Bản thân trẻ lại bị bối rối trước cách phản ứng tùy hứng của cha mẹ và không thực sự hiểu mình đã làm sai điều gì.
Dù là bất cứ hình thức kỷ luật nào, hãy luôn ghi nhớ nguyên tắc: trẻ cần được tôn trọng và chính bạn phải kiểm soát được tâm trạng của mình (cụ thể là cơn giận dữ) trước khi bàn tới chuyện xử lý hành vi không tốt ở trẻ.