Nếu phải trách mắng trẻ, cha mẹ nên làm thế nào cho đúng?

Trong quá trình nuôi dạy trẻ, có rất nhiều tình huống các con làm cho cha mẹ muốn “phát điên”.

Trong quá trình nuôi dạy trẻ, có rất nhiều tình huống các con làm cho cha mẹ muốn “phát điên”. Tuy nhiên, không thể vì cảm xúc nóng giận nhất thời mà trách mắng trẻ một cách tùy tiện. Điều đó có thể sẽ phản tác dụng. Trách mắng trẻ cũng cần có phương pháp và nghệ thuật thì mới đạt hiệu quả và giúp trẻ rút ra được bài học và trưởng thành hơn.

Các trường hợp không nên trách mắng trẻ

Trên thực tế, trừ những tình huống như ảnh hưởng đến an toàn của trẻ hoặc trẻ hành xử không đúng với những điều đã được dạy, còn những việc khác thì cha mẹ nên cân nhắc trước khi mắng trẻ. Bạn không nên mắng con vì những điều bé còn chưa biết bởi trẻ con thường hành xử theo những gì mà mình cho là thích, nên không hiểu được việc gì nên làm hay không nên làm. Chỉ khi đã giải thích, trẻ đã biết (tức là đã có giao hẹn) mà vẫn mắc lỗi thì lời trách mắng của bạn mới có cơ sở, và trẻ mới rút ra được bài học cho mình.

Không dùng những từ ngữ khó nghe


Cha mẹ ác khẩu sẽ nhận lại một đứa con khó kiểm soát cảm xúc. (Ảnh minh họa)

Không ít cha mẹ, khi tức giận đã mắng con bằng những câu rất thô lỗ, khó nghe như: “Mày cút đi”, “Xéo đi cho khuất mắt tao”, “Đồ vô tích sự”, “Dốt như bò”, “Chẳng làm được cái gì cho ra hồn”... Mục đích của việc trách mắng cần là hướng tới hành vi cụ thể của con, tức là con không được làm cái này, cái kia, chứ không nên nhằm vào đứa trẻ. Thay vì nói như vậy, cha mẹ có thể nói rằng: “Bố/mẹ không vui khi con làm như thế”, trẻ sẽ hiểu rằng việc đó là việc không nên làm.

Khi nói những câu nói khó nghe, bạn có thể cảm thấy mình được “hạ hỏa” bởi đứa trẻ sẽ chẳng thể cãi lại, nhưng tổn thương tâm lý của trẻ thì sẽ lớn dần nếu thường xuyên bị nhiếc móc theo cách đó. Chưa kể đến, người cha, người mẹ ác khẩu sẽ được nhận lại một đứa con khó kiểm soát cảm xúc. Rồi một ngày, bạn sẽ giật mình khi nghe thấy con nói như vậy với bạn bè, hoặc người trong gia đình, y hệt như cách mà bạn đã làm với bé.

Trách mắng cần phù hợp với tính cách của trẻ

Mỗi đứa trẻ là một tính cách, một thế giới khác nhau. Bạn không thể áp dụng tất cả các phương pháp của “con nhà người ta” vào con nhà mình. Có những đứa trẻ chỉ cần bố mẹ lừ mắt là đã sợ, có đứa trẻ cần phải thấy bố mẹ gằn giọng mới biết, có trẻ lại cần phải mắng và chỉ rõ lỗi mới biết mình đã làm sai. Cha mẹ là người hiểu con nhất. Vì thế, khi trách mắng con, cũng phải tùy tính cách để dạy dỗ. Thậm chí, trẻ cùng bố mẹ sinh ra, anh và em trai cũng có thể hai tính cách trái ngược. Đừng áp dụng việc trách mắng máy móc một cách vô lý. Dùng đúng “liều” và “lượng” mới có thể mang lại hiệu quả tốt nhất.

Không nên trừng phạt con kiểu “đòn roi”

Khi bạn đã giải thích mà trẻ không nghe lời, bạn chỉ muốn đánh cho con một trận nhớ đời. Thế nhưng, nó chỉ thể hiện một điều: bạn thực sự bế tắc và bất lực với con. Hơn nữa, việc đánh con nhiều khi cũng không giúp bạn đạt được mục đích giáo dục cuối cùng. Nhiều trẻ bị cha mẹ mắng và đánh nhiều, còn trở nên lì đòn và khó bảo hơn.


Đòn roi không giúp bạn đạt được mục đích giáo dục cuối cùng. (Ảnh minh họa)

Nếu trừng phạt làm trẻ đau về thể xác, sợ hãi mà làm theo, thì trách mắng cùng với dạy bảo, giải thích cặn kẽ mới giúp trẻ thực sự hiểu được vấn đề để tránh lỗi ấy lần sau.

Cha mẹ phải thống nhất về cách giáo dục con

Dạy con cần phải có sự nhất quán, việc trách mắng con cũng vậy. Có những lỗi nên trách mắng trẻ, có lỗi có thể cho qua. Khi trẻ bị bố mắng thì mẹ hoặc ông bà nên đứng ngoài hoặc đóng vai trò giải thích, nói rõ cho trẻ hiểu. Trừ khi việc bố trách phạt đi quá với những quy ước chung của gia đình, những trường hợp khác người trong gia đình tuyệt đối không nên can thiệp hoặc bênh con mà cho rằng bố mắng sai. Như vậy, con sẽ sinh ra thói dựa dẫm và không hiểu được lỗi của mình, còn bố cũng sẽ bị mất uy trong việc dạy dỗ con.

Trách mắng nhưng không ghét bỏ

Nhiều trẻ sau khi bị trách mắng thường có cảm giác bố mẹ ghét mình nên mới làm vậy. Nhất là khi bố mẹ dùng những lời lẽ thô lỗ, nặng nề. Vì vậy, sau khi nguôi cơn giận, hãy nói rõ với trẻ mình giận trẻ vì việc trẻ đã làm chứ không phải vì ghét bỏ con để xoa dịu và xua tan sự lo lắng cho con.

Tuy nhiên, tuyệt đối không xuống nước mà xin lỗi trẻ. Hãy để trẻ hiểu rằng, việc con bị mắng là do lỗi sai của con, và bố mẹ có mắng cũng chỉ là bất đắc dĩ mà thôi. Để lấy lại hòa khí với con, bạn có thể nói rằng: “Bố mẹ mắng chỉ vì không muốn mắc lỗi lần sau. Con đừng lặp lại hành động đó nữa nhé”.

Thu Trang (T.H)/ VietNamNet

 Mời bố mẹ chia sẻ về kinh nghiệm nuôi dạy con của mình. Mọi thông tin vui lòng xin gửi về địa chỉ mail Tintuconline@vietnamnet.vn hoặc viết bình luận ở bên dưới. Xin trân trọng cảm ơn!



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.